Olympic Tokyo 2020 và nỗi buồn của các nhà quảng cáo

Người dân Nhật Bản không ủng hộ việc tổ chức Olympic Tokyo trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nước này.

Olympic từ lâu đã trở thành nơi để các công ty quảng bá hình ảnh thông qua các hình thức quảng cáo và những câu chuyện khác nhau, New York Times viết.

Thế nhưng, với thế vận hội năm nay, khi có khoảng 11.000 vận động viên từ hơn 200 quốc gia tập trung tại Tokyo trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp, các nhãn hàng tài trợ đang cảm thấy lo lắng về số tiền hơn 1 tỷ USD mà họ đã chi để chạy quảng cáo trên NBC và nền tảng phát trực tuyến Peacock.

Giải đấu có giá trị lên tới 15,4 tỷ USD đã xuất hiện ngày càng nhiều khi số vận động viên có kết quả dương tính với COVID-19 đang tăng lên. Sự kiện này cũng không nhận được sự ủng hộ của phần đông người dân Nhật Bản. Ngoài ra, các khán đài cũng không cho phép người hâm mộ tới tham dự.

"Thế vận hội năm nay là một bài toán kinh tế bị lỗi. Nếu tình hình ở Nhật Bản diễn biến xấu đi, chúng ta có thể thấy sự thay đổi rõ rệt trong việc cắt hợp đồng", Jules Boykoff, cựu cầu thủ bóng đá và chuyên gia về chính trị thể thao tại Đại học Thái Bình Dương cho biết.

Các nhà quảng cáo sống trong lo lắng với Olympic Tokyo 2020 - Ảnh 1.

Các sân vận động tại Nhật Bản sẵn sàng cho Olympic. (Ảnh: New York Times).

Panasonic, một nhà tài trợ lớn của giải đấu không cử Giám đốc điều hành tới dự kiến lễ khai mạc. Trong khi đó, Toyota, một đơn vị tài trợ lớn khác cũng cho biết sẽ không phát quảng cáo trong lãnh thổ Nhật Bản.

Tại Mỹ, những chiến dịch quảng cáo liên quan đến Olympic đã được thực hiện từ trước nên vẫn phải duy trì. Đối với NBCUniversal, công ty đã trả hàng tỷ USD để phát sóng độc quyền các giải đấu Olympic tại Mỹ cho đến năm 2032, sự kiện này là một nguồn thu quan trọng.

Có hơn 140 nhà tài trợ cho phạm vi phủ sóng của NBC trên truyền hình và trên nền tảng phát trực tuyến lâu đời Peacock cho kỳ đại hội năm nay, tăng hơn 100 nhà tài trợ so với tại kỳ Thế vận hội gần nhất được tổ chức tại Rio de Janeiro.

"Việc không xuất hiện tại Thế vận hội đối với những khách hàng của chúng tôi là điều không thể", Jeremy Carey, Giám đốc điều hành công ty tiếp thị thể thao Optimum Sports cho biết.

Các nhà quảng cáo sống trong lo lắng với Olympic Tokyo 2020 - Ảnh 2.

Người dân Nhật Bản không ủng hộ việc tổ chức Olympic Tokyo. (Ảnh: Campaign Asia).

Trong một quảng cáo của Michelob Ultra, vận động viên điền kinh Usain Bolt hướng những người chạy bộ về phía một quán bar. Chiến dịch của Procter & Gamble nêu bật những việc làm tốt của các vận động viên và cha mẹ của họ. Sue Bird, một ngôi sao bóng rổ, quảng cáo cho hãng sản xuất dụng cụ thể dục Tonal trong buổi ra mắt gần đây.

Chris Brandt, Giám đốc tiếp thị của Chipotle cho rằng tình hình hiện tại là không quá lý tưởng, nhưng công ty vẫn lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch quảng cáo cho các vận động viên Olympic.

"Chúng tôi nghĩ rằng mọi người sẽ tiếp tục theo dõi, ngay cả khi khán giả không được vào sân, như cách họ đã làm với những sự kiện thể thao khác. Việc không có khán giả có thể làm giảm sự phấn khích nhưng Thế vận hội vẫn là một lựa chọn phù hợp", ông Brandt chia sẻ.

NBCUniversal cho biết doanh thu từ tiền quảng cáo cho Olympic Rio de Janeiro 2016 là hơn 1,2 tỷ USD. Năm nay, các chuyên gia ước tính số tiền cho một đoạn quảng cáo 30 giây trên kênh này rơi vào khoảng hơn 1 triệu USD.

Theo Kantar, truyền hình đã thu hút phần lớn chi tiêu cho quảng cáo, nhưng số tiền mà quảng cáo kỹ thuật số và quảng cáo trực tuyến mang lại cho các đơn vị đang tăng lên.

United Airlines, nhà tài trợ của đội tuyển Mỹ đã loại bỏ chiến dịch quảng cáo ban đầu, một chiến dịch quảng bá các chuyến bay từ Mỹ đến Tokyo. Nỗ lực mới của họ, với sự tham gia của vận động viên thể dục dụng cụ Simon Biles và vận động viên lướt sóng Kolohe Andino, khuyến khích sự trở lại rộng rãi hơn đối với du lịch bằng máy bay.

Các nhà quảng cáo sống trong lo lắng với Olympic Tokyo 2020 - Ảnh 3.

Một đoạn quảng cáo của United Airlines. (Ảnh: New York Times).

"Không có ý nghĩa gì nếu tập trung vào một điểm đến cụ thể mà người Mỹ nhiều khả năng không đến được", Maggie Schmerin, Giám đốc bộ phận quảng cáo và truyền thông xã hội của hãng hàng không này cho biết.

Visa, một nhà tài trợ khác của Olympic Tokyo sẽ không tổ chức các buổi họp mặt quảng cáo và gặp gỡ khách hàng ở Tokyo, cũng như không cử bất quan chức nào tới tham dự lễ khai mạc.

Bên cạnh Olympic Tokyo, hai sự kiện thể thao lớn trong thời gian tới là kỳ Thế vận hội mùa đông được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng Hai và FIFA World Cup 2022 được tổ chức vào cuối năm sau tại Qatar đang đẩy ngành quảng cáo vào tình thế khó khăn.

Tuy nhiên, điều quan trọng mà các giám đốc điều hành của những nhà tài trợ mong muốn là Olympic Tokyo được diễn ra suôn sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/olympic-tokyo-2020-va-noi-buon-cua-cac-nha-quang-cao-2021072320261408.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/