Phát triển sân bay nhỏ ở Việt Nam (Bài 5): Những khó khăn, vướng mắc

Việc phát triển các sân bay nhỏ, sân bay chuyên dùng phụ thuộc vào chính sách về hàng không chung. Trong khi đó, quy hoạch hệ thống sân bay hiện nay vẫn đang “vắng bóng” sân bay nhỏ, sân bay chuyên dùng.

Quy hoạch hệ thống sân bay hiện nay vẫn đang “vắng bóng” sân bay nhỏ, sân bay chuyên dùng. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Đây là bài viết cuối cùng trong loạt 5 bài viết về phát triển sân bay nhỏ ở Việt Nam mà chuyên gia hàng không, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống đã viết và gửi cho chúng tôi đăng tải. 

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) năm 2014 quy định bổ sung Khoản 6 Điều 49: “Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải. Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng”.

Quy hoạch các sân bay chuyên dùng do Bộ Quốc phòng chủ trì quản lý. Bộ Quốc phòng vẫn thẩm định và cấp phép phê duyệt quy hoạch sân bay chuyên dùng. Do Bộ Quốc phòng phê duyệt, quản lý sân bay chuyên dùng nên Bộ Giao thông vận tải không đưa loại sân bay này vào trong đồ án quy hoạch.

Hiện nay hầu hết các cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam đều là lưỡng dụng dùng chung cả dân sự, quân sự. Năm 1997, quân đội đã làm quy hoạch hệ thống sân bay quân sự toàn quốc, nhưng không phê duyệt được.

Luật quy định hệ thống sân bay quân sự, chuyên dùng giao cho Bộ Quốc phòng thực hiện quy hoạch, quản lý nhưng hơn 10 năm nay quân đội không triển khai quy hoạch hệ thống này. Do đó cần phải sửa đổi Luật Hàng không dân dụng để thống nhất cơ chế, chính sách về quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc bao gồm các sân bay thương mại và các sân bay chuyên dùng. 

Chính vì chưa có trong quy hoạch nên việc phát triển các sân bay nhỏ chuyên dùng ở Việt Nam hiện vẫn rất “tù mù”. Nhà nước chưa có các chính sách ưu đãi, khuyến khích hãng bay mở đường bay khai thác các sân bay nhỏ, chưa bỏ việc quy định giá vé máy bay. Nhà nước chưa có các hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, đất đai, nguồn vốn vay để phát triển các sân bay nhỏ.

Đặc biệt, hiện nay việc huy động nguồn vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng hàng không theo hình thức BT “đổi đất lấy hạ tầng” đang gặp nhiều vướng mắc và cần xem xét lại. Trong Đề án Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ GTVT đề xuất kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với 6 cảng hàng không: Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau, Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị.

Việc hợp tác công - tư trong đầu tư sân bay trên thế giới đều chủ yếu áp dụng nguyên tắc cổ phần trên giá trị toàn sân bay. Thực tế cho thấy khi tư nhân đầu tư vào sân bay thì họ tính thành cổ phần trên giá trị toàn sân bay đó. Cần phải tính giá trị của toàn thể sân bay cần đầu tư và khi nhiều thành phần tham gia đầu tư thì Nhà nước chiếm bao nhiêu phần trăm, tư nhân chiếm bao nhiêu phần trăm, tính trên giá trị của toàn bộ sân bay đó. Toàn bộ chi phí làm khu bay và khu hàng không dân dụng đều tính vào đó hết và chia lãi cũng như lỗ trên tổng thể sân bay đó.

Nếu hợp tác công - tư theo đúng nguyên tắc cổ phần này thì tư nhân không dại gì đầu tư vào sân bay khi dự toán lỗ, trừ khi có những ý đồ khác như kinh doanh địa ốc trá hình trong sân bay... Vì thế chính sách BT dự kiến áp dụng cho các sân bay diện xã hội hóa đầu tư trong Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không của Bộ GTVT cũng cần xem xét lại một cách kỹ lưỡng.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét cho phép các địa phương có quỹ đất để đổi đất lấy hạ tầng hàng không, góp phần phát triển các sân bay nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Nếu làm nghiên cứu khả thi về tài chính thì các sân bay mới đều lỗ cho nên để huy động vốn tư nhân vào phát triển sân bay, nhà nước bù lỗ bằng quỹ đất mà không xác định được diện tích đất bù lỗ đó để đổi lấy hạ tầng sân bay như thế nào để hợp lý để không quá nhiều.

Quỹ đất dành cho sân bay tư nhân đầu tư này sẽ được khai thác cho những hoạt động địa ốc không liên quan đến hoạt động hàng không như thế nào?

Vì thế cần phải tách bạch giữa dự án xây dựng sân bay với dự án huy động nguồn vốn từ quỹ đất để xây sân bay. Do đó chính quyền địa phương cần xây dựng một dự án đô thị sân bay gồm khu sân bay và khu đô thị quanh sân bay. Chính quyền quy hoạch khu đô thị quanh sân bay và tổ chức đấu thầu quyền sử dụng đất để làm vốn đầu tư cho sân bay mà nhà nước sở hữu và quản lý.

Nhà nước đầu tư cho sân bay nên cần cân nhắc quy mô diện tích sân bay và sản lượng hợp lý để giảm nhu cầu vốn đầu tư. Mặt khác, nhà nước cũng cần có nguồn thu lớn để đầu tư cho sân bay từ việc đấu thầu quyền sử dụng đất của khu đô thị quanh sân bay nên tránh được tình trạng sơ hở xảy ra tham nhũng đất đai khi gộp chung dự án sân bay cho tư nhân đầu tư và sở hữu. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/phat-trien-san-bay-nho-o-viet-nam-bai-5-nhung-kho-khan-vuong-mac-2022118144652160.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/