Những uẩn khúc trong vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream từ Nga tới châu Âu

Mặc dù chưa có kết luận điều tra chính thức, đa số quốc gia đều không tin rằng sự cố rò rỉ khí đốt trên biển Baltic từ Nga đến Đức chỉ là một tai nạn.

Financial Times dẫn lời các quan chức từ Đan Mạch, Đức và Ba Lan cho biết vụ rò rỉ khí đốt tại các đường ống Nord Stream của Nga trên biển Baltic nhiều khả năng là kết quả của hành vi phá hoại.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết: “Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận, nhưng tình huống hiện tại rất bất thường. Có tới ba đường ống bị rò rỉ và khó có thể tưởng tượng được rằng vụ việc chỉ là tình cờ”.

“Đây là những hành động có chủ ý, không phải là một tai nạn,” bà Frederiksen nói thêm.

Các quan chức Đức cho biết Berlin tin rằng việc mất áp suất ở cả hai tuyến vận tải có thể là kết quả của một cuộc tấn công cho chủ đích. Các nhà địa chất Thụy Điển phát hiện hai vụ nổ tại khu vực rò rỉ hôm 26/9. Tuy nhiên, Đức không tham gia vào cuộc điều tra chung đang được thực hiện bởi Đan Mạch và Thụy Điển. 

Vụ việc xảy ra ngay gần đường ống dẫn khí đốt của Na Uy (màu xanh).

Theo tờ Tagesspiegel của Đức, Berlin đang nghi ngờ rằng vụ việc là một “cuộc tấn công có chủ đích“ bởi Nga hoặc Ukraine.

Tờ báo trên giải thích rằng một vụ tấn công có chủ đích dưới đáy biển phải có sự tham gia của lính đặc nhiệm, người nhái hoặc tàu ngầm. Berlin được cho là đang xem xét hai kịch bản có thể xảy ra.

Trong kịch bản đầu tiên, Ukraine hoặc “những lực lượng có liên quan tới Ukraine” có thể là kẻ đứng sau vụ tấn công. Kịch bản thứ hai là Nga dùng vụ tấn công để đổ tội cho Kiev và đẩy giá năng lượng lên cao hơn.

Sự cố rò rỉ sẽ không ảnh hưởng trực tiếp tới dòng khí đốt của Nga tới châu Âu do hai đường ống này hiện đều đang không hoạt động. Một chi tiết đáng chú ý là vụ việc xảy ra trùng với thời điểm khánh thành đường ống dẫn khí đốt của Na Uy qua Đan Mạch đến Ba Lan.

"Chúng tôi không biết rõ tất cả các chi tiết, nhưng rõ ràng [vụ việc] là hành động phá hoại liên quan đến bước leo thang tiếp theo của tình hình ở Ukraine”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết.

Tuy nhiên theo RT, thành viên Nghị viện châu Âu, cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radislaw Sikorski lại lên mạng xã hội Twitter và viết “Cảm ơn Mỹ”, kèm theo hình ảnh dòng khí đốt chảy ra biển Baltic.

Sau đó ông viết thêm rằng thiệt hại tới đường ống Nord Stream đồng nghĩa với việc Nga sẽ phải “thảo luận với những quốc gia mà đường ống Brotherhood và Yamal chảy qua là Ukraine và Ba Lan” nếu muốn tiếp tục bán khí đốt cho châu Âu.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trên Twitter: “‘Rò rỉ khí đốt từ NS-1 (Nord Stream 1) không khác gì một cuộc tấn công khủng bố do Nga lên kế hoạch và một hành động gây hấn với EU”. 

“Nga muốn làm mất ổn định [tình hình] kinh tế ở châu Âu. . . Biện pháp đáp trả và đầu tư an ninh tốt nhất là [gửi] xe tăng cho Ukraine”, ông nói.

 

Khi được hỏi liệu sự phá hoại có phải là nguyên nhân gây ra vụ rò rỉ hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Rõ ràng là đường ống đã bị hư hỏng bằng cách nào đó. Trước khi có kết quả điều tra thì không thể loại trừ bất cứ khả năng nào”.

Lời cảnh báo của CIA

RT dẫn bài báo của tạp chí Der Spigel  bằng tiếng đức cho biết Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã cảnh báo về nguy cơ một cuộc tấn công vào các đường ống trên biển Baltic từ “vài tuần trước”.

Thông tin từ CIA “đã được Berlin tiếp nhận vào mùa hè”, tờ báo cho biết. Tuy nhiên, chính phủ liên bang Đức từ chối bình luận chính thức về các vấn đề liên quan đến tình báo.

