Nhóm bán trò chơi thẻ bài phản biện quyết liệt với 'cá mập' trong Shark Tank Việt Nam, từ chối 1 tỉ đồng

Hồ Phương Thảo và Phạm Vĩnh Lộc là hai người đồng sáng lập dự án trò chơi thẻ bài Sử Hộ Vương. Họ xuất hiện trong chương trình Shark Tank Việt Nam hôm 31/7 để kêu gọi 1 tỉ đồng cho 10% cổ phần dự án.

Game lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử

Sử Hộ Vương là trò chơi thẻ bài lấy cảm hứng từ các nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Đối tượng khách hàng mục tiêu của dự án thanh niên và thiếu niên trong độ tuổi 15 – 24. Trò chơi giúp giới trẻ hiểu rõ hơn lịch sử nước nhà. Dự án bắt đầu từ tháng 4/2018.

Su Ho Vuong 1

Hai người sáng lập dự án Sử Hộ Vương - Hồ Phương Thảo và Phạm Vĩnh Lộc trong chương trình Shark Tank Việt Nam tối 31/7. Ảnh: TV Hub

Khi huy động vốn từ cộng đồng trên nền tảng Comicola dành cho các họa sĩ truyện tranh ở Việt Nam, Sử Hộ vương nhận hơn 300 triệu đồng từ 800 người trong hai tháng, đạt kỉ lục về số lượng người góp vốn lớn nhất trên nền tảng.

Sau khi phát hành, dự án bán 6.000 bộ thẻ bài ngay trong 10 ngày đầu tiên - một con số khá ấn tượng, theo quan điểm của Thảo và Lộc. Hiện tại dự án có 125 loại thẻ và số lượng thẻ họ vừa phát hành là 100.000 chiếc.

Nếu huy động thành công 1 tỉ đồng, Thảo và Lộc sẽ dành 300 triệu để phát triển app (ứng dụng), 400 triệu đồng cho nỗ lực giải phóng hàng tồn kho và phần còn lại sẽ dành cho phát triển truyện tranh và dự phòng rủi ro.

Hai bạn trẻ phản biện quyết liệt với các "cá mập"

Mỗi kĩ năng của nhân vật trong thẻ bài đều liên quan tới các câu chuyện về nhân vật đó. Để mô tả cách chơi, theo Thảo, hai nhà sáng lập tham khảo rất nhiều trò chơi thẻ bài nổi tiếng trên thế giới. Lộc đọc hàng trăm sách lịch sử để xây dựng nội dung thẻ bài.

Khi "cá mập" Nguyễn Ngọc Thủy hỏi về giấy phép phát hành trò chơi, Thảo nói rằng công ty đã đăng ký kinh doanh và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Về giấy phép phát hành trò chơi, theo Thảo, cơ quan quản lý nói rằng Việt Nam chưa có luật quy định về cấp phép cho trò chơi thẻ giấy nên hai bạn không cần xin phép.

Ấn tượng với cách chơi thẻ bài, song các doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên, Phạm Thanh Hưng phản đối việc hai bạn trẻ khắc họa các nhân vật lịch sử Việt Nam giống các nhân vật truyện tranh Nhật Bản hoặc Trung Quốc hiện đại.

shark Thuy

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy xem những thẻ bài Sử Hộ Vương. Ảnh: Hub TV

Đáp lại, Thảo nói ngày nay không ai biết diện mạo thật của các nhân vật lịch sử như Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh. Cô cho rằng phần lớn chúng ta chỉ thấy nhân vật lịch sử qua những bức tượng. 

"Dù nhân vật trong thẻ bài không phải là người Việt 100% thì ít nhất khi xem nét vẽ nhân vật, người ta vẫn có thể cảm nhận đó là người Việt, chứ không phải người ngoại quốc", bà Liên bình luận.

"Các anh, chị có biết thế nào là 'nét vẽ thuần Việt' không?", Thảo hỏi lại.

Nhà đầu tư Nguyễn Mạnh Dũng nhận định trò chơi thẻ bài chưa phổ biến ở Việt Nam, dù rất nổi tiếng ở Mỹ và Nhật Bản. Ông cũng tỏ ra lo ngại khi Lộc tự thẩm định nội dung của từng thẻ bài, mặc dù Lộc kể anh đã dành 5 năm để đọc hàng trăm sách lịch sử.

"Rất có thể người chơi sẽ hình dung không đúng về các nhân vật lịch sử Việt Nam khi chơi Sử Hộ Vương", ông cảnh báo.

