‘NHTW của các NHTW’ khuyến nghị cả thế giới quyết liệt nâng lãi suất để dập lửa lạm phát

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) kêu gọi các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới phải hành động “một cách nhanh chóng và quyết liệt để không cho lạm phát kịp ăn sâu bén rễ” vào nền kinh tế.

Lạm phát tại Mỹ và châu Âu đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ.

Ngày 26/6 vừa qua, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tổ chức hội nghị thường niên 2022 để các ngân hàng trung ương hàng đầu trên thế giới thảo luận về những khó khăn đang phải đối mặt cũng như biến động mạnh bất thường của thị trường tài chính toán cầu.

Theo Reuters, giá năng lượng và lương thực tăng nóng trên toàn cầu đã đẩy tỷ lệ lạm phát ở nhiều nước lên mức cao nhất nhiều thập kỷ. Cách chữa căn bệnh lạm phát phổ biến nhất là nâng lãi suất và giảm cung tiền.

Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ lại làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế, thậm chí có thể dẫn tới tình trạng lạm phát đình trệ như trong thập niên 1970, tức là lạm phát vẫn cao mà tăng trưởng kinh tế lại sa sút.

Ông Agustín Carstens, Tổng Giám đốc BIS, nhận định trong báo cáo thường niên công bố hôm 26/6: “Điểm mấu chốt đối với các ngân hàng trung ương là phải hành động nhanh chóng và quyết liệt trước khi lạm phát kịp ăn sâu bén rễ”.

Ông Carstens nhấn mạnh rằng các nước cần phải hành động “ngay trong vài quý tới”. BIS vẫn tin rằng nền kinh tế thế giới có thể hạ cánh mềm – tức là chống được lạm phát mà không phải chịu suy thoái – nhưng thừa nhận là khả năng này không cao.

“Nếu quá trình thắt chặt tiền tệ gây ra những khoản thua lỗ khổng lồ, khiến cho giá tài sản bị điều chỉnh mạnh, ảnh hưởng tới tiêu dùng, đầu tư và việc làm thì tất nhiên đó là một kịch bản khó khăn hơn rất nhiều”, ông Agustín Carstens, người từng làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, nhận định.

ECB dự kiến sẽ nâng lãi suất của khu vực Eurozone từ 0% lên 0,25% vào tháng 7 tới đây. Số liệu cập nhật đến 16/6.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) được thành lập vào năm 1930, hiện nay do 63 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đồng sở hữu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng là một trong 63 thành viên của BIS, ngoài ra còn có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), …

BIS có trụ sở chính ở thành phố Basel, Thụy Sỹ. Các quốc gia thành viên của BIS hiện nay chiếm khoảng 95% GDP toàn thế giới. BIS cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các NHTW và do vậy được coi là NHTW của các NHTW.

BIS cũng cung cấp các phân tích kinh tế độc lập và là một diễn đàn để thảo luận chính sách tiền tệ và giám sát tài chính. BIS không cho vay hay xử lý giao dịch cho các chính phủ, không làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu

Thị trường tài chính toàn cầu đang trải qua một trong những đợt bán tháo mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây khi hàng loạt ngân hàng trung ương của Mỹ, Anh, Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Thụy Sỹ, … đồng loạt nâng lãi suất.

Từ tháng 7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng bắt đầu tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản từ mức thấp lịch sử và chấm dứt 15 năm nới lỏng tiền tệ.

Chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu đã sụt gần 20% so với đầu năm nay và hiện đang thấp hơn cả đầu năm 2021, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Lợi suất tăng mạnh đẩy giá trái phiếu đi xuống do giá và lợi suất biến động ngược chiều. Một số nhà phân tích đã tính toán rằng giá trái phiếu Kho bạc Mỹ sẽ ghi nhận nửa đầu năm suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1788.

Chứng khoán toàn cầu tụt dốc trong bối cảnh các NHTW thắt chặt tiền tệ.

Tổng Giám đốc Carstens cho biết BIS gần đây đã cảnh báo về việc giá tài sản cao đến mức thiếu bền vững, vậy nên đợt điều chỉnh của thị trường “không hoàn toàn là điều đáng ngạc nhiên”.

Một phần báo cáo của BIS cho rằng đợt sụp đổ trị giá 2.000 tỷ USD của thị trường tiền mã hóa trong những tuần vừa qua là một dấu hiệu cho thấy những cảnh báo từ lâu về mối nguy hiểm của tiền tệ phi tập trung đang dần trở thành hiện thực.

Việc giá Bitcoin hay Ethereum lao dốc nhiều khả năng sẽ không gây ra các rủi ro mang tính hệ thống như các khoản nợ xấu từng gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Tuy nhiên, ông Carstens khẳng định tổn thất vẫn khá lớn và sự thiếu minh bạch của thị trường tiền mã hóa gây ra nhiều yếu tố bất định.

Về bức tranh vĩ mô, Tổng Giám đốc Carstens cho biết BIS hiện nay không dự báo tình trạng lạm phát đình trệ quy mô lớn sẽ diễn ra.

Ông cũng thừa nhận rằng chính BIS và nhiều ngân hàng trung ương đã đánh giá quá thấp nguy cơ lạm phát trong 6 – 12 tháng qua nhưng nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ không dễ gì để mất uy tín của mình.

“Mọi người có thể tranh luận về sai lầm về thời điểm thực hiện một số hành động và phản ứng của các ngân hàng trung ương. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ rằng các ngân hàng trung ương đã ứng phó mạnh mẽ một cách linh hoạt”, Tổng Giám đốc của BIS nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhtw-cua-cac-nhtw-khuyen-nghi-ca-the-gioi-quyet-liet-nang-lai-suat-de-chong-lam-phat-202262715549557.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/