Nhìn lại hai năm thủy sản Việt bị 'thẻ vàng' IUU từ EU

Kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU liên tiếp giảm kể từ tháng 10/2017, thời điểm bị 'dính thẻ vàng' IUU. Sau 2 năm, Việt Nam vẫn đang ráo riết khắc phục cảnh báo từ EU trước khi thị trường này nâng mức cánh báo lên 'thẻ đỏ'.

Xuất khẩu hải sản giảm rõ rệt sau hai năm bị 'thẻ vàng'

Tại Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình "Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo qui định (IUU)" do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 25/9 tại TP HCM, đại diện VASEP cho biết xuất khẩu hải sản sang Liên minh châu Âu (EU) đã giảm rõ rệt vì IUU. 

Báo cáo từ VASEP cho biết, trước khi có thẻ vàng, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ. EU luôn chiếm trên 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong ba năm qua.

Riêng xuất khẩu hải sản các loại như cá ngừ, bạch tuột, mực, cá thu... luôn đạt kim ngạch 350 - 400 triệu USD/năm, chiếm khoảng 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam sang EU.

676908e08440631e3a51

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư kí VASEP phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Huỳnh.

Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam bị EU phạt thẻ vàng IUU hồi tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu hải sản sang thị trường này đã giảm nhiều. 

Cụ thể năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 390 triệu USD, giảm 7% so với năm 2017. Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hải sản sang EU đạt 251 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kì năm trước. 

Trong đó giảm chủ yếu ở sản phẩm cá ngừ bị giảm 6,3%, mực và bạch tuộc giảm hơn 13%... Thị trường EU từ vị trí thứ hai trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã tuột xuống vị trí thứ năm và tỉ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.

25

Nguồn: VASEP

Không những vậy, các doanh nghiệp cho biết qui trình kiểm tra thông quan đối với các lô hải sản nhập khẩu vào EU cũng trở nên gắt gao hơn, từ 7 - 10 ngày, thậm chí lên đến 20 ngày. 

Điều này đã khiến một số doanh nghiệp giảm xuất khẩu hải sản sang EU đến 40% hoặc cá biệt không xuất khẩu được vì phát sinh nhiều chi phí liên quan đến thủ tục kiểm tra, nhập khẩu từ phía EU, không có giấy chứng nhận nguồn gốc...

Đặc biệt, chi phí và rủi ro gia tăng cũng khiến các đối tác nhập khẩu tại EU ngại mua hàng từ Việt Nam. Những khách hàng lớn đã giảm dần đơn hàng và chuyển đơn hàng sang các nước khác...

Theo đó, VASEP dự báo việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU từ nay đến cuối năm 2019 sẽ tiếp tục giảm do xuất khẩu tôm giảm và "thẻ vàng" tiếp tục tác động đến xuất khẩu các mặt hàng hải sản như mực, bạch tuộc, cá ngừ và cá biển khác. 

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 1,35 tỉ USD, giảm 8% so với năm trước. Trong đó xuất khẩu cá ngừ khả năng giảm 5%, mực và bạch tuộc giảm 13%, tôm giảm 17%.

Riêng xuất khẩu một số mặt hàng hải sản như cá biển và hải sản khác vẫn tăng 11% nên kim ngạch xuất khẩu hải sản vẫn duy trì tương đương năm vừa qua, đạt gần 390 triệu USD.

de09048288226f7c3633

Toàn cảnh Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình "Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo qui định (IUU). Ảnh: Như Huỳnh.

Cam kết chống khai thác IUU trước khi EC nâng lên 'thẻ đỏ'

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP kiêm Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP, cho rằng nếu không bị thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu hải sản từ Việt Nam sang EU sẽ tăng rất mạnh thời gian qua. 

Do đó, Ủy ban Hải sản VASEP đang phối hợp cùng các bộ ngành, đơn vị và 62 doanh nghiệp liên quan thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ "thẻ vàng" EU và sự phát triển bền vững của ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam.

Cụ thể, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã đồng loạt treo biển "Cam kết chống khai thác IUU", thực hiện nghiêm túc cam kết chống khai thác IUU, chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Đồng thời chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp, tuân thủ các qui định của Mỹ, EU và Việt Nam về chống khai thác IUU...

Ngoài ra, các doanh nghiệp cam kết chống khai thác IUU thông qua việc tuyên truyền và vận động trực tiếp các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ đại lí thu gom nguyên liệu không khai thác IUU hay mua bán nguyên liệu từ các tàu vi phạm qui định IUU.

6781a60d2aadcdf394bc

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP kiêm Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP. Ảnh: Như Huỳnh.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện đã chỉ định cho 28 cảng cá ở nhiều địa phương ven biển để xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Các giải pháp khắc phục bất cập cũng được Hiệp hội, các Bộ ngành liên quan rốt ráo thực hiện, nhất là thời điểm Ủy bán châu Âu (EC) tiếp tục có đợt đánh giá về thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam vào tháng 11/2019.

Cụ thể, VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Tổng Cục thủy sản phối hợp các Chi cục, Ban Quản li cảng cá các địa phương tiếp tục các giải pháp và kế hoạch cải thiện nhằm giải quyết vấn đề "thẻ vàng" EU, trao đổi và đề nghị EU hỗ trợ kĩ thuật về vấn đề khắc phục 'thẻ vàng', hướng tới phát triển bền vững.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường trao đổi thông tin với các nhà nhập khẩu, nắm bắt diễn biến thị trường, những yêu cầu và thủ tục của thị trường để chia sẻ, trao đổi với Bộ NNPTNT và VASEP tìm giải pháp ứng phó kịp thời...

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhin-lai-hai-nam-thuy-san-viet-bi-the-vang-iuu-tu-eu-20190925154244363.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/