Nhờ đâu một số quốc gia làm được 'nhiệm vụ bất khả thi': Vừa mở cửa trường học, vừa kiểm soát COVID-19?

Hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cho đóng cửa trường học trước những lo ngại về sự lây lan của COVID-19. Nhưng chính quyền tại một số nơi vẫn yêu cầu học sinh lên lớp, đồng thời giữ được số lượng người nhiễm COVID-19 ở mức thấp. Lí do đằng sau là gì?

a - Ảnh 1.

Một trường học đóng cửa tại Pawtucket, Mỹ. Ảnh: AP

Kể từ lần đầu xuất hiện tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019, đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 199 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong số đó, hơn 160 quốc gia đã cho đóng cửa trường học. Gần 90% số học sinh sinh viên trên toàn thế giới giờ không được đến trường.

Nhưng ở Singapore, Australia, đảo Đài Loan và một vài tiểu bang ở Mỹ, các lớp học vẫn đang mở cửa. 

Những quyết định kiểu này đang ngày càng vấp phải nhiều chỉ trích. Mới gần đây, Singapore phát hiện ra một số trường hợp nhiễm COVID-19 có liên quan đến các trường mầm non được chính phủ tài trợ.

Giáo viên ở Australia đang cân nhắc tổ chức biểu tình để yêu cầu chính phủ đóng cửa trường học. Các qui định về điểm danh và có mặt tại lớp đã được thả lỏng hơn. Một số lãnh đạo chính phủ cũng lên tiếng khuyến khích phụ huynh cho con em mình ở nhà, kể cả khi các giáo viên vẫn đứng lớp, nhằm hạn chế lây lan virus. 

Các quan chức ở những quốc gia vẫn cho phép học sinh đến lớp biện hộ rằng họ có thể kiểm soát dịch bệnh, và nói rằng việc đóng cửa trường học có thể gây hại nhiều hơn lợi. 

Các nước này lấy dẫn chứng từ những nghiên cứu y khoa công bố rằng trẻ em không chịu tác động từ virus corona chủng mới nhiều như cha mẹ - những người đang đau đầu vì việc chăm sóc con cái ở nhà và căng thẳng về tình hình kinh tế bất ổn. 

Sau khi xảy ra hai cụm dịch có liên quan tới trường học, Singapore quyết định sẽ áp dụng lịch học 4 ngày một tuần. Nhưng Thủ tướng Lý Hiển Long có vẻ vẫn kiên quyết loại trừ khả năng đóng cửa trường lớp trên toàn quốc. 

Ông tuyên bố: "Chúng ta nên coi trường học là các cá thể tách biệt, thay vì là một hệ thống. Chúng ta cần kiểm soát và loại bỏ từng cụm dịch, nhưng điều đó không có nghĩa rằng toàn bộ hệ thống phải bị đóng cửa". 

Thiếu hụt nhân viên chăm sóc sức khỏe 

a - Ảnh 2.

Một số nước phải huy động cả y bác sĩ về hưu để giúp đỡ trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: Getty Images

Trong tuần này, Australia đã cấm gần hết các địa điểm tụ tập đông người, đóng cửa mọi quán rượu, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, phòng tập gym. Thậm chí các đám cưới và đám tang được được khuyến khích hoãn lại. 

Nhưng Thứ trưởng Bộ Y tế nước này cho rằng việc đóng cửa các cơ sở giáo dục có thể sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho việc kiểm soát sự lây nhiễm dịch bệnh. Thậm chí biện pháp này còn có thể gia tăng gáp lực cho hệ thống y tế. Theo ước tính của chính phủ, gần 30% nhân viên y tế thiết yếu trong cuộc chiến chống dịch sẽ phải nghỉ ở nhà để trông con. 

Bà Rochelle Wynne, giáo sư điều dưỡng tại Đại học Western Sydney nói: "Chúng tôi biết rằng lực lượng y bác sĩ đang rất vất vả, kể cả khi họ vẫn có thể gửi con em đến trường học như hiện nay. Lực lượng lao động trong ngành y tế đang rất thiếu hụt - hơn 10.000 y tá điều dưỡng sẽ phải được điều chuyển để làm việc tại những khu vực khác cần được hỗ trợ. Và con số này mới chỉ tính đến số giường cho bệnh nhân nguy cấp." 

