Nhóm người không được tiêm vắc xin COVID-19 và nhóm phải trì hoãn tiêm chủng

Theo hướng dẫn mới này, những người bị tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên (nêu rõ tác nhân dị ứng) sẽ không được tiêm vắc xin cùng loại.

Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mới được Bộ Y tế ban hành ngày 15/7.

Cụ thể, mẫu phiếu sàng lọc trước tiêm chủng mới được bổ sung ba nội dung sàng lọc, gồm: tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; đã tiêm một mũi vắc xin COVID-19.

Theo hướng dẫn mới này, những người bị tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên (nêu rõ tác nhân dị ứng) thuộc diện chống chỉ định tiêm chủng vắc xin cùng loại.

Người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng nếu mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; hoặc đã tiêm vắc xin khác trong 14 ngày qua; có bệnh mạn tính, đang tiến triển; đang bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đã cắt lách, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao (tương đương hoặc hơn 2mg prednisolon/kg/ngày trong ít nhất 7 ngày); bệnh cấp tính; đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Người phải chuyển tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện nếu có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông; độ tuổi từ 65 tuổi trở lên; bất thường dấu hiệu sống (ghi rõ); nhiệt độ; mạch; huyết áp; nhịp thở...; dấu hiệu bất thường khi nghe tim phổi; rối loạn tri giác.

Theo Bộ Y tế, người đủ điều kiện tiêm vắc xin COVID-19 là người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất; Người không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc tá dược trong thành phần của vắc xin và người không thuộc ba nhóm trên.

Nhóm người không được tiêm vắc xin COVID-19 và nhóm phải trì hoãn tiêm chủng - Ảnh 1.

Tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng hơn 4,2 triệu liều vắc xin COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là hơn 3,9 triệu người, số người được tiêm đủ hai mũi là hơn 304.000 người.

Từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022, Việt Nam sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Bộ Y tế cho biết dự kiến sẽ có khoảng 124 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam tới cuối năm 2021.

Trong đó, vắc xin từ nguồn hỗ trợ của Chương trình COVAX Facility là 38,9 triệu liều, Bộ Y tế đàm phán trực tiếp mua vắc xin của Pfizer/ BioNTech 31 triệu liều, mua của AstraZeneca 30 triệu liều thông qua Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam, Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik-V của Nga và sẽ hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều cho Bộ Y tế. Ngoài ra còn có vắc xin do Chính phủ Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, đại sứ quán các nước tặng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhom-nguoi-khong-duoc-tiem-vac-xin-covid-19-va-nhom-phai-tri-hoan-tiem-chung-20210718152139972.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/