Nhà đầu tư cá nhân tập trung mua ròng HPG, VHM sau khi công bố KQKD khởi sắc

Duy trì giao dịch trong sắc xanh, đà tăng giá của nhóm ngân hàng, bất động sản giúp VN-Index đóng của ở mức cao nhất phiên 29/7. NĐT cá nhân là bên mua ròng duy nhất 1.088 tỷ đồng, tập trung mua gom HPG và VHM sau khi công bố KQKD khởi sắc.

Thanh khoản trở lại giúp VN-Index tăng điểm, NĐT cá nhân mua ròng gần 100 tỷ đồng

Duy trì giao dịch trong sắc xanh, đà tăng giá của các mã vốn hóa lớn nhóm ngân hàng, bất động sản cuối phiên chiều 29/7 giúp VN-Index đóng của ở mức cao nhất trong ngày.

Kết phiên, chỉ số sàn HOSE tăng 16,53 điểm (1,29%) lên 1.293,6 điểm, HNX-Index tăng 1,54% lên 310,97 điểm, UPCoM-Index tăng 1,39% lên 86,14 điểm. Độ rộng thị trường được cải thiện với 557 mã tăng giá, áp đảo so với 170 mã giảm giá trên toàn sàn.

Thanh khoản dù vẫn chưa đạt mức trung bình 20 phiên nhưng đã có sự cải thiện dần so với phiên ngày hôm qua. Tổng giá trị giao dịch đạt 19.414 tỷ đồng, tương đương gần 625 triệu cổ phiếu được mua bán. Riêng giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE là 14.481 tỷ đồng.

 - Ảnh 1.

Nguồn: FiinPro.

Nhà đầu tư cá nhân quay lại là lực cầu duy nhất trên thị trường, đóng góp cho đà tăng của chỉ số. Theo đó, các cá nhân nội mua ròng 1.088 tỷ đồng, đánh dấu phiên mua ròng thứ 8 liên tiếp với giá trị tăng 13 lần so với phiên trước.

Đối ứng với giao dịch của cá nhân, các tổ chức nội, khối ngoại và tự doanh đồng loạt bán ròng trên sàn HOSE. Về giá trị, tổ chức trong nước xả ròng mạnh nhất 774 tỷ đồng. Theo sau là khối ngoại với 185 tỷ đồng và nhóm tự doanh bán ròng 127 tỷ đồng.

Mua ròng mạnh nhất nhóm bất động sản, ngân hàng và thép

Nhà đầu tư cá nhân tập trung mua ròng HPG, VHM sau khi công bố KQKD khởi sắc  - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, giao dịch mua ròng được ghi nhận tại 13 trên tổng số 18 ngành. Dòng tiền cá nhân trong nước phân bổ nhiều nhất vào nhóm bất động sản, đạt 342 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần phiên trước đó. Cùng với ngân hàng, đây là hai nhóm dẫn dắt chỉ số, đóng góp mạnh nhất cho sắc xanh của VN-Index phiên 29/7.

Không ngoài xu hướng chung, cổ phiếu ngân hàng được mua ròng 290 tỷ đồng, theo sau là nhóm tài nguyên cơ bản cũng ghi nhận giá trị vào ròng 256 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, nhóm này bán ròng nhẹ tại 5 ngành, trong đó dịch vụ tài chính là những cổ phiếu bị rút ròng mạnh nhất hơn 29 tỷ đồng, đối ứng với giao dịch khối ngoại.

Tâm điểm giao dịch nhóm cổ phiếu trụ: HPG, VHM, FPT

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, chỉ có hai mã HPG của Hòa Phát và VHM của Vinhomes được mua ròng trên 100 tỷ đồng trong phiên.

Nhà đầu tư cá nhân tập trung mua ròng HPG, VHM sau khi công bố KQKD khởi sắc  - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Theo đó, các cá nhân trong nước rót hơn 262 tỷ đồng mua gom cổ phiếu HPG, cùng chiều mua ròng 212,3 tỷ đồng VHM. Ghi nhận kết quả kinh doanh sau 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát có mức lợi nhuận ròng đạt kỷ lục mới với 9.745 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ 2020. Vinhomes cũng báo lãi sau tăng trưởng mạnh với hơn 10.300 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm trước.

Kế tiếp, lực mua phân bổ tại nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn với tâm điểm là nhóm bất động sản và ngân hàng. NĐT cá nhân mua ròng lần lượt FPT (89,8 tỷ đồng), VNM (82,9 tỷ đồng). TCB (82,2 tỷ đồng). Theo sau, các mã VPB (74,8 tỷ đồng), VRE (58,5 tỷ đồng), STB (46,9 tỷ đồng), CTG (43,9 tỷ đồng) và MWG (26,8 tỷ đồng) lần lượt ghi nhận lực cầu nhẹ hơn.

Trái lại, giao dịch ở chiều bán có phần khiêm tốn hơn phiên liền trước khi không có cổ phiếu nào bị bán ròng trên 50 tỷ đồng.

Dòng vốn nội rút ròng mạnh nhất khỏi SSI của nhóm dịch vụ tài chính với giá trị 43 tỷ đồng. Theo sau, các cá nhân trong nước bán ròng nhẹ hơn hàng loạt cổ phiếu gồm DGC (17,9 tỷ đồng), MSN (16,5 tỷ đồng), DXG (15,7 tỷ đồng), DGW (15,1 tỷ đồng).

Cùng chiều, họ cũng bán ròng nhẹ từ 10 - 15 tỷ đồng nhiều cổ phiếu như MBB, FRT, PVT, HSG, HDG.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nha-dau-tu-ca-nhan-tap-trung-mua-rong-hpg-vhm-sau-khi-cong-bo-kqkd-khoi-sac-20210730060527765.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/