Các cơ quan an ninh Đức hiện đang kiểm tra hình ảnh vệ tinh của khu vực xảy ra vụ nổ, nhưng chỉ thấy giao thông hàng hải không đáng kể. Berlin cũng tin rằng chỉ có các quốc gia mới có thể thực hiện vụ phá hoại bằng “thợ lặn hoặc tàu ngầm mini” để cài mìn hoặc chất nổ trên đường ống.

Vào hồi đầu tháng 2, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cảnh báo Moscow rằng nếu nước này tấn công Ukraine, Nord Stream 2 sẽ bị kết thúc. 

Ông Biden nói: “Nếu Nga xâm lược [Ukraine] một lần nữa, thì sẽ không còn Nord Stream 2. Chúng tôi sẽ kết thúc đường ống này”. Khi được hỏi về cách thức thực hiện, ông không nêu chi tiết mà chỉ khẳng định: “Tôi hứa rằng Mỹ sẽ có thể làm được”.

Thiệt hại 

Nord Stream 2 đã được Nga bơm đầy khí đốt vào cuối năm ngoái để chuẩn bị cho kế hoạch khởi động, trong khi Nord Stream 1 vẫn đang vận chuyển khí đốt đến Đức cho tới cuối tháng 8.

Nhà chức trách Đan Mạch cho biết, bọt khí ở biển Baltic có đường kính khoảng 1km. Thụy Điển và Đan Mạch cảnh báo tàu thuyền tránh khu vực này.

Bóng khí từ đường ống Nord Stream nổi lên mặt biển. (Ảnh: Bộ Chỉ huy Quốc phòng Đan Mạch).

Ông Terje Aasland, Bộ trưởng năng lượng và dầu mỏ của Na Uy cho biết nước này đang chú ý đến vụ phá hoại và an ninh vào ngày mở cửa đường ống khí đốt mới đến Ba Lan.

Vào hôm 26/9, cơ quan an toàn dầu khí của Na Uy cho biết một số công ty khai thác gần đây đã phàn nàn rằng có một số máy bay không người lái không xác định ở gần các cơ sở ngoài khơi. Vào tháng 6, một tàu chiến Nga đã hai lần xâm phạm lãnh hải của Đan Mạch gần đảo Bornholm, nơi xảy ra vụ rò ri.

Các nhà phân tích năng lượng cho biết hiện chưa rõ ai sẽ là người được hưởng lợi từ vụ rò rỉ vào thời điểm cả hai đường ống đều ngừng hoạt động. Nhưng một số nghi ngờ rằng sự cố có thể có mối liên hệ với đường ống dẫn khí đốt mới. 

“Vụ rò rỉ trên Nord Stream 2 xảy ra rất sát với thời điểm khai trương đường ống Baltic mới, đưa khí đốt từ Na Uy tới Ba Lan. Vì vậy, vụ việc có tính biểu tưởng cao", ông Tom Marzec-Manser tại công ty tư vấn năng lượng ICIS cho biết. 

"Với hoạt động nhập khẩu khí đốt của châu Âu, tương lai là ở Na Uy, còn Nga đã là quá khứ", ông nói

Ukraine từ lâu đã phản đối dự án Nord Stream, cho rằng các đường ống này làm suy yếu vị thế của Ukraine đối với nguồn cung năng lượng tới châu Âu. Khí đốt của Nga đã tiếp tục chảy qua Ukraine ngay cả sau khi xung đột bùng phát.

Nord Stream 1 đã ngừng hoạt động từ cuối tháng 8, tuy nhiên vẫn còn nhiều khí đốt ở áp suất cao trong đường ống.

Ông James Huckstepp tại S&P Global Platts cho rằng vụ rò rỉ làm gia tăng sự không chắc chắn trên thị trường năng lượng. Ông nói: “Xác suất Nord Stream 1 quay trở lại trước cuối năm nay đã giảm từ 1% xuống 0%. Nhưng vẫn còn lo ngại về các dòng khí đốt còn lại chảy qua Ukraine”.

Ông Henning Gloystein tại Eurasia Group cho biết các đường ống "được thiết kế để ngăn chặn thiệt hại do tai nạn". Tuy nhiên: “Do cả hai đường ống vẫn còn áp lực và mỗi bên có khả năng dẫn khoảng 165 triệu m3 khí/ngày, các vụ rò rỉ ở quy mô này là mối nguy về môi trường và an toàn”.

Theo Bloomberg, Nord Stream nói rằng sự cố là "chưa từng có tiền lệ", nhưng phần lớn khí methane bị rò rỉ sẽ hòa tan trong nước. Tuy nhiên, nhà điều hành này cho biết hiện chưa thể khẳng định được liệu thiệt hại có thể sửa chữa hay không.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-uan-khuc-trong-vu-ro-ri-khi-dot-tren-duong-ong-nord-stream-tu-nga-toi-chau-au-202292811159310.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/