Nhu cầu từ các thị trường truyền thống quay trở lại, dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn

Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... sẽ ổn định trong quý I và quý II/2023 do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới.

Tại Hội nghị đánh giá xuất khẩu gạo năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 diễn ra ngày 21/2, đại diện Bộ Công Thương cho biết năm 2023 hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, trong đó có sự quay trở lại của các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh…

Cụ thể, trong tháng 1, Việt Nam đã xuất khẩu 86.000 tấn sang Indonesia, chủ yếu là gạo trắng cao cấp và gạo thơm, tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 47.000 tấn, tăng 13,2% so với tháng 1/2022.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I và quý II/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ cũng đang áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

 Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội nghị ngày 21/2. (Ảnh: Như Huỳnh)

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhờ khả năng hút hàng khi có những hợp đồng lớn.

"Với việc Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam", đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Còn tại thị trường EU, ông Nguyễn Văn Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật, cho biết theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm và 20.000 tấn gạo lứt.

"Các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế", ông Nhật chia sẻ.

Mặc dù thị trường xuất khẩu được dự báo thuận lợi nhưng nhiều chuyên gia, doanh nhân ngành gạo cho rằng vẫn cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm, trong đó có thị trường Philippines. Bởi nhiều nước xuất khẩu gạo khác trong khu vực như Thái Lan, Campuchia… cũng đang có những động thái đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. 

Ngoài ra, cần lưu ý đến những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột chính trị trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.

Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, ông Phan Văn Chinh cho biết Bộ sẽ theo sát tình hình thị trường, đồng thời chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại.

Cùng với đó, đề nghị VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần theo sát tín hiệu từ các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhu-cau-tu-cac-thi-truong-truyen-thong-quay-tro-lai-du-bao-xuat-khau-gao-nam-2023-khoang-65-7-trieu-tan-202322117324395.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/