Căng thẳng thương mại Mỹ - châu Âu lên cao vì đạo luật 369 tỷ USD

Các cuộc đàm phán bế tắc xoay quanh Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ có thể buộc châu Âu có động thái đáp trả, làm tăng nguy cơ về chiến tranh thương mại giữa những người đồng minh hai bên bờ Đại Tây Dương.

Theo Politico, Washington đã thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát, trong đó bao gồm gói trợ cấp và giảm thuế trị giá 369 tỷ USD nhằm phát triển ngành công nghiệp xanh, dự kiến sẽ có hiệu lực vào 1/1/2023. 

Châu Âu lo sợ rằng kế hoạch của Mỹ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đầu tư khỏi lục địa già và khuyến khích khách hàng “Mua hàng Mỹ” khi lựa chọn xe điện (EV). Pháp, Đức là những quốc gia đang đầu tư mạnh cho lĩnh vực EV.

Khi chỉ còn 6 tuần để tránh một cuộc đụng độ xuyên Đại Tây Dương liên quan tới ngành công nghiệp xanh, Đức đang ngày càng khó chịu với việc Washington không muốn thương lượng để tránh tranh chấp thương mại.

Berlin cũng đang xem xét đến một phản ứng thường bị xem là cấm kỵ: trợ cấp ngành công nghiệp châu Âu. 

Đức và Pháp đang cạnh tranh mạnh với Mỹ trong lĩnh vực xe điện.

Những biện pháp bảo hộ của Mỹ được thông qua đúng vào thời điểm một vài doanh nghiệp hàng đầu tại Đức đang giảm hoạt động trong nước để đầu tư ở nơi khác, một phần do xung đột Ukraine làm tăng giá năng lượng.

Berlin lo sợ chính sách của Mỹ sẽ thúc đẩy càng nhiều doanh nghiệp rời bỏ châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) đang muốn thông qua một thỏa thuận với Washington để các doanh nghiệp EU được hưởng các đặc quyền tương tự như Mỹ.

Tuy vậy, một thỏa thuận thương mại dường như sẽ khó xảy ra. Nếu tranh chấp này tiếp diễn, chiến tranh thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể sẽ bùng nổ.

Bước đầu tiên có thể chỉ là một sự phản đối mang tính biểu tượng tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, xung đột có thể nhanh chóng biến thành một cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng như dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Để tránh chiến tranh thương mại trực diện, Berlin đang xây dựng kế hoạch dự phòng. Thay vì đối đầu về thuế quan với Mỹ, châu Âu đang xem xét từ bỏ các quy tắc thương mại tự do cổ điển, và tung ra chính sách tương tự như Washington nhằm nuôi dưỡng ngành công nghiệp xanh của mình.

Pháp từ lâu đã ủng hộ việc tăng cường nền công nghiệp châu Âu thông qua trợ cấp chính phủ. Ngược lại, cho tới gần đây, những người Đức theo tư tưởng tự do kinh tế không muốn tiến hành một cuộc chiến trợ cấp với Mỹ.

Tuy vậy, hiện tại, các quan chức của Berlin đang ngày càng nghiêng theo lối suy nghĩ của Pháp, trong trường hợp các cuộc đàm phán với Mỹ không dẫn tới một giải pháp bất ngờ vào phút chót.

Không còn nhiều thời gian

Những nỗ lực gần đây của một phái đoàn giữa EU và Mỹ, được thành lập để giải quyết những lo ngại của châu Âu, đã không được sự ủng hộ nhiệt tình của Washington.

“Chỉ còn vài tuần nữa”, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện EU, tuyên bố. “Một khi đạo luật của Mỹ có hiệu lực, sẽ quá muộn để đạt được bất cứ thay đổi nào”.

Ông Lange cho biết thất bại trong việc đạt được thỏa thuận nhiều khả năng sẽ khiến EU kiện Mỹ ra WTO. Brussels cũng có thể đáp trả bằng cách áp đặt thuế quan trừng phạt.

Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế Nghị viện EU. (Ảnh: Philippe Buissin/EU).

Những lời cảnh báo về chiến tranh thương mại đã phủ bóng đen lên một cuộc họp cấp cao của EU-Mỹ tại Washington vào 5/12.

Chính phủ Đức đang mong muốn tránh các tranh chấp thương mại. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hy vọng có thể củng cố sự đoàn kết giữa những nền dân chủ phương Tây có cùng chí hướng, trong bối cảnh xung đột Ukraine và các thách thức ngày càng lớn từ Trung Quốc.

