Nhà đầu tư nên làm gì khi cổ phiếu vừa và nhỏ nằm sàn hàng loạt?

Trong ngắn hạn, các CTCK khuyến nghị nhà đầu tư nên chờ đánh giá lại trạng thái thị trường, tránh các cổ phiếu đã tăng nóng bất chấp yếu tố cơ bản. Đồng thời, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để tích lũy các cổ phiếu cơ bản được hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế và có triển vọng khả quan trong quý IV/2021.

Thị trường Việt Nam có một phiên đầu tuần (22/11) rung lắc khi lực bán mạnh chiếm ưu thế và có dấu hiệu dâng cao tại hầu hết các nhóm ngành. Tuy vậy, phần lớn các mã vốn hóa lớn tăng mạnh đã góp phần kéo chỉ số chính không giảm quá sâu.

Các cổ phiếu nhóm ngân hàng tiếp tục tăng sau phiên tăng thứ 6 tuần trước. Bên cạnh hai cổ phiếu tăng kịch trần là HDB (7,0%) và TPB (6,9%), 25/28 mã còn lại cũng ghi nhận giao dịch tích cực như MBB (3,2%), STB (3,2%), ACB (2,1%),…

Tuy nhiên, áp lực bán trên toàn thị trường nói chung, đặc biệt trên các mã dầu khí và bất động sản áp đảo khiến VN-Index đóng cửa tại 1.447,3 điểm, giảm 5,1 điểm (tương đương 0,4%). Đồng thời, HNX-Index cũng giảm mạnh 9,4 điểm (tỷ lệ 2,1%), chỉ còn 444,6 điểm.

Tình trạng bán tháo dồn dập về cuối phiên đã khiến nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đóng cửa trong tình trạng giảm sàn. Theo ghi nhận, toàn sàn có 195 cổ phiếu nằm sàn, trong đó HOSE đóng góp tới 110 mã giảm sàn, HNX với 55 mã và UPCOM có 30 mã.

Điểm tích cực là thanh khoản giảm trên cả 2 sàn HOSE và HNX. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt 34,3 nghìn tỷ đồng (giảm 16,9% so với phiên trước đó còn HNX ghi nhận tổng giá trị khớp lệnh là 4,8 nghìn tỷ đồng (giảm 27,9%).

Dưới đây là khuyến nghị của các công ty chứng khoán dành cho nhà đầu tư sau phiên biến động của chứng khoán Việt Nam.

VDSC: Chờ đánh giá lại trạng thái thị trường, tránh các cổ phiếu đã tăng nóng bất chấp yếu tố cơ bản

Nhà đầu tư nên làm gì khi cổ phiếu vừa và nhỏ nằm sàn hàng loạt? - Ảnh 1.

Chứng khoán Rồng Việt. (Ảnh: VDSC)

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặc dù VN-Index vẫn trong tình trạng suy yếu nhưng với động lực hỗ trợ của một số cổ phiếu có vốn hóa lớn. Có khả năng quá trình thăm dò của VN-Index vẫn chưa kết thúc và có thêm phiên giao dịch kiểm tra cung cầu trước cản 1.465 điểm.

Do đó, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên chờ đánh giá lại trạng thái thị trường. Tuy nhiên, nên tránh các cổ phiếu đã tăng nóng bất chấp yếu tố cơ bản.

Đối với các cổ phiếu chưa tăng nóng nhưng có áp lực bán lớn cũng nên xem xét giảm tỷ trọng khi có nhịp hồi phục, nhằm thu hồi tiền mặt và dự phòng rủi ro cho danh mục.

Yuanta: Giảm dần tỷ trọng cổ phiếu và cơ cấu lại danh mục ngắn hạn

Chung quan điểm, Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục và chỉ số VN-Index có thể giằng co quanh ngưỡng 1.453 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa, nghĩa là dòng tiền có thể sẽ dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Tuy nhiên, Yuanta đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức cao. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục giảm dần tỷ trọng cổ phiếu và cơ cấu lại danh mục ngắn hạn. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên mua vào ở giai đoạn này.

VCBS: Chiến lược lướt sóng ngắn hạn theo dòng tiền vẫn phù hợp hơn trong giai đoạn hiện tại

Có phần lạc quan hơn, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng nhịp giảm phiên 22/11 không quá lớn và đi kèm với thanh khoản thấp hơn phiên liền trước, cho thấy đà tăng ngắn hạn có thể quay trở lại trong một vài phiên sắp tới.

Theo VCBS, chiến lược lướt sóng ngắn hạn dựa trên sự dịch chuyển của dòng tiền vẫn phù hợp hơn trong giai đoạn hiện tại. Do đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng nhịp điều chỉnh để tích lũy các cổ phiếu cơ bản được hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ cũng như các cổ phiếu có triển vọng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2021.

MBKE: Đề xuất tỷ trọng 30% tiền - 70% cổ phiếu, hạn chế mua đuổi

Vẫn giữ những quan điểm trước đó, Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng việc tồn tại các rung lắc, điều chỉnh như vài phiên gần đây là diễn biến cần thận trọng khi điều này cho thấy áp lực từ bên bán vẫn còn đáng kể.

Mặc dù vậy, xu hướng lớn hơn của chỉ số vẫn đang là tăng và pha điều chỉnh hiện tại ít có khả năng tạo ra sự đảo chiều xu hướng.

Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị vẫn có thể duy trì một tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền trong bối cảnh hiện nay với tỷ trọng đề xuất là 30% tiền - 70% cổ phiếu nhưng nên hạn chế các hoạt động mua đuổi.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nha-dau-tu-nen-lam-gi-khi-co-phieu-vua-va-nho-nam-san-hang-loat-20211123092244333.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/