Nhìn lại các lần rút 'chân' từ tài chính, hàng không, bán lẻ, nông nghiệp tới dừng sản xuất smartphone của Vingroup

Kể từ khi VinFast xuất hiện, Vingroup đã liên tục đẩy nhanh tiến trình rút chân khỏi những mảng kinh doanh được cho là không còn phù hợp nhằm dồn lực cho kế hoạch toàn cầu của VinFast.

Chiều 9/5, Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC) chính thức công bố thông tin VinSmart sẽ dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment" cho ô tô VinFast.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Vingroup cho hay: "Quyết định này không bất ngờ. Chúng tôi đã từng bước rút khỏi mảng bán lẻ, nông nghiệp, hàng không, kéo các viện nghiên cứu ô tô từ VinFast nước ngoài về trụ sở chính. Tất cả nhằm tập trung mọi nguồn lực cho ưu tiên cốt lõi là ô tô."

Nhìn lại những lần rút chân khỏi các mảng kinh doanh của Vingroup có thể thấy đều là những nước đi đúng đắn và kể từ khi VinFast xuất hiện thì Vingroup càng đẩy nhanh quá trình rút chân của mình khỏi những lĩnh vực được cho là không còn phù hợp.

Những quyết định chuyển hướng đúng đắn của Vingroup

Thời điểm năm 2007, Vingroup đã từng có kế hoạch xây dựng một tập đoàn tài chính, gồm các mảng ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và công ty quản lý quỹ với thương hiệu Vincom.

Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính nổ ra và cuối năm 2008, đầu năm 2009, ban điều hành Vingroup đã nhanh chóng đưa ra quyết định dừng kế hoạch lập Tập đoàn Tài chính Vincom.

Tới giữa năm 2019, Vingroup bất ngờ lập CTCP Hãng hàng không Vinpearl Air vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ tới đầu năm 2020, Vingroup cho hay công bố dừng dự án Vinpearl Air nhưng vẫn duy trì hoạt động của Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật hàng không.

Lý do được lãnh đạo Vingroup đưa ra là "việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ - công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui".

Quyết định rút khỏi mảng này càng trở nên đúng đắn hơn khi chỉ vài tuần sau đó, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên và mở ra những tháng ngày u tối của ngành hàng không Việt Nam.

Dịch COVID-19 bùng phát khiến các doanh nghiệp trong ngành hàng không thi nhau báo lỗ. Ông lớn Vietnam Airlines lỗ sau thuế tới 11.178 tỷ đồng năm 2020 và liên tục phải cầu cứu chính phủ. Hãng hàng không giá rẻ Vietjet cũng ghi nhận lãi sau thuế giảm tới 98% còn 69 tỷ đồng. Cho tới hiện tại, dịch vẫn đang bùng phát và ngành hàng không vẫn đang chịu tác động nặng nề.

Thương vụ lớn nhất và tốn nhiều giấy mực của truyền thông nhất phải kể tới là việc rút khỏi mảng bán lẻ, nông nghiệp. Cuối năm 2019, Vingroup đã quyết định chuyển giao việc điều hành Vinmart, Vinmart+ và VinEco sang cho Tập đoàn Masan.

Trước khi bị nhượng cho Masan, bán lẻ và nông nghiệp từng là một trong những lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn Vingroup, trong đó bán lẻ có doanh thu cao thứ hai sau bất động sản.

Dù mang về doanh thu thuần tới 29.743 tỷ đồng cho Vingroup trong năm 2019 nhưng mảng bán lẻ chưa từng có lãi. Tuy nhiên sau một năm Tập đoàn Masan tiếp quản hệ thống VinCommerce, chuỗi VinMart và VinMart+ lần đầu tiên đạt EBITDA dương 16 tỷ đồng trong quý IV/2020 và tiếp tục đạt 100 tỷ đồng trong quý I năm nay. 

Cũng vào cuối năm 2019, để triệt để rút khỏi mảng bán lẻ, Vingroup đã giải thể toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro, sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi và VinID để tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp, công nghệ. 

