Người nuôi cá tra đi từ vị ngọt chiến thắng đến ngậm trái đắng thua lỗ

Nếu như trong năm 2018, có thời điểm người nuôi cá tra lãi tới khoảng 10.000 đồng/kg thì đến nay, nhiều hộ phải chịu lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Cung lớn, cầu chậm

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 5, giá cá tra nguyên liệu tại tỉnh An Giang giảm 2.000 - 3.500 đồng/kg so với cuối tháng 4 xuống còn 21.000 - 23.000 đồng/kg, tùy loại. Nếu so với cùng kì năm ngoái, mức giá này giảm tới 9.000 đồng/kg.

Trao đổi với người viết, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết nếu so sánh với chi phí sản xuất là 21.000 - 22.000 đồng/kg thì người dân hòa vốn hoặc lỗ 1.000