Ông Putin sẽ ngăn OPEC+ hạ nhiệt giá dầu thô?

Mỹ và các đồng minh đang kêu gọi OPEC+ bơm thêm dầu thô để giảm giá năng lượng trên toàn cầu. Song, Bloomberg cho rằng Nga sẽ không cho phép điều đó xảy ra.

OPEC+ phải bơm thêm dầu

Ngày 3/8 tới, liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp để thống nhất bước đi tiếp theo cho thị trường dầu mỏ. Song, đây là lần đầu tiên trong năm nay, giới chuyên gia không nhận thấy tín hiệu chính sách rõ ràng từ OPEC+. Cho nên, cuộc họp tới hứa hẹn sẽ rất thú vị.

Hiện, OPEC+ đã bơm trở lại thị trường toàn bộ sản lượng mà các nước thành viên đồng ý rút bớt vào tháng 4/2020. Theo kế hoạch thì tháng 8 tới, OPEC+ sẽ trở lại mức sản lượng cơ sở ban đầu. Ít nhất về mặt lý thuyết là vậy.

Còn trên thực tế, sản lượng của liên minh dầu mỏ đang bị hụt khá nhiều so với mục tiêu. Trong tháng 5 - tháng gần nhất có số liệu đầy đủ, các nước thành viên đã bơm ít hơn kế hoạch khoảng 2,7 triệu thùng/ngày.

 

Gần một nửa mức hụt liên quan đến Nga. Sau khi quân đội nước này tấn công Ukraine vào tháng 2, các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ tinh chế khác của Nga đã bị các khách hàng châu Âu tẩy chay.

Việc chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc đã giúp Nga tránh được tác động của các lệnh cấm vận, song không thể bù đắp hoàn toàn tổn thất từ thị trường châu Âu, Bloomberg nhấn mạnh.

Các nước tiêu thụ năng lượng lớn đang kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng. Trong chuyến thăm Arab Saudi hồi cuối tháng 7, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu liên minh OPEC+ bơm thêm dầu để hạ nhiệt lạm phát. Cuộc họp tuần này sẽ là cơ hội đầu tiên để tất cả các thành viên thảo luận về yêu cầu đó.

Nếu nghiêm túc cân nhắc tăng sản lượng một lần nữa, OPEC+ có thể nâng hạn ngạch của các nước thành viên. Tuy nhiên, điều đó sẽ nới rộng khoảng cách giữa sản lượng theo kế hoạch và sản lượng thực tế, vì không nhiều nước có thể bơm dầu nhiều hơn mức hiện tại.

Trên thực tế, trong OPEC+ giờ đây chỉ có Arab Saudi và UAE có công suất dự phòng. Ngay cả vậy, liệu hai nhà sản xuất này có thể bơm thêm bao nhiêu dầu vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.

 

Giải pháp khác sẽ là cho phép một số thành viên có công suất dự phòng khai thác thêm dầu thô để bù đắp lượng thiếu hụt của các nước còn lại. Đây có thể là chiến lược hợp lý, nhưng cho đến nay OPEC+ không cho thấy họ muốn đi theo hướng này. Khả năng cao là đề xuất này sẽ vấp phải sự phản đối.

Tuy nhiên, khoảng cách ngày càng lớn giữa sản lượng mục tiêu và sản lượng thực tế đã làm giảm uy tín của OPEC+. Liên minh này ngày càng khó kiểm soát thị trường khi giá dầu tăng vọt và kế hoạch sản xuất của họ không sát với thực tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thái tử Arab Saudi - Mohammed bin Salman. (Ảnh: AFP).

Nga liệu có chịu giúp một tay?

Mặt khác, Bloomberg không nghĩ rằng Nga sẽ trao một phần hạn ngạch mà nước này được cấp cho các thành viên khác, trừ khi họ nhận được lợi ích gì đó. Các nước OPEC đã đầu tư rất nhiều tâm huyết để đưa Nga vào OPEC+ và họ sẽ làm mọi thứ để giữ Moscow bên trong tổ chức.

OPEC nhiều khả năng sẽ không chấm dứt thoả thuận sản lượng giữa Nga với Arab Saudi và do đó, việc phân phối lại hạn ngạch chưa sử dụng của các nước thành viên khác sẽ trở nên khó khăn hơn.

Hơn nữa, Bloomberg khuyên các nước đừng tin Nga sẽ làm điều gì đó có thể gây tổn hại cho giá dầu. Để thuyết phục các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ và Trung Quốc chế biến dầu thô của mình, Nga đã phải chiết khấu dầu mạnh tay.

Trong hai tháng 4 và 5, dầu Urals của Nga đã được giao dịch với mức chiết khấu gần 35 USD/thùng so với dầu Brent. Mặc dù mức chênh lệch đã được thu hẹp thời gian gần đây, đến giữa tháng 7, Urals vẫn giao dịch thấp hơn dầu Brent khoảng 25 USD/thùng.

 

Điều đó đồng nghĩa rằng OPEC+ sẽ không thể tăng mạnh mục tiêu sản lượng, vì Nga hẳn không muốn giá dầu giảm hơn nữa. Điện Kremlin cần phải tiếp tục lấp đầy kho bạc để chi trả cho cuộc chiến ở Ukraine và có thể Moscow đang cảm thấy vui thú với nỗi đau mà giá năng lượng đắt đỏ gây ra cho các nước phản đối chiến sự.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của OPEC nhận thấy nhu cầu tiêu thụ dầu thô đang tăng lên. Trong quý hiện tại, thế giới sẽ cần gần 30,5 triệu thùng dầu/ngày từ OPEC để cân bằng cung - cầu. Con số này cao hơn sản lượng mà 13 nước OPEC đã bơm trong tháng 6 khoảng 1,74 triệu thùng/ngày.

Người tiêu dùng đang “rút” hơn 1 triệu thùng dầu thô và sản phẩm tinh chế ra khỏi kho dự trữ khẩn cấp của Mỹ mỗi ngày, nhưng việc xả kho này sẽ kết thúc vào tháng 10. Nếu OPEC+ không lấp đầy khoảng trống nguồn cung, giá dầu sẽ tăng lên hoặc nhu cầu buộc phải giảm xuống.

Ngày 3/8 tới sẽ là cuộc họp đầu tiên của OPEC+ trong hơn một năm qua mà các nước không có kế hoạch sản lượng được thống nhất từ trước. Điều này sẽ cho phép liên minh đánh giá đúng đắn về những gì thế giới thực sự cần từ họ, nhưng Bloomberg vẫn sợ rằng Điện Kremlin sẽ ngăn mọi nỗ lực có ý nghĩa nhằm hạ giá dầu từ OPEC+.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ong-putin-se-ngan-opec-ha-nhiet-gia-dau-tho-202281153531965.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/