Cùng với sáp nhập chuỗi bán lẻ thiết bị công nghệ Viễn Thông A, tổng số hệ thống siêu thị điện máy của Vingroup thời điểm đó lên tới 242 cửa hàng.

Cuối năm 2020, báo cáo kiểm toán công ty mẹ của Vingroup cho biết tập đoàn đã ký hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần còn lại trong The CrownX cho Masan. Như vậy, Vingroup muốn rút toàn bộ khỏi công ty này, đồng nghĩa với việc "dứt áo" hẳn Vinmart và Vinmart+.

Nhìn lại các lần rút 'chân' từ tài chính, hàng không, bán lẻ, nông nghiệp tới dừng sản xuất smartphone của Vingroup - Ảnh 1.

Hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup. (Đồ hoạ: Alex Chu).

Ngoài việc rút khỏi các thương vụ lớn trên thì thời gian gần đây Vingroup cũng liên tục thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp ngoài lĩnh vực cốt lõi. Trong năm 2020, Vingroup đã chuyển nhượng 40% cổ phần CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng với giá chuyển nhượng 1.285 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi 627 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Vingroup đã đăng ký bán 25 triệu cổ phiếu trong tổng 50 triệu cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam từ ngày 1 - 29/4. Tuy nhiên, Vingroup chỉ bán ra được hơn 12,28 triệu cổ phiếu VGT, bằng một nửa lượng đăng ký.

Dừng sản xuất điện thoại, TV khi dư địa đột phá cơ bản không còn nhiều

Sau khi rút khỏi mảng bán lẻ, hàng không, Vingroup cho biết sẽ dồn lực cho mảng công nghiệp và công nghệ. Giữa năm 2018, Vingroup thành lập CTCP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart với vốn điều lệ ban đầu là 3.000 tỷ đồng. Sau vài lần thay đổi vốn, tới tháng 9/2020, vốn điều lệ của VinSmart là 5.000 tỷ đồng. 

Nhìn lại các lần rút 'chân' từ tài chính, hàng không, bán lẻ, nông nghiệp tới dừng sản xuất smartphone của Vingroup - Ảnh 2.

Chỉ sau vài tháng thành lập, chiếc điện thoại "made in Vietnam" chính thức ra mắt lần đầu tại Việt Nam. Từ con số 0 và chỉ tới hết năm 2020, điện thoại Vsmart đã đứng thứ 3 thị phần trong nước với 12,7%. Tới đầu năm 2021, ba mẫu điện thoại do VinSmart sản xuất mang thương hiệu AT&T đã chính thức mở bán tại Mỹ.

Đầu năm nay, nguồn tin độc quyền The Korea Times cho biết, nỗ lực gần đây của LG Electronics để bán các nhà máy sản xuất điện thoại di động cho Vingroup đã bất thành bởi mức đề nghị của tập đoàn thấp hơn mức mong muốn của công ty công nghệ Hàn Quốc. 

Việc mua lại các nhà máy của LG được coi là bệ phóng giúp Vingroup tiến xa hơn tới giấc mơ xuất khẩu điện thoại "made in Vietnam" ra thế giới đặc biệt là tiến chân nhanh hơn vào thị trường Bắc Mỹ - nơi được coi là lợi thế về mạng lưới bán hàng của LG.

Theo số liệu chúng tôi có được, doanh thu năm 2019 của VinSmart là 2.320 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 63 tỷ tính cho nửa năm đầu đi vào hoạt động. Sản xuất TV, điện thoại khiến VinSmart lỗ gần 260 tỷ đồng năm 2018 và lỗ tiếp 1.865 tỷ đồng năm 2019. 

Bên cạnh việc thua lỗ thì tính tới cuối năm 2020, dư nợ trái phiếu của Công ty VinSmart là 3.000 tỷ đồng. 

Phó Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Vingroup chia sẻ, thực tế, lĩnh vực điện thoại hay TV thông minh hiện đã có quá nhiều nhà sản xuất tham gia, dư địa đột phá cơ bản không còn nhiều và rõ ràng không mang giá trị lớn hơn cho mọi người.

