Những màn gọi vốn đậm chất ‘ngông' trong Shark Tank Việt Nam

Bên cạnh những thương vụ bạc tỷ, nhiều màn phản biện độc đáo của nhà sáng lập mang chất “điên” trên Shark Tank Việt Nam đã gây ấn tượng với khán giả truyền hình.
 

nhung man goi von dam chat ngong trong shark tank viet nam Những kiều nữ tài năng, cá tính xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 2
nhung man goi von dam chat ngong trong shark tank viet nam America Shark Tank: Bộ sách giải đáp những câu hỏi triệu 'đô'
nhung man goi von dam chat ngong trong shark tank viet nam Các 'cá mập' cam kết đầu tư 9 triệu USD trong Shark Tank Việt Nam mùa hai

Dù không phải một trò chơi giải trí, nhưng Shark Tank Việt Nam vẫn nhận được sự quan tâm theo dõi từ phía khán giả. Sau hai mùa phát sóng, nhiều thương vụ ghi dấu trong lòng khán giả truyền hình. Đặc biệt, những màn phản biện độc đáo của nhà sáng lập mang chất “điên” khiến cộng đồng khởi nghiệp, cư dân mạng bàn tán xôn xao sau phát sóng, rồi nhớ mãi không quên.

Màn gọi vốn “trên mây”

Trần Duy Khiêm – trợ lý giám đốc Smartlog - khiến hội đồng đầu tư “ngã ngửa” trước bài thuyết trình “tự tin thái quá”. Anh mang đến giải pháp công nghệ thông tin toàn diện cho thị trường logistic Việt Nam. Kêu gọi 116 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần, chàng trai khiến 5 doanh nhân sững sờ vì khẳng định số tiền này bằng tổng vốn đầu tư mùa một.

Khiêm cho biết, ngành logistic thế giới có quy mô 3.000 tỷ USD và 80% kho chưa áp dụng công nghệ hiện đại. Riêng Việt Nam sở hữu 1 triệu xe tải, nhưng 70% xe rỗng chuyến chiều về. Tổn thất do chờ đợi, cập nhật thông tin, xử lý giấy tờ khoảng 2 giờ/chuyến. Đây là cơ hội cho Smartlog thay đổi lĩnh vực logistic của quốc gia, thế giới.

Nhắm vào thị trường vận tải bộ, biển, đường sắt, giao hàng thư tín, thương mại điện tử, Khiêm nhìn nhận Smartlog dễ đi nhanh hơn nhiều “ông lớn”. Như tập đoàn Oracle hiện tập trung vào doanh nghiệp lớn, khó tấn công ngách doanh nghiệp nhỏ do mất nhiều thời gian vận hành bộ máy cồng kềnh.

Đại diện Smartlog dõng dạc tuyên bố thị trường trong nước hiển nhiên trong tay mìn và công ty hoàn toàn có thể kêu gọi con số gấp đôi 116 tỷ từ nhà đầu tư khác. Anh thách thức hơn khi muốn dành cơ hội cho “shark” Việt Nam trước khi vươn ra thế giới.

Đáng nói, doanh thu startup chỉ dừng lại mức 4 tỷ đồng vào năm 2017, thậm chí đang lỗ. “Giấc mộng” của Khiêm khiến ông chủ Intracom – Nguyễn Thanh Việt thốt lên: “Trước khi nhìn lên trời, bạn phải biết nhìn xuống đất”. Phó chủ tịch CEN – Phạm Thanh Hưng - thắc mắc: “Thế giới đã biết đến Bác Hồ, bác Giáp, Viettel, U23, bây giờ phải biết đến Smartlog?”.

nhung man goi von dam chat ngong trong shark tank viet nam
Màn gọi vốn của Trần Duy Khiêm - trợ lý giám đốc Smartlog trên Shark Tank Việt Nam gây xôn xao cộng đồng mạng sau phát sóng. Ảnh: STVN.

Hội đồng đầu tư đồng loạt từ chối rót vốn. Doanh nhân Hưng nói rằng, thất bại này là thành công lớn nhất cho Khiêm và cả 5 “shark”. Sau phát sóng, thương vụ Smartlog gây xôn xao cộng đồng, để lại dư âm đến nay. Nhiều cư dân mạng phong biệt danh “người gọi vốn ảo nhất”, “startup tự tin nhất” khi Shark Tank mùa hai khép lại.

Thương vụ khiến 5 giám khảo “ức chế”

Xuất hiện với phong cách ninja (bịt kín mặt), Phạm Mỹ Mãn giới thiệu đến nhà đầu tư dự án game ức chế tới mức muốn đập điện thoại – Sprint Hero do anh lập trình. Anh nhấn mạnh sản phẩm thực sự khác biệt vì độ gây nghiện gấp nhiều lần Flappy Bird (trò chơi đình đám, từng là niềm tự hào của người Việt), hay LightEaters (trò chơi đang gây sốt với 50 triệu lượt tải).

