Ông Trump có thể dùng thuế quan để bảo vệ ngành sản xuất dầu nội địa trước cuộc chiến giá dầu thô

Hôm 4/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thể áp thuế quan lên dầu nhập khẩu, nếu cần thiết, nhằm bảo vệ các công ty năng lượng Mỹ và bảo vệ công ăn việc làm của hàng ngàn lao động trong ngành này.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng với đội đặc nhiệm chống virus corona, khi được hỏi về thỏa thuận chưa chính thức giữa Nga và Arab Saudi có thế khiến giá dầu giảm 10 USD/thùng, Tổng thống Trump cho biết người dân Mỹ có thể hưởng lợi từ giá xăng thấp, nhưng rất nhiều việc làm sẽ bị ảnh hưởng.

Một thỏa thuận sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các công ty dầu của Mỹ

Ông nói: “Chúng tôi là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Tôi không hài lòng với thỏa thuận (giữa Nga và Arab Saudi) này vì nó sẽ khiến nhiều người Mỹ mất việc. Tôi sẽ bảo vệ ngành dầu nội địa, kể cả việc phải áp thuế quan lên dầu nhập khẩu. Tôi sẽ làm mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lao động nước minh.", theo tờ News Week.

Hôm 3/4, ông Trump cũng đã có buổi họp bàn bạc về chính sách năng lượng với các lãnh đạo của Exxon, Chevron, Occidental Petroleum và Devon Energy.

Công nghệ thuỷ lực cắt phá tại Mỹ nhằm chiết xuất dầu đá phiến đã giúp quốc gia Bắc Mỹ vươn lên đứng đầu trong số các nhà sản xuất dầu thế giới. Một thoả thuận mới giữa Nga và Arab Saudi sẽ đẩy chi phí xuống thấp, theo đó có thể khiến ngành năng lượng Mỹ sụp đổ.

Kelly Crane, chủ tịch kiêm CEO của Napa Valley Wealth Management, cho rằng giá dầu quốc tế giảm sẽ làm tăng lượng dầu nhập khẩu và điều này sẽ khiến tình hình suy thoái kinh tế tồi tệ hơn khi nhiều công dân đã mất việc và thị trường chứng khoán đang rất lận đận giữa đại dịch COVID – 19.

”Ngành dầu đá phiến không thế có lãi nếu giá tụt xuống dưới 40 - 50 USD/thùng, và nếu nền sản xuất nội địa phải đóng cửa, chúng tôi sẽ phải phụ thuộc vào nguồn dầu từ nước ngoài. Đó cũng là khi Trump vào cuộc với tuyên bố thuế quan, ông gọi hành vi hợp tác giữa các thành viên OPEC là phi pháp", ông Crane nói.

Ông Trump có thể dùng thuế quan để bảo vệ ngành sản xuất dầu nội địa - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Image.

Tuy nhiên, theo CNBC, ông Trump nghĩ không cần thiết pháp áp dụng mức thuế quan này. Thuế quan chỉ đơn giản là lời khẳng định của nước Mỹ rằng họ sẽ không sử dụng dầu từ nước ngoài.

Ông cho rằng Arab Saudi và Nga sẽ phải tự giảm sản lượng vì bản thân họ cũng thiệt hại nhiều nếu giá dầu quá thấp. Ông đã nói chuyện với cả Tổng thống Nga Putin và với Arab Saudi vì ông tin thỏa thuận cắt 10 triệu thùng/ngày sẽ sớm được kí kết.

"Tôi đã đối đầu với OPEC quá lâu rồi. Vì điều gì sao? Vì họ là bất hợp pháp, bạn có thể gọi OPEC là một tổ chức, có thể là độc quyền, có rất nhiều cách gọi cho OPEC. Tuy nhiên, họ đã tan vỡ một cách dữ dội. Nên tôi không mấy bận tâm đến OPEC, tôi thực sự không quan tâm", ông Trump cho hay.

Giá dầu thô "nhảy múa"

Việc Nga không chấp thuận lời đề nghị giảm sản lượng của Arab Saudi vào tháng trước đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành dầu đá phiến Mỹ. Tranh chấp trên thị trường dầu mỏ xảy ra cùng thời điểm dịch COVID–19 lây lan trên phạm vi toàn cầu. Thị trường thế giới bắt đầu tụt dốc từ hai tuần trước.

Giá dầu thô tăng vọt vào tuần trước sau khi Arab Saudi kêu gọi một cuộc họp giữa các thành viên OPEC.

Mặc dù vậy, giá dầu đã giảm hơn 8% trong đầu phiên giao dịch sáng thứ Hai (6/4). Ở thời điểm khảo sát (16h45 giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 3% xuống 27,48 USD/thùng; còn giá dầu thô Brent giảm 3,14% xuống 33,4 USD.

Trong khi đó, tuần trước, giá dầu thô ghi nhận tăng tới hơn 30% nhờ tín hiệu tích cực từ thông tin các nước có thể giảm sản lượng khai thác.

Ngay sau dòng Twitter mới nhất của Tổng thống Donald Trump, Arab Saudi và Nga đã đưa ra những tuyên bố quan trọng về tác động và ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ đối với vấn đề này.

Dòng tweet của Tổng thống Trump tuyên bố hai bên Arab Saudi - Nga sẽ đồng ý cắt giảm hơn 10 triệu thùng/ngày cho thấy ông không chỉ đánh giá quá cao sức mạnh của mình đối với hai nước, mà còn cho thấy sự thiếu hiểu biết về các nguyên tắc cơ bản của thị trường và sự sụt giảm nhu cầu nghiêm trọng hiện tại trên toàn thế giới.

Thị trường dầu đang hỗn loạn, cuộc chiến giữa các nhà sản xuất hàng đầu để giành thị phần ngày càng căng thẳng, việc cắt giảm sản lượng mà Mỹ tuyên bố bất khả thi và nhu cầu bị tác động mạnh do COVID-19 là những vấn đề không thể được giải quyết chỉ bởi một cuộc họp của OPEC diễn ra sắp tới. 


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-trump-co-the-dung-thue-quan-de-bao-ve-nganh-san-xuat-dau-noi-dia-truoc-cuoc-chien-gia-dau-tho-20200406165734016.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/