Nhiều doanh nghiệp dược lãi lớn trong mùa cao điểm COVID-19

Lợi nhuận của các công ty dược phẩm tiếp tục phân hóa trong quý III. Trong đó, một số công ty đầu ngành và các công ty đặc thù hưởng lợi nhờ các sản phẩm thuốc hỗ trợ điều trị và phòng chống COVID-19.

Cung cấp sản phẩm 'thiết yếu', các công ty ngành dược có đạt tăng trưởng như kỳ vọng trong mùa COVID-19 hoành hành? - Ảnh 1.

Người dân TP HCM phải xếp hàng mua thuốc trong mùa giãn cách xã hội. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Kết thúc quý III/2021 - quý bị tác động mạnh nhất bởi dịch COVID-19, kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp dược phẩm cho thấy sự phân hóa rõ rệt.

Trong đó, các doanh nghiệp đầu ngành như CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG)CTCP Traphaco (Mã: TRA) hay CTCP Dược phẩm OPC (Mã: OPC) duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số.

Một công ty khác là CTCP Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco (Mã: DMC) nhờ chiến lược mở rộng danh mục sản phẩm, trong đó có các dòng thuốc hỗ trợ điều trị và phòng chống COVID-19 được thị trường tiếp nhận đã giúp công ty đạt được mức tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn áp dụng giãn cách xã hội trên nhiều tỉnh thành.

Doanh nghiệp đặc biệt nhất ghi nhận lãi tăng hàng trăm lần là CTCP Dược phẩm Trung Ương 1- Pharbaco (Mã: PBC). Trong quý, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ 4 triệu đồng. 

Trong hai quý trước đó, lợi nhuận Pharbaco đều đạt trên 10 tỷ đồng, tăng ba chữ số so với mức nền thấp của cùng kỳ. Kết quả này cũng đã giúp Pharbaco là doanh nghiệp dược phẩm duy nhất hoàn thành và vượt 2,3 lần chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Cung cấp sản phẩm 'thiết yếu', các công ty ngành dược có đạt tăng trưởng như kỳ vọng trong mùa COVID-19 hoành hành? - Ảnh 2.

Ở chiều ngược lại, các công ty dược phẩm khác như CTCP Dược Hà Tây (Mã: DHT) hay CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (Mã: DMC) có lợi nhuận giảm sút lần lượt 53% và 83%.

Vào đầu tháng 10, Dược Hà Tây đã phải họp thông qua việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2021 cả về doanh thu và lợi nhuận dựa vào kết quả kinh doanh thực tế 8 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu điều chỉnh giảm hơn 20% về 1.350 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế còn 68 tỷ đồng, giảm gần 40%.

SSI Research: Rất ít doanh nghiệp dược phẩm hưởng lợi từ nhập khẩu vắc xin hoặc thuốc điều trị COVID-19

Theo báo cáo mới nhất của Bộ phận phân tích SSI Research về các công ty ngành dược, lợi nhuận có sự phân hóa lớn khi các công ty dược đã được nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất gần đây (EU-GMP, PIC/s GMP) như Dược Hậu Giang, Dược phẩm Imexpharm và Pymepharco.

Nhờ đó các đơn vị này đã giành thêm thị phần, đạt tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ hơn nhiều nhờ hưởng lợi từ Thông tư 15 về đấu thầu thuốc tại kênh bệnh viện. Các công ty khác có kết quả kinh doanh hầu như đi ngang hoặc giảm.

Tại các tỉnh phía Nam, các biện pháp giãn cách đã gây ra sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng và phân phối thuốc. Các công ty dược phẩm ở miền Nam như Imexpharm, Dược Hậu Giang và Dược phẩm OPC đã phải cắt giảm sản lượng từ 20 - 30% trong tháng 7 và tháng 8 để thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội “ba tại chỗ”.

Ngoài ra, nhiều bệnh viện ở miền Nam đã được chuyển đổi thành trung tâm điều trị COVID-19, khiến doanh thu dược phẩm giảm đáng kể, do kênh bệnh viện (kênh ETC) chiếm hơn 60% nhu cầu của ngành.

Cung cấp sản phẩm 'thiết yếu', các công ty ngành dược có đạt tăng trưởng như kỳ vọng trong mùa COVID-19 hoành hành? - Ảnh 3.

Kênh bán thuốc qua bệnh viện (kênh ETC) của các doanh nghiệp dược phẩm bị sụt giảm trong mùa dịch do bệnh viện được chuyển đổi thành trung tâm điều trị COVID-19. (Ảnh minh họa: Báo Dân Trí).

Ngoài ra, theo các nhà phân tích, rất ít doanh nghiệp trong nước hưởng lợi từ hoạt động nhập khẩu vắc xin hoặc thuốc điều trị COVID-19.

"Mặc dù nhiều công ty dược Việt Nam đã thông báo được Chính phủ cho phép nhập khẩu vắc xin, nhưng chỉ có VNVC thực hiện được do quy trình nhập khẩu rất phức tạp trong khi nguồn cung vắc xin khan hiếm. Đối với việc sản xuất và nhập khẩu thuốc điều trị COVID-19, hầu hết nguồn cung đều được kiểm soát chặt chẽ bởi các công ty nhà nước", báo cáo nêu rõ.

Phía SSI Research cho rằng một số công ty trong nước khác như Traphaco hoặc CTCP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) được hưởng lợi gián tiếp thông qua việc cung cấp các thực phẩm chức năng và đông dược - có tác dụng làm dịu đi các triệu chứng COVID-19 như xuyên tâm liên (giảm ho, giảm đờm), vitamin, nước muối sát khuẩn…

Về triển vọng những tháng cuối năm cũng như năm sau, các chuyên gia cho rằng giá hoạt chất đầu vào dược phẩm toàn cầu (API) từ nước ngoài đã hạ nhiệt nên Việt Nam sẽ hưởng được mức giá vốn thấp hơn trước đây.

Bên cạnh đó, thị trường kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà cung cấp dược phẩm Việt Nam từ nửa cuối năm và giá nguyên liệu đầu vào của các công ty trong nước sẽ sớm giảm từ mức cao và tỷ suất lợi nhuận sẽ cải thiện từ năm 2022. Đồng thời, quy trình phê duyệt thuốc cũng đang diễn ra nhanh hơn nhiều.

SSI Research nhận định, việc không xây dựng các nhà máy sản xuất mới, thay vào đó chờ giấy phép thuốc để mở rộng sản xuất, sẽ dẫn đến tăng trưởng doanh thu tốt hơn và có thể sẽ cạnh tranh hơn trong ngành từ năm sau.

Cuối cùng, bộ phận phân tích cho rằng nhu cầu rất thấp trong năm 2021 sẽ là động lực cho tăng trưởng bất ngờ trong năm sau khi chấm dứt các biện pháp giãn cách xã hội.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-doanh-nghiep-duoc-lai-lon-trong-mua-cao-diem-covid-19-20211023155435291.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/