Nhiều cổ phiếu giảm thủng đáy trong phiên VN-Index tăng 40 điểm

Các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo VN-Index tăng sốc trong phiên 25/1 nhưng nhiều mã vừa và nhỏ lao dốc xuống đáy ít nhất ba tháng gần đây.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch lình xình trong buổi sáng rồi bất ngờ thăng hoa trong buổi chiều với VN-Index bật tăng 40 điểm, tương đương 2,8%. Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng thêm lần lượt 2,4% và 1,2%.

Chỉ số vốn hóa lớn VN30 vượt trội với mức tăng 3,1% và là lực đỡ chính cho thị trường hôm nay. Đà tăng lan tỏa tương đối rộng khi HOSE ghi nhận 304 mã tăng và chỉ 150 mã đóng cửa trong sắc đỏ, các con số tương ứng của HNX là 134/86 và UPCoM là 146/147. Mặc dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận nhiều mã giảm xuống đáy ít nhất ba tháng gần đây.

Trong rổ VN30, cổ phiếu VNM của Vinamilk là mã duy nhất kết phiên dưới tham chiếu khi giảm 2,2% còn 79.200 đồng/cp. Đây là mức giá thấp nhất của VNM kể từ tháng 5/2020 đến nay. Thanh khoản khớp lệnh VNM ngày hôm nay đạt gần 3,8 triệu đơn vị, gần gấp đôi trung bình 10 phiên.

Ngày 11/1 vừa qua, Vinamilk đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 14% (tương đương 1.400 đồng/cp). Ngày thanh toán là 25/2 tới đây.

Cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy giảm kịch sàn 6,9% xuống còn 34.300 đồng/cp, thấp nhất trong hơn ba tháng qua. Trong 10 phiên giao dịch từ 12/1 đến nay, NBB có tới 8 phiên giảm sàn, vốn hóa bốc hơi tổng cộng gần 43%.

Nhiều cổ phiếu giảm thủng đáy trong phiên VN-Index tăng 40 điểm - Ảnh 1.

Một cổ phiếu khác cũng giảm hết biên độ trong phiên hôm nay là FLC của Tập đoàn FLC. Giá đóng cửa của FLC là 11.200 đồng/cp, thấp nhất kể từ đầu tháng 10/2021 trở lại đây.

Khối lượng khớp lệnh của FLC phiên hôm nay đạt gần 26 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản toàn sàn HOSE. Giá trị giao dịch đạt 290 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu có liên quan tới Tập đoàn FLC cũng giảm sàn trong phiên hôm nay gồm có ROS, HAI, KLF và AMD.

Nhiều cổ phiếu giảm thủng đáy trong phiên VN-Index tăng 40 điểm - Ảnh 2.

Nhiều cổ phiếu khác cũng giảm xuống đáy nhiều tháng như VTP của Viettel Post, DHC của Đông Hải Bến Tre, STK của Sợi Thế Kỷ, BMI của Bảo hiểm Bảo Minh, …

Đại gia ngân hàng khởi sắc, hỗ trợ đắc lực VN-Index

Ở chiều ngược lại, nhiều mã đi lên theo đà tăng của thị trường trong phiên hôm nay và ghi nhận mức giá cao nhất nhiều tháng. Tất cả cổ phiếu ngân hàng quốc doanh gồm CTG của VietinBank, BID của BIDV và VCB của Vietcombank đều tăng tối thiểu 3% trong ngày 25/1.

CTG ghi nhận thanh khoản lớn nhất với gần 19 triệu đơn vị được khớp lệnh, giá trị 683 tỷ đồng, giá hiện đang cao nhất kể từ đầu tháng 7/2021.

BID là cổ phiếu đi lên mạnh nhất rổ VN30 trong tháng qua với mức tăng ấn tượng 40%, giá đang ở đỉnh mọi thời đại 49.000 đồng/cp. Trong tháng 1 này, BIDV đã phát hành khoảng 1,04 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức.

Hiện nay số cổ phiếu BID có quyền biểu quyết đang lưu hành là hơn 5 tỷ đơn vị, tương ứng với vốn điều lệ trên 50.000 tỷ đồng, cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhiều cổ phiếu giảm thủng đáy trong phiên VN-Index tăng 40 điểm - Ảnh 3.

VCB của Vietcombank cũng đang ở đỉnh lịch sử 95.800 đồng/cp. Ngày 26/1, hơn 1 tỷ cổ phiếu VCB do Vietcombank phát hành để trả cổ tức sẽ được niêm yết bổ sung ở HOSE, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành lên trên 4,73 tỷ đơn vị.

VietinBank, Vietcombank và BIDV hiện nay là những doanh nghiệp có khối lượng cổ phiếu niêm yết lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, theo sau là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), VPBank (Mã: VPB) và Vinhomes (Mã: VHM).

Nhiều cổ phiếu giảm thủng đáy trong phiên VN-Index tăng 40 điểm - Ảnh 4.

Ba cổ phiếu ngân hàng lớn là VCB, CTG và BID nằm trong nhóm diễn biến tích cực thời gian gần đây.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 tiếp tục được cải thiện trên nền tảng chính sách tiền tệ mở rộng, nền kinh tế phục hồi, trong khi áp lực tăng lãi suất dự kiến chỉ xuất hiện cuối năm 2022 và phân hóa từng ngân hàng.

Cụ thể, theo tờ trình về kế hoạch phục hồi kinh tế ở kỳ họp Quốc hội:

Thứ nhất, chính sách tiền tệ năm 2022 được định hướng tiếp tục hỗ trợ, các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được duy trì.

Thứ hai, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước như Vietcombank, VietinBank và BIDV được phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023.

Thứ ba, gói hỗ trợ tài khóa tập trung phục hồi hoạt động sản xuất, thu nhập người lao động, tạo môi trường thuận lợi cho cầu tín dụng và chất lượng tín dụng tăng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nhieu-co-phieu-giam-thung-day-trong-phien-vn-index-tang-40-diem-20220125190037758.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/