Một số trường học đang lo lắng về sự thiếu hụt dụng cụ vệ sinh và giấy vệ sinh. Các giáo viên lo ngại rằng học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp - hoặc chính bản thân họ có thể vô tình lây nhiễm COVID-19 cho người khác. 

Cô Lea Lockwood, một giáo viên có con nhỏ tại thị trấn Bendigo, Australia cho biết: "Chúng tôi đều lo lắng về điều này. Các giáo viên luôn đeo găng tay ở trường học, và chúng tôi thường xuyên rửa tay. Lẽ ra mọi trường học đều phải được đóng cửa!"

Chính phủ Australia khuyến khích phụ huynh cho con em mình học ở nhà nếu có thể. Nhưng giới công đoàn của giáo viên đang gây sức ép để yêu cầu Thủ tướng Scott Morrison nhanh chóng đóng trường lớp hoàn toàn, thay vì trì hoãn thêm. 

Hầu hết các trường học ở châu Âu đều đã đóng cửa, nhưng chính phủ những nước này đang cố gắng giữ cho các cơ sở chăm sóc con em của các nhân viên y tế tiếp tục hoạt động. 

Những bằng chứng trái ngược

a - Ảnh 3.

Chưa có kết luận chính thức về việc liệu trẻ em dương tính với COVID-19 có khả năng lây nhiễm cho người khác hay không. Ảnh: Phụ Nữ Today

Singapore tuyên bố rằng bằng chứng khoa học về virus corona chủng mới hỗ trợ cho quyết định mở cửa trường học của nước này. Bộ trưởng Giáo dục Singapore nói rằng trẻ em không dễ nhiễm virus corona chủng mới bằng người lớn. 

Ông chỉ ra giáo sư Dale Fisher - chủ tịch của Mạng lưới phản ứng và cảnh báo về sự bùng phát toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã có lời khuyên tương tự. 

Ông Fisher tuyên bố trong một bài báo trên tờ The Straits Times: "Rất nhiều mẫu xét nghiệm chúng tôi lấy từ các cụm dịch trong các gia đình chỉ ra rằng dù bố mẹ nhiễm COVID-19 và có các triệu chứng bệnh, nhưng những người con lại hoàn toàn khỏe mạnh, dù chúng cũng dương tính với virus này". 

Nhưng một nghiên cứu khác lại cho thấy trẻ em vẫn có thể mắc các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19. Một nghiên cứu trên 2.000 bệnh nhân nhi khoa ở Trung Quốc chỉ ra rằng loại virus này ít nghiêm trọng hơn với những người trẻ tuổi, nhưng "trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, rất dễ bị tổn thương". 

Ngay cả khi những đứa trẻ dương tính với COVID-19, không bị bệnh nặng, chúng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Kết quả theo dõi từ 36 bệnh nhân nhi ở Trung Quốc trong tuần này cho cho thấy một nửa số trẻ em nhiễm bệnh không có triệu chứng rõ ràng, biến chúng thành những mầm bệnh "ngầm". 

Tuy nhiên, nhìn chung, giới khoa học vẫn chưa thống nhất được rằng liệu trẻ em dương tính với COVID-19 có khả năng lây nhiễm cho người khác hay không, và nếu có thì ở mức độ nào.  

Ông Benjamin Cowling, trưởng khoa dịch tễ học tại Đại học Hong Kong nhận xét rằng nếu COVID-19 chỉ là một đợt bùng phát cúm, thì "việc đóng cửa trường học sẽ có tác động lớn đến tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh, vì trẻ em dễ bị nhiễm bệnh và dễ lây lan hơn là người lớn. Nhưng tác động của việc đóng cửa trường lớp đối với khả năng kiểm soát COVID-19 lại chưa rõ ràng". 

