Nguy cơ chính phủ Mỹ cạn tiền mặt trong hai tháng tới nếu không nâng trần nợ công

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vừa cảnh báo với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelocy về khả năng chính phủ Mỹ cạn tiền mặt vào đầu tháng 9 tới nếu Quốc hội không nâng trần nợ công.

Trong một bức thư gửi bà Chủ tịch Hạ viện ngày 12/7, Bộ trưởng Steven Mnuchin nói "Dựa vào các dự phóng mới được cập nhật, có một kịch bản cho thấy khả năng chúng ta sẽ hết sạch tiền mặt trong đầu tháng 9, trước khi Quốc hội được triệu tập lại. Vì vậy, tôi đều nghị Quốc hội nâng trần vay nợ của chính phủ trước khi Quốc hội nghỉ hè".

Theo Bloomberg, trước đó hôm 11/7, bà Nancy Pelocy đã nói Quốc hội nên hành động trong tháng này để nâng trần nợ công; đây là lần đầu tiên bà đưa ra một thời gian biểu cụ thể. Nhưng hiện chưa rõ liệu Nhà trắng và các nghị sĩ có thể đạt được một thỏa thuận hay không, trước khi Hạ viện bắt đầu kì nghỉ dài 6 tuần từ ngày 26/7 đến 9/9.

105957191-15601295141ED1-ASB-StevenMnuchin2-060919

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: CNBC.

Ông Mnuchin và bà Pelocy đã hai lần nói về trần vay nợ vào thứ Năm và quay lại vấn đề này vào thứ Sáu. Theo một nguồn tin từ Đảng Dân chủ, có thể hai người sẽ nói thêm về vấn đề này vào cuối tuần.

Các nhà lãnh đạo của Quốc hội tuần này đều đồng ý rằng nếu đợi đến tháng 9 để nâng trần nợ công sẽ làm tăng khả năng một đợt vỡ nợ chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

Mitch McConnell và Kevin McCarthy – hai thủ lĩnh Đảng Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện cũng cho rằng Quốc hội nên nâng trần nợ công trong tháng 7 này.

Trong giai đoạn tháng 2/2018 đến ngày 1/3/2019, nước Mỹ không có trần nợ công do Luật Ngân sách lưỡng đảng 2018 đã tạm gỡ bỏ mức trần này. Từ ngày 2/3, trần nợ được áp dụng trở lại với giá trị cụ thể là 22.000 tỉ USD. Từ đó đến nay, Bộ Tài chính Mỹ đã phải sử dụng các biện pháp kế toán để trả nợ đúng hạn.

Khả năng thanh toán của Bộ Tài chính Mỹ phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ thuế. Trung Tâm chính sách Lưỡng đảng (BPC) – một tổ chức nghiên cứu độc lập - tuần này đã lên tiếng cảnh báo "rủi ro rất lớn" về khả năng không trả nợ đúng hạn vào đầu tháng 9.

Lợi suất tín phiếu đáo hạn giai đoạn từ giữa đến cuối tháng 9 tăng lên trong ngày 12/7, trong khi lợi suất các tín phiếu đáo hạn từ đầu đến giữa tháng 10 tăng lên.

gov debt

Số liệu nợ công liên bang Mỹ giai đoạn 2000-2019. Nguồn: Fed St. Louis.

Thủ phạm chính khiến cho nợ công tăng cao là tình hình thâm hụt ngân sách liên bang. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), mức thâm hụt của năm 2019 là khoảng 900 tỉ USD và có khả năng sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD vào năm 2022.

Nếu chính sách thuế suất thấp được duy trì như hiện nay, tình hình thâm hụt ngân sách có thể sẽ còn tồi tệ hơn. CBO cũng dự báo tỉ lệ nợ công/GDP của Mỹ có thể lên tới 150% vào năm 2049 - một mức mà các nhà kinh tế cho là không bền vững.

Theo CNBC, chính quyền Tổng thống Trump từng tuyên bố tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo ra nguồn thu để trả khoản nợ tăng thêm cũng như giải quyết thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên đến nay tuyên bố này không trở thành hiện thực mặc dù tăng trưởng GDP các quí vừa qua ở mức khá cao.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguy-co-chinh-phu-my-can-tien-mat-trong-hai-thang-toi-20190713065251236.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/