Nỗi buồn mang tên Trung Quốc của Boeing

Lệnh trừng phạt mới đây của Trung Quốc đối với lãnh đạo cấp cao của Boeing diễn ra giữa bối cảnh mối quan hệ lâu đời giữa hãng sản xuất máy bay hàng đầu nước Mỹ và thị trường hàng không lớn nhất thế giới đang rạn nứt.

Máy bay Boeing 737-800 của Hainan Airlines - hãng hàng không 5 sao của Trung Quốc. (Ảnh: VCG).

Tuần trước, Bắc Kinh đã thông báo các biện pháp trừng phạt đối với ông Ted Colbert, Tổng Giám đốc Boeing Defense, Space, and Security (công ty con về quốc phòng, an ninh và không gian của Boeing) và ông Gregory Hayes, Chủ tịch kiêm CEO Raytheon Technologies, để trả đũa việc hai doanh nghiệp này bán vũ khí cho đảo Đài Loan với giá trị lên tới 1,09 tỷ USD.

Theo một phần của hợp đồng mua bán, Đài Loan mua tên lửa Harpoon của Boeing trị giá 355 triệu USD và tên lửa Sidewinder của Raytheon trị giá 85 triệu USD.

Chính phủ Mỹ đánh giá hợp đồng bán vũ khí trên là cần thiết để Đài Loan "duy trì khả năng tự vệ đầy đủ". Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ thỏa thuận mua bán này.

Tại một cuộc họp báo, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ning, nhận định việc bán vũ khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời gây tổn hại đến quan hệ Mỹ-Trung cũng như hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.

Boeing Co. là công ty mẹ của cả nhà thầu quốc phòng Boeing Defense, Space, and Security và công ty sản xuất máy bay chở khách Boeing Commercial Airplanes.

Quan hệ giữa Boeing và Trung Quốc đã có lịch sử 50 năm và nhà sản xuất này đã cung cấp khoảng một nửa đội máy bay chở khách cho “gã khổng lồ châu Á”.

Năm 2018, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đóng góp 22% doanh thu máy bay của Boeing và trở thành thị trường lớn thứ hai của hãng sau Mỹ (chiếm 29% doanh thu). Song, hiện nay, mối quan hệ thân thiết giữa Boeing và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên “đắp chiếu” chiếc máy bay 737 Max của Boeing vào năm 2019, khi một lỗi thiết kế gây ra hai vụ rơi máy bay và cũng là một trong những quốc gia cuối cùng cho phép mẫu máy bay này trở lại bầu trời vào tháng 12/2021. Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc vẫn chưa chính thức cho phép các hãng hàng không trong nước nhận bàn giao những mẫu 737 Max mới.

Bài viết trên tờ Global Times hồi tháng 7 cho rằng Trung Quốc đã "mất niềm tin" vào Boeing và mẫu máy bay B737 Max do quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung và các vụ rơi máy bay.

Trong khi đó, Boeing đang tồn 120 chiếc 737 Max được sản xuất cho thị trường Trung Quốc. Tuần trước, hãng đã thông báo rằng sẽ bán lại một số trong những máy bay đang tồn kho cho các quốc gia khác.

Tại một hội nghị do Morgan Stanley tổ chức gần đây, Giám đốc tài chính của Boeing Co., ông Brian West, cho biết hãng này đã trì hoãn việc đưa ra quyết định cho những chiếc máy bay tồn kho trong một thời gian dài, nhưng hãng không thể trì hoãn quyết định đó mãi mãi. Do đó, Boeing sẽ bắt đầu tiếp thị lại một số máy bay đã được thiết kế dành riêng cho khách hàng Trung Quốc.

Trái ngược với “nỗi buồn” của Boeing, đối thủ Airbus đã “hoan hỉ” thông báo vào tháng 7 rằng ba hãng hàng không hàng đầu của Trung Quốc đã đặt mua 292 máy bay A320 mới với giá 37 tỷ USD. Đây là số liệu cho thấy Trung Quốc ưa thích máy bay A320 hơn 737 Max.

Ngoài ra, việc công ty quốc doanh COMAC (Trung Quốc) sớm giao C919, mẫu máy bay được chờ đợi từ lâu, sẽ khiến thị trường của Boeing tại Trung Quốc thu hẹp hơn nữa.

Vào tháng 7, Boeing đã than thở rằng nhiều năm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, chiến tranh thương mại và sức ép liên quan đến vấn đề Đài Loan đã làm tổn hại hoạt động kinh doanh của “gã khổng lồ” máy bay tại quốc gia này.

Theo người phát ngôn của Boeing, với tư cách là một nhà xuất khẩu hàng đầu nước Mỹ và mối quan hệ 50 năm với ngành hàng không Trung Quốc, hãng chế tạo máy bay này cảm thấy thật thất vọng khi những khác biệt về địa chính trị tiếp tục hạn chế xuất khẩu máy bay của Mỹ.

Thống kê trên trang chủ của hãng Boeing cho thấy trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, Trung Quốc chỉ đặt mua 9 chiếc máy bay của Boeing, trong đó có 2 chiếc 737 Max. Đây là một con số quá “thê thảm” so với đơn đặt hàng 328 máy bay Boeing của Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2018.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/noi-buon-mang-ten-trung-quoc-cua-boeing-202292182419898.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/