Ý kiến trái chiều giữa các shark

Không giống như ông Dũng, bà Liên và ông Hưng, doanh nhân Nguyễn Thanh Việt cho rằng mục đích cao nhất là giúp giới trẻ hiểu lịch sử nước nhà, nên nhân vật trong thẻ bài không nhất thiết phải "có nét Việt" hay giống những nhân vật lịch sử.

"Nếu thị trường chấp nhận khuôn mặt bà Lý Chiêu Hoàng, ông Nguyễn Du trên thẻ bài, các bạn cứ giữ nguyên. Còn nếu thị trường không chấp nhận, các bạn nên thay đổi", ông Việt nói.

Đồng ý rằng ngày nay không ai thấy các nhân vật lịch sử như Nguyễn Du, song bà Liên nhấn mạnh rằng chúng ta không thể "lai căng hóa" nhân vật bằng cách vẽ họ với mái tóc xanh hay vàng.

"Người châu Á thì tóc phải đen, mũi phải tẹt và da phải vàng", bà Liên lập luận.

Nhóm sáng lập đáp rằng nếu Sử Hộ Vương không tồn tại, các bạn trẻ cũng vẫn hâm mộ văn hóa nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc.

"Phải giữ gìn bản sắc dân tộc, vì chủ đích ban đầu của các bạn là đưa lịch sử Việt Nam tới giới trẻ", bà Liên lập luận. Thảo đáp lại: "Chúng em chỉ muốn truyền cảm hứng để các bạn trẻ tìm hiểu lịch sử".

Ông Việt nói rằng nếu chúng ta đòi hỏi những yếu tố tiến bộ thì chúng ta cũng nên chấp nhận những cách làm tiến bộ. 

Doanh nhân Hưng nói ông sẽ không bao giờ mua thẻ bài Sử Hộ Vương cho con vì cách làm của nhóm sáng lập. Theo ông, họ nên tôn trọng lịch sử, chứ không nên bóp méo hình tượng mà ông đã tôn thờ đến mức hình tượng không còn liên quan tới lịch sử nữa.

Phó chủ tịch tập đoàn CEN cũng nói về mối nguy khi Thảo và Lộc cho các nhân vật lịch sử đối đầu với nhau trong trò chơi, chẳng hạn như khi Nguyễn Huệ thua Nguyễn Ánh, giới trẻ sẽ nhận thức sai về Nguyễn Huệ.

Nhóm sáng lập từ chối vốn của bà Liên

"Game này sẽ không có chỗ đứng, ít nhất là theo quan điểm của tôi", ông Hưng kết luận trước khi tuyên bố ông sẽ không đầu tư. Shark Thủy và Shark Dũng cũng ra quyết định tương tự.

Shark Lien

Doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên phản đối kịch liệt cách tạo hình nhân vật lịch sử của nhóm sáng lập dự án thẻ bài Sử Hộ Vương. Ảnh: Hub TV

Mặc dù ủng hộ cách làm của Thảo và Lộc, shark Việt cũng không rót vốn vì ông chỉ quan tâm những ngành hàng sản xuất thiết thực, chứ không phải ngành game.

Bất ngờ thay, bà Liên vẫn đề xuất rót vốn dù phản đối cách tạo hình nhân vật trong trò chơi Sử Hộ Vương. Bà đồng ý đầu tư 1 tỉ đồng để đổi lấy 10% cổ phần. 

"Mục đích của tôi khi đầu tư cho các bạn không phải để chia lợi nhuận, mà tôi muốn tham gia để giữ nguyên gốc của lịch sử. Tôi sẽ phải có quyền phản biện mọi vấn đề với các bạn, và khi số đông ủng hộ tôi, các bạn phải nghe theo tôi", nữ doanh nhân nói.

Không suy nghĩ lâu, Thảo và Lộc từ chối đề xuất của bà Liên vì họ không muốn thay đổi chiến lược kinh doanh và cách tạo hình nhân vật trong Sử Hộ Vương.

"Nếu không có biến tấu, mọi sản phẩm sáng tạo sẽ chết. Đó là lí do tôi không nhận đề xuất này. Chúng tôi sẽ tự lực cánh sinh", Lộc phát biểu sau khi bước ra ngoài trường quay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhom-ban-tro-choi-the-bai-phan-bien-quyet-liet-voi-ca-map-trong-shark-tank-viet-nam-tu-choi-1-ti-dong-20190801155149356.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/