[Phần 1] ASF tiếp tục lan rộng tại châu Á đe dọa an ninh lương thực của khu vực

Sự lây lan của sốt heo châu Phi (ASF) ở châu Á trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Được báo cáo lần đầu tiên ở phía đông bắc Trung Quốc vào tháng 8/2018, dịch bệnh thường gây tử vong nhanh chóng ở heo đã quét qua quốc gia châu Á khiến hơn 1 triệu con heo bị tiêu hủy.

Trong những tuần gần đây, virus ASF đã vượt biên giới sang Việt Nam, Campuchia, Mông Cổ, Hong Kong và có thể cả Triều Tiên. 

Các chuyên gia sức khỏe động vật đồng ý rằng căn bệnh này chắc chắn sẽ lan xa hơn. Và nhiều quốc gia mới bị tấn công thậm chí còn không chuẩn bị nhiều để đối phó với dịch ASF như Trung Quốc, cho đến nay vẫn thất bại trong việc chấm dứt sự bùng phát virus.

Theo ông François Roger, một nhà dịch tễ học động vật tại Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Pháp về phát triển quốc tế ở Montpellier, Campuchia có lẽ không có khả năng kĩ thuật để có thể kiểm soát sự lây lan của virus ASF

Ông nhận định virus sẽ sớm xuất hiện ở Myanmar và Lào, nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng và giám sát thú y yếu kém, và có thể lan rộng ở Đông Nam Á. 

Nếu vậy, nó dấy lên một mối đe dọa về khả năng quay trở lại Trung Quốc, ngay cả khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thành công trong việc kiểm soát sự bùng phát trong nước. 

Một ổ dịch địa phương cũng có thể gây ra mối đe dọa lớn khi các khách du lịch di chuyển bằng hàng không ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Australia đã bị tịch thu các sản phẩm thịt heo bị nhiễm virus ASF và còn bị phạt tiền nặng. 

[Phần 1] ASF tiếp tục lan rộng tại châu Á đe dọa an ninh lương thực của khu vực - Ảnh 1.

Các nhân viên thú y ngăn chặn dịch ASF tại Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty Image.

Đe dọa an ninh lương thực trong khu vực

Cuộc khủng hoảng không chỉ gây khó khăn về kinh tế mà còn đe dọa an ninh lương thực trong khu vực. 

Dịch ASF lây lan nhanh chóng tại miền Nam, dù các địa phương khẩn cấp triển khai các biện pháp ngăn chặn cũng như kịch bản bùng phát dịch bệnh, sau khi báo cáo phát hiện ổ dịch đầu tiên tại thủ phủ nuôi heo Đồng Nai vào đầu tháng 5.

Tính trong tháng 5, đã phát hiện thêm ổ dịch mới tại tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Hà Tĩnh, Bình Dương, Bình Phước, Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long

Tại Việt Nam, nơi thịt heo chiếm ba phần tư lượng thịt tiêu thụ, hơn 1,2 triệu con heo trên cả nước, khoảng 4% số lượng đàn heo cả nước, đã chết hoặc bị tiêu hủy, theo dữ liệu chính thức công bố hôm 13/5. 

"Đây có lẽ là bệnh dịch nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe động vật [thế giới] trong suốt thời gian qua, nếu không muốn nói là chưa bao gi", ông Dirk Pfeiffer, nhà dịch tễ học thú y tại City University of Hong Kong, cho biết.

ASF vô hại đối với con người nhưng lây lan nhanh chóng ở heo nhà và heo rừng thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với thức ăn và nước bị ô nhiễm. 

Nguồn lây nhiễm

Người lao động tại nông trại có thể vô tình mang virus trên giày, quần áo, xe cộ và máy móc. Nó có thể tồn tại trong các sản phẩm thịt heo tươi và chế biến; nó thậm chí còn chống lại một số chất khử trùng.

Sau khi lây lan ở hầu hết châu Phi, virus ASF đã "vượt biên" sang Georgia vào năm 2007 và sau đó đã lan sang Nga. 

Virus có lẽ đã vào Trung Quốc bằng các sản phẩm thịt heo nhập khẩu vào mùa hè năm ngoái. 

Heo nhiễm bệnh bị sốt cao, chảy máu trong, thường xuyên dẫn tới tử vong và không có thuốc điều trị hay phòng ngừa. 

Theo Yolanda Revilla thuộc Trung tâm Sinh học Phân tử Severo Ochoa ở Madrid (Tây Ban Nha), đồng tác giả một bài đánh giá gần đây về vacxin cho ASF, những vacxin tiềm năng đang được phát triển nhưng vẫn cần ít nhất 3 hoặc 4 năm. Cho đến lúc đó, giảm sự lây truyền là lựa chọn duy nhất.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/phan-1-asf-tiep-tuc-lan-rong-tai-chau-a-de-doa-an-ninh-luong-thuc-cua-khu-vuc-20190523081711516.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/