Cộng với việc mua lại nhà máy của LG bất thành cũng là tác nhân khiến Vingroup rút khỏi mảng này. Dừng sản xuất điện thoại, TV sẽ giúp Vingroup có thể cân đối lại nguồn lực, giảm lỗ, giảm áp lực tài chính.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Vingroup, doanh thu từ hoạt động sản xuất đã đạt trên 17.415 tỷ đồng năm 2020 và đứng thứ hai trong cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất lại đang lỗ lớn nhưng nằm trong kế hoạch của tập đoàn. 

Nhìn lại các lần rút 'chân' từ tài chính, hàng không, bán lẻ, nông nghiệp tới dừng sản xuất smartphone của Vingroup - Ảnh 3.

Cuối năm 2019, trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup từng cho biết trong vài năm tới, Vingroup sẽ phải chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để bù lỗ cho VinFast, mà theo dự tính có thể lên đến 18.000 tỷ đồng mỗi năm. Các khoản lỗ này bao gồm chi phí tài chính và khấu hao, và mỗi năm lỗ khoảng 7.000 tỷ đồng vì bán xe dưới giá thành sản xuất.

Dồn lực cho tham vọng toàn cầu của VinFast

Đầu năm 2021, VinFast -  thương hiệu đứng thứ 4 thị phần ô tô trong nước đã chính thức công bố tầm nhìn trở thành hãng ô tô điện thông minh được ưa chuộng toàn cầu với việc giới thiệu đồng thời ba mẫu ô tô điện thông minh đầu tiên

Theo kế hoạch, VinFast sẽ giới thiệu rộng rãi các mẫu ô tô điện không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế, đầu tiên là tại Mỹ, Canada và châu Âu.

Nhìn lại các lần rút 'chân' từ tài chính, hàng không, bán lẻ, nông nghiệp tới dừng sản xuất smartphone của Vingroup - Ảnh 4.

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2020 của Vingroup.

Giữa tháng 4, Bloomberg cho hay Vingroup đang xem xét phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) VinFast ngay trong quý này. Thương vụ IPO dự kiến huy động khoảng 2 tỷ USD tương ứng với mức định giá công ty sau khi niêm yết ít nhất là 50 tỷ USD.

Nếu thành công, thương vụ IPO trị giá 2 tỷ USD của VinFast sẽ trở thành thương vụ huy động vốn cổ phần kỷ lục của một công ty Việt Nam, phá vỡ con số 1,4 tỷ USD của Vinhomes vào năm 2018. 

Qua đó cho thấy được kỳ vọng lớn của Vingroup ở VinFast, cuộc chơi không chỉ gói gọn ở trong nước mà bà Nguyễn Thị Vân Anh – CEO của VinFast chia sẻ với Reuters rằng doanh nghiệp này có kế hoạch ra mắt ô tô điện ở Bắc Mỹ và châu Âu vào năm 2022. 

"Chúng tôi sẽ cùng lúc tiến vào thị trường Mỹ, Canada và châu Âu. Ở châu Âu, mục tiêu của chúng tôi là Đức, Pháp và Hà Lan", bà Vân Anh nói trong một cuộc phỏng vấn ở nhà máy VinFast tại Hải Phòng.

Nếu thương vụ này thành công thì VinFast sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết ở Mỹ và tạo lực đẩy về tài chính để "chắp cánh" cho kế hoạch toàn cầu của VinFast.

Song song với kế hoạch IPO, Vingroup đã có văn bản để xuất với tỉnh Hà Tĩnh cho khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện kết hợp cảng biển rộng 2.000 ha tại Khu kinh tế Vũng Áng. 

Đang sở hữu một tổ hợp sản xuất ô tô VinFast có quy mô 335 ha tại khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng thì kế hoạch mở rộng thêm nhà máy ở Hà Tĩnh của Vingroup đã cho thấy các động thái dồn dập để bứt tốc đưa VinFast đi xa.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhin-lai-cac-lan-rut-chan-tu-tai-chinh-hang-khong-ban-le-nong-nghiep-toi-dung-san-xuat-smartphone-cua-vingroup-20210510130922369.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/