Đầu tháng này, chính phủ của ông Scholz đã đề xuất một thỏa thuận thương mại mới giữa EU với Mỹ. Tuy vậy, đề xuất này đã nhanh chóng bị từ chối.

Tại Brussels, Ủy viên châu Âu về Thị trường Nội bộ Thierry Breton đang đề xuất EU tung ra gói viện trợ của riêng mình. Ông Breton đang vận động thành lập một “Quỹ Đoàn kết Châu Âu” giúp “huy động nguồn ngân sách cần thiết” nhằm tăng cường sức mạnh tự chủ của châu Âu trong những lĩnh vực chủ chốt như pin, chất bán dẫn hay nhiên liệu hydro.

Ông Breton sẽ tới Berlin vào ngày 29/11 để thảo luận về tác động của “Đạo luật Giảm Lạm phát” và các chính sách công nghiệp, năng lượng với chính phủ của ông Scholz.

Điều bất ngờ là, những quan điểm tại Đức cũng tương tự như lời kêu gọi từ các quan chức hàng đầu trong chính quyền Tổng thống Biden. 

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đang hối thúc EU không tham gia vào tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương. Thay vào đó, EU nên triển khai trợ cấp công nghiệp của mình, chiến lược mà Washington cho rằng sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

 Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU, tiếp theo đó là Mỹ và Anh.  

Kế hoạch B

Vào cuối tháng 10, ông Scholz cũng chỉ ra rằng EU có thể phải đáp trả đạo luật của Mỹ bằng cách giảm thuế và tung ra các gói hỗ trợ. Các kế hoạch tương tự cũng được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ. 

Ông Scholz đồng ý với Tổng thống Macron rằng EU không thể đứng yên khi đối mặt với cạnh tranh không lành mạnh hoặc nguy cơ mất đi các khoản đầu tư.

Những tin tức tiêu cực liên tục xuất hiện, chẳng hạn như Tesla tạm dừng xây dựng nhà máy pin ở Đức, thay vào đó đầu tư vào Mỹ; hay nhà sản xuất thép ArcelorMittal đóng cửa một phần hoạt động. Kết quả là ngày càng có nhiều lời kêu gọi Berlin xem xét tăng cường viện trợ nhà nước để chống lại động thái của Mỹ và giá năng lượng lên cao.

Theo quan điểm chính thức, Berlin vẫn đang nuôi hy vọng về một giải pháp thương lượng với Washington. Người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức cho biết, khi đối mặt với những thách thức do Đạo luật Giảm lạm phát, “chúng tôi sẽ phải đưa ra phản ứng của riêng châu Âu, đặt bản thân lên hàng đầu”.

Người phát ngôn này cũng cảnh báo rằng Mỹ và EU đều “phải cẩn thận để tránh cuộc chạy đua trợ cấp ngăn những ý tưởng tốt nhất chiếm ưu thế trên thị trường”.

"Đặc biệt, công nghệ xanh phát triển tốt nhất trong môi trường cạnh tranh công bằng; chủ nghĩa bảo hộ làm tê liệt sự đổi mới”, người phát ngôn cho biết.

Liên minh châu Âu đang xuất siêu hàng hóa sang Mỹ. Dưới thời cựu Tổng thống Trump, Mỹ từng áp đặt thuế nhập khẩu với một số mặt hàng của EU nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương. 

Một điều kiện quan trọng giúp Berlin và Brussels đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng nói trên là tuân thủ theo các quy định của EU về trợ cấp. Hay nói cách khác, trái ngược với Mỹ, trợ cấp của EU sẽ không phân biệt đối xử giữa các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài.

“Về vấn đề chính sách công nghiệp và trợ cấp, chúng tôi có thể xem xét các biện pháp tương thích với quy định của WTO, như cách EU đã từng làm trong lĩnh vực chip bán dẫn”, ông Volker Treier, người đứng đầu bộ phận ngoại thương tại Phòng Thương mại Đức, cho biết

Ông Treier cũng nhấn mạnh rằng "không được có sự phân biệt đối xử" đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, ông nói thêm rằng có thể sẽ có những phần thưởng dành cho nhà đầu tư cam kết làm ăn tại châu Âu.

Tại Brussels, bộ phận cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang xem xét các đề xuất sắp tới với tinh thần cởi mở. "Không có công cụ nào bị loại trừ", Phó Giám đốc phụ trách trợ cấp nhà nước của Bộ phận Cạnh tranh trong EC, ông Ben Smulders cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguy-co-chien-tranh-thuong-mai-sap-no-ra-giua-my-va-chau-au-2022112211433450.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/