Chàng kỹ sư Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh tự tin rằng, anh có thể thiết kế hầu hết phần mềm viễn thông, công nghệ thông tin trị giá triệu USD. Anh đã chuẩn bị nền tảng xây dựng doanh nghiệp tỷ USD. Kêu gọi thành công 5 tỷ trên Shark Tank, anh sẽ trở thành triệu phú USD, đủ sức mạnh trí tuệ, tài chính, công nghệ để can thiệp vào nền công nghiệp Việt Nam.

Nhà sáng lập còn hăng hái chia sẻ kiến thức, thông tin marketing, sale mà anh nghiên cứu cho 5 doanh nhân. Thậm chí, anh ví bản thân như hai “đại gia” ngành game là Fando, Ketchapp. Dù startup nhỏ, nhưng anh khẳng định “quan trọng là cái đầu”.

Có bề dày kinh nghiệm kinh doanh, hội đồng đầu tư lần lượt “lắc đầu” trước viễn cảnh tương lai phi thực tế mà Mỹ Mãn vẽ ra. Bà Thái Vân Linh nói rằng: “Chị thấy rất buồn cười. Tất cả những gì bạn nói đều là lý thuyết”. Phạm Thanh Hưng, Nguyễn Mạnh Dũng liên tục bày tỏ quan điểm “game ức chế dễ sợ”, “trình bày còn ức chế hơn game”.

Bà chủ bún định giá công ty nghìn tỷ

Chủ thương hiệu bún Nguyễn Bính nổi tiếng TP. Hồ Chí Minh gọi vốn 8 triệu USD (186,4 tỷ đồng). Dàn “cá mập” tỏ ra ái ngại trước mức định giá cao kỷ lục 1.000 tỷ đồng của nhà sáng lập.

Chị Bính tuyên bố chị là người đầu tiên công nghiệp hóa sợi bún Việt. Muốn tự tay đưa thương hiệu đi vòng quanh thế giới, chị từng từ chối nhà đầu tư Thái Lan dù họ định giá 100 tỷ đồng vào ba năm trước. “Họ coi tôi như mỏ vàng để khai thác khi đề nghị sở hữu 49% cổ phần”, chị nói.

Ra đời từ năm 2004, bún Nguyễn Bính hiện có tổng tài sản 100 tỷ đồng, nợ ngân hàng 17 tỷ đồng. Bà chủ cam kết chiếm 50% thị phần bún tại TP. Hồ Chí Minh trong nửa năm tới.

Duy nhất “vua chảo” Nguyễn Xuân Phú đề nghị cho thuê nhà xưởng, rồi chuyển thành cổ phần nếu nhận thấy mô hình kinh doanh có thể sinh lời. Tuy nhiên, Bính lập tức từ chối vì không muốn nợ thêm.

“Nhà đầu tư rót vốn hay không chẳng phải điều quan trọng. Tôi cảm ơn các shark nhưng có thể con số kêu gọi tương đối lớn”, chị nhấn mạnh.

Vấn đề khiến bà chủ bún ra về tay tắng là quyết không “đặt lên bàn” kế hoạch kinh doanh với các nhà đầu tư. Thái Vân Linh còn chia sẻ lý do không xuống tiền từ yếu tố con người. Bà nhận thấy phong cách của nhà sáng lập rất khó hợp tác.

nhung man goi von dam chat ngong trong shark tank viet nam
Nguyễn Thị Bính - bà chủ thương hiệu bún Nguyễn Bính cho rằng, nhà đầu tư rót vốn hay không không quan trọng. Ảnh: STVN.

Chàng trai “bắn rap” trước nhà đầu tư

Đó là câu nói của Nguyễn Minh Thảo – người sáng lập Umbala trong Shark Tank mùa một. Chàng trai mang chất “điên” cùng khả năng nói như “bắn rap” để lại ấn tượng mạnh cho nhà đầu tư và khán giả truyền hình. Sau chương trình, cộng đồng mạng dậy sóng “chế” những bức hình, phát ngôn “độc” của Thảo.

Umbala là ứng dụng quay video, livestream sử dụng các hiệu ứng kỹ xảo, tính năng độc đáo thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ. Tại thời điểm gọi vốn, Umbala có 165.000 người sử dụng. Sau ba tuần, ứng dụng này thu về 634 triệu đồng.

Đặc biệt, công ty sở hữu đội ngũ nhân sự sáng giá như Trần Việt Hùng (chàng trai từng gọi thành công 9 triệu USD ở Thung lũng Silicon), Vũ Duy Thức (từng làm ở Stanford, Google). Để kết nối, chỉ đạo mạng lưới nhân tài, Thảo cho hay, CEO phải là người ngu nhất trong công ty. Họ là người chuyên chạy tiền.

Anh còn tuyên bố, bản thân có thể sống cực khổ, sẵn sàng bán nhà cửa nhưng không bao giờ để anh em thiếu tiền. Đặc biệt, quá trình nhậu, mát xa rất quan trọng để giải quyết vấn đề trong đội ngũ hay khi tiếp cận đối tác. Chính chất “điên” giúp nhà sáng lập nhận được cam kết đầu tư 260.000 USD từ hai doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy, Trần Anh Vương.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-man-goi-von-dam-chat-ngong-trong-shark-tank-viet-nam-100292.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/