Nguồn cơn sự sụp đổ của chứng khoán Trung Quốc: Doanh nghiệp tư nhân bị ‘bỏ đói’

Một trong những lí do quan trọng nhất giải thích cho diễn biến tồi tệ của thị trường chứng khoán Trung Quốc năm 2018 là việc khu vực kinh tế tư nhân không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Theo Bloomberg, thị trường chứng khoán Trung Quốc là một trong những thị trường lao dốc mạnh nhất năm nay. Nguyên nhân thì có nhiều, nào là nền kinh tế giảm tốc - tăng trưởng chậm nhất từ năm 2009, hay cuộc chiến thương mại với Mỹ nâng thuế quan đối với hàng trăm tỉ USD hàng hóa. Tuy nhiên còn có một nguyên nhân nữa lớn hơn nhiều: Khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc đang trong cảnh “tiền khô cháy túi”.

Chính phủ Trung Quốc đã khởi động các chiến dịch để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng nhiều khả năng hành động này là chưa đủ. Cuộc khủng hoảng về thanh khoản mà các doanh nghiệp đang trải qua là một tác động phụ của những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm kiềm chế các hành vi tài chính rủi ro.

Năm ngoái chính phủ bắt đầu hạn chế cho vay đối với các tập đoàn đa ngành thực hiện quá nhiều thương vụ sáp nhập như HNA Group hay Dalian Wanda Group, tuy nhiên chính sách này sau đó mở rộng ra và làm liên lụy tới các công ty nhỏ hơn, khiến các công ty này khó tiếp cận nguồn vốn.

Vốn đã bị các các ngân hàng lớn xa lánh, các công ty nhỏ và vừa tiếp tục bị giáng một đòn chí mạng khi nguồn tiền chủ yếu là các tổ chức cho vay ngang hàng (peer-to-peer lenders) bị quản lí chặt sau hàng loạt vụ bê bối lừa đảo gây rúng động.

Vẫn muốn kiểm soát cho vay, chính quyền Bắc Kinh đã đẩy lãi suất lên và kéo dài thời gian chấp thuận chào bán trái phiếu. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh đóng vai trò là nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu cũng cắt giảm việc mua vào.

Khi tỉ lệ vỡ nợ trái phiếu tăng lên, chính phủ đã cố gắng bơm thêm tiền vào nền kinh tế bằng cách nới lỏng tỉ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng, hứa hẹn mua trái phiếu doanh nghiệp tư nhân và giảm một số thuế thu nhập cá nhân để khuyến khích tiêu dùng.

nguon con su sup do cua chung khoan trung quoc doanh nghiep tu nhan bi bo doi
Ảnh minh họa: Bloomberg.

Tuy nhiên theo một ước tính của ngân hàng Goldman Sachs, với 11% vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc bị dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay kinh doanh, khoảng 2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 290 tỉ USD) vốn chủ sở hữu vẫn đang trong vòng nguy hiểm.

Với việc Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết ủng hộ "vững chắc" cho khu vực tư nhân, viễn cảnh sụp đổ dường như đã bị ngăn chặn.

Trong một bài phát biểu tại hội chợ thương mại nhập khẩu ở Thượng Hải vào ngày 5/11, ông Tập cam kết sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế Trung Quốc bằng cách cắt giảm thuế nhập khẩu và nhập khẩu hơn 30.000 tỉ USD hàng hóa và 10.000 tỉ USD dịch vụ trong 15 năm tới. Tuy nhiên, những lợi ích do tăng cường nhập khẩu mang lại nhiều khả năng sẽ chảy vào túi của các doanh nghiệp nhà nước.

Chiến tranh thương mại đang gây sức ép lớn lên các nhà sản xuất tư nhân trong chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc nhiều công ty trong số đó phải chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc.

Chính quyền trung ương Trung Quốc đang khuyến khích các quỹ của địa phương bảo lãnh các doanh nghiệp với cổ phiếu chịu rủi ro nhiều nhất, và chính quyền địa phương ở Thâm Quyến và các nơi khác đã bắt đầu làm việc này.

Giới hạn về đầu tư cổ phần của các công ty bảo hiểm đã được loại bỏ, và 11 nhà môi giới thuộc sở hữu nhà nước đang lập ra một kế hoạch quản lý tài sản trị giá 100 tỉ nhân dân tệ để mua một phần số cổ phiếu đang bị thế chấp.

Nhưng các doanh nghiệp tư nhân vẫn thiếu nguồn tài trợ cố định, trong khi các doanh nghiệp nhà nước được hưởng trợ cấp hào phóng và luôn nhận được dòng tín dụng trước tiên. Các nhà phân tích của Citigroup Inc. tại Trung Quốc ngày 31/10 mới đây đã công bố một báo cáo với nhận định các biện pháp của chính phủ là không đủ để khôi phục hoàn toàn khu vực tư nhân. Thế còn gói cứu trợ thông qua mua vào cổ phiếu? Biện pháp này được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, và bản chất là quốc hữu hóa một phần.

Bản thân chính phủ trung ương của Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn thanh khoản vì tăng trưởng. Tuy nhiên chính phủ này có động lực rất lớn để huy động thêm vốn: Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 31% việc làm tại thành thị, 50% doanh thu thuế và 44% kim ngạch xuất khẩu theo số liệu của Citigroup.

Theo Tân Hoa Xã, kinh tế tư nhân tạo ra 80% việc làm trên khắp Trung Quốc. Nếu không có tín dụng, đa phần các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc sẽ không thể tồn tại.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguon-con-su-sup-do-cua-chung-khoan-trung-quoc-doanh-nghiep-tu-nhan-bi-bo-doi-109325.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/