Những câu nói ấn tượng của các 'cá mập' trong tập 13, mùa 3 Shark Tank Việt Nam

Tập 13 của Shark Tank Việt Nam mùa 3 đã chứng kiến "cú đúp" của bà Đỗ Thị Kim Liên khi đầu tư vào đoàn lô tô Sài Gòn Lâm Thời và công ty sản xuất bồn rửa đa năng Boom Potty.

Mở đầu chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3 tập 13, bộ đôi Trung Hiếu - Hồng Nhi mang đến một giải pháp hỗ trợ tele-marketing với nền tảng Telepro.

Telepro, theo giới thiệu của các nhà sáng lập, sẽ hoạt động giống như mô hình kinh tế chia sẻ của Uber. Tại đây, các đối tác và doanh nghiệp sẽ được kết nối với nhau. Doanh nghiệp cung cấp kịch bản gọi điện để các đối tác có thể tư vấn bán hàng qua điện thoại.

Sau khi nghe sơ qua phần trình bày, ông Nguyễn Thanh Việt có phần băn khoăn liệu việc công ty phải gửi danh sách khách hàng cho các đối tác của Telepro có khiến thông tin của khách bị lộ ra ngoài hay không. Đây cũng chính là thắc mắc của ông Phạm Thành Hưng.

"Lỗ hổng công nghệ lớn nhất chính là con người", ông Hưng phân tích.

11

Đồng tình với quan điểm đó, shark Việt cũng cực kì quan ngại việc các đối thủ sẽ lấy được thông tin khách hàng nếu như công ty bàn giao lại hồ sơ khách cho bên thứ ba.

"Đối thủ của anh có thể ngồi ngay bên cạnh anh đây", Chủ tịch Intracom tuyên bố.

22

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Dũng, một trong những nhà đầu tư thiên về công nghệ cũng tỏ ra khá bất ngờ trước việc Telepro thu tới 50% hoa hồng của các đối tác.

"Các nền tảng trên thế giới, nhiều nhất lấy 30%", Giám đốc Quĩ CyberAgent tại Việt Nam & Thái Lan chia sẻ.

33

Mặc dù vậy, ông Dũng vẫn quyết định đầu tư 300.000 USD kèm cam kết lên đến 1 triệu USD nếu như các nhà sáng lập đáp ứng được KPI mà hai bên đề ra.

Ngay sau Telepro là sự xuất hiện của đội lô tô Sài Gòn Lâm Thời. Hai nhà đồng sáng lập Lâm Quốc Khải (Lộ Lộ) và Lê Thùy Linh lên kêu gọi vốn cho cả hai mô hình kinh doanh lô tô trực tiếp (offline) và trực tuyến (online).

Về mô hình offline, hiện tại đoàn lô tô đã có một lượng khách hàng và doanh thu nhất định, trong khi mô hình kinh doanh online lại khá sơ khai, thậm chí chưa triển khai ứng dụng. Việc tách biệt hai nhóm lợi ích khiến bà Thái Vân Linh có phần quan ngại.

"Nhà đầu tư thường đầu tư vào công ty mẹ, chứ không đầu tư vào công ty mới thành lập dựa trên kinh nghiệm trước đây", bà Linh cho hay.

44

Tuy lần lượt bị 4 "cá mập" từ chối, nhưng cuối cùng đội lô tô Sài Gòn Lâm Thời vẫn nhận được cái gật đầu của Shark Liên khi bà là người cuối cùng còn ở lại trên sàn. 

"Tôi không quan trọng vấn đề chia lợi nhuận. Tôi cảm thấy các bạn cũng đang gặp vấn đề khó khăn để hội nhập với cộng đồng. Vì thế tôi đồng ý hỗ trợ các bạn 1 tỉ với 10% offline", nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm LIAN chia sẻ.

55

Kết thúc tập 13 Shark Tank mùa 3 chính là startup Boom Potty của ông bố "bỉm sữa" Lê Đức Thắng. Nhận thấy việc bỏ bỉm muộn của trẻ em Việt Nam, anh Thắng quyết định sáng tạo ra bồn rửa đa năng thay thế bỉm.

Sản phẩm Boom Potty của anh Thắng được thiết kế để đặt trực tiếp lên bồn cầu, qua đó khiến việc vệ sinh cho trẻ sẽ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, những thông số về tài chính của anh Thắng lại không thể thuyết phục được ông Phạm Thành Hưng. Thậm chí ông Hưng còn cho rằng với cơ cấu giá bán như hiện tại, việc có lãi là vô cùng khó khăn.

66

"Với sản phẩm và công thức tính toán về giá bán, số lượng, dung lượng thị trường, điểm hòa vốn, thì cuộc chơi này một mình anh là đủ, không cần thêm các shark đầu tư", Phó chủ tịch CENGROUP phân tích.

Kết thúc vòng gọi vốn, anh Thắng cuối cùng cũng nhận được sự đầu tư của bà Đỗ Liên với con số 2,5 tỉ đổi lấy 30% cổ phần. Shark Liên cũng là "cá mập" duy nhất đầu tư vào Boom Potty.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhung-cau-noi-an-tuong-cua-cac-ca-map-trong-tap-13-mua-3-shark-tank-viet-nam-20191019121642742.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/