Nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp Việt bị áp thuế cao trong các vụ kiện phòng vệ thương mại?

Một trong những vấn đề làm giảm hiệu quả của việc ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài là sự thiếu hợp tác của một số doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến việc toàn bộ doanh nghiệp khác của Việt Nam bị áp mức thuế cao.

Báo cáo tình hình quản lí Nhà nước trong lĩnh vực Phòng vệ thương mại 7 tháng đầu năm 2019 của Bộ Công Thương cho biết trong 7 tháng đầu năm, bên cạnh các biện pháp đã áp dụng, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra chống bán phá giá với 4 vụ việc gồm tôn màu, nhôm định hình, ván gỗ MDF, màng BOPP; thẩm định hồ sơ 3 vụ việc là thép cuộn cán nguội, đường lỏng HFCS và vật liệu hàn.

Đồng thời rà soát cuối kì 1 vụ việc là thép không gỉ cán nguội và theo dõi hiệu quả áp dụng biện pháp chống bán phá giá của 2 vụ việc gồm thép mạ và thép hình chữ H.

Cũng trong thời gian này, Cục Phòng vệ thương mại đã theo dõi hiệu quả áp dụng biện pháp tự vệ của 4 vụ việc gồm bột ngọt, tôn màu, phôi thép và thép dài, phân bón; thẩm định hồ sơ gia hạn biện pháp tự vệ của 2 vụ việc là phôi thép và thép dài, phân bón và xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số hàng hóa trong nước chưa sản xuất được.

Theo Bộ Công Thương, các ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi những biện pháp phòng vệ thương mại ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước.

Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương được áp dụng đã làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và giảm đáng kể việc nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này.

Bên cạnh đó, nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ như Công ty phân bón DAP Hải Phòng, Công ty thép Việt Trung, Công ty thép Việt Ý, Công ty thép Pomina...

Ngoài ra giúp ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước như đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kì phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó.

Cụ thể, trước năm 2009, khi Việt Nam không có ngành sản xuất DAP trong nước, giá phân bón DAP (chủ yếu là từ Trung Quốc) đã từng bị đẩy lên ở mức rất cao là 18.000 đồng/kg dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao. 

Mặc dù vậy, sau khi hai nhà máy sản xuất DAP đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục và chỉ còn 8.000 đồng/kg vào cuối năm 2017. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại trong việc phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam

Cụ thể, về sự bất cập trong các qui định pháp luật, thực tiễn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại còn một số khó khăn trong việc xác định chính xác phạm vi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, theo dõi hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng...

Đặc biệt một trong những vấn đề làm giảm hiệu quả của việc ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài là sự thiếu hợp tác một số doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến việc toàn bộ các doanh nghiệp khác của Việt Nam bị áp mức thuế cao.

Theo Bộ Công Thương, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường có chiến lược ứng phó bài bản và sự hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài hơn thì nhiều doanh nghiệp trong nước còn lo ngại về nguồn lực tham gia phối hợp, trả lời bản câu hỏi của nước ngoài nên đã bị áp thuế cao.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguyen-nhan-nao-khien-doanh-nghiep-viet-bi-ap-thue-cao-trong-cac-vu-kien-phong-ve-thuong-mai-20190810100700502.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/