Quyết định gây tranh cãi 

a - Ảnh 4.

Không phải ai cũng có điều kiện để học trực tuyến. Ảnh: Tỉnh đoàn Yên Bái

Dù chính phủ ra lệnh đóng hay mở cửa trường học, thì những quyết định này vẫn luôn gây tranh cãi. 

Ông Tim Robinson, phát ngôn viên của Ủy ban trường công lập Seattle nói rằng dù tất cả mọi người đều lo lắng về COVID-19, nhưng vẫn có sự chia rẽ trong ý kiến của phụ huynh: "Một số người kêu sao mấy người dám đóng cửa trường học, số khác thì lại bảo sao mấy người dám bắt con tôi đi học". 

Tính đến ngày 26/3, chỉ còn rất ít tiểu bang ở Mỹ chưa ra lệnh đóng cửa trường học bắt buộc. Phần lớn học sinh sinh viên của Mỹ đều đang ở nhà. 

Ông Jason Tan, Phó Giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang thuộc Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore cho biết trở ngại lớn nhất đối với việc đóng cửa trường học là vấn đề về công bằng.

Không phải ai cũng có laptop hay máy tính bảng để có thể học trực tuyến, và dù sao thì giảng dạy cho học sinh nhỏ tuổi cũng là một khó khăn lớn. Ngoài ra, nhiều gia đình thu nhập thấp muốn con em đi học để được ăn trưa miễn phí ở trường. 

Ở cấp độ toàn cầu, các chuyên gia giáo dục dự đoán rằng số trường hợp trẻ em bị bạo hành sẽ tăng khi trường học đóng cửa, vì các giáo viên không thể trông nom học sinh khi chúng ở nhà.  

Gói kích thích kinh tế 2.000 tỉ USD Tổng thống Trump kí ngày 27/3 được kì vọng là sẽ giảm bớt phần nào khoảng cách xã hội được tạo ra do việc đóng cửa trường học.

Những phụ huynh phải ở nhà hoặc nghỉ việc để trông con sẽ được nhận trợ cấp thấp nghiệp. Mức hỗ trợ là 67% thu nhập thông thường, kéo dài trong vòng 12 tuần.

Thành công của Đài Loan

a - Ảnh 5.

Các trường học ở Đài Loan vẫn được mở cửa. Ảnh: Reuters

Dù ngày càng nhiều người ở Singapore và Australia lo ngại về khả năng số ca nhiễm COVID-19 sẽ tăng cao trong tương lai, chính quyền đảo Đài Loan đã thành công trong việc kiểm soát tốc độ lây nhiễm, bất chấp việc trường học vẫn tiếp tục được hoạt động. 

Đài Loan chỉ cách Trung Quốc đại lục khoảng 160 km, và đã phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 từ tháng 1/2020. 

Ngay lúc đó, Đài Loan đã kéo dài kì nghỉ của học sinh cho đến cuối tháng 2. Nhờ việc thi hành nghiêm ngặt các biện pháp như giới hạn khẩu trang và áp dụng mức phạt lên đến 33.000 USD đối với những ai vi phạm lệnh cách li, tính đến chiều ngày 28/3, Đài Loan mới chỉ có 267 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh, thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây cách Trung Quốc hàng vạn dặm. 

Kể từ khi được mở cửa trở lại vào ngày 25/2, trường lớp ở Đài Loan vẫn hoạt động bình thường mà không hề bị gián đoạn. Nhưng dĩ nhiên các trường học cũng vẫn phải áp dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa khả năng lây nhiễm. 

Ông Tan, Phó Giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang kết luận: "Cho mở hay đóng cửa trường học là một quyết định khó khăn. Có nhiều người quan ngại về khả năng lây nhiễm virus khi có quá nhiều người tập trung tại trường học. Nhưng quyết định này không hề đơn giản". 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nho-dau-mot-so-quoc-gia-lam-duoc-nhiem-vu-bat-kha-thi-vua-mo-cua-truong-hoc-vua-kiem-soat-covid-19-20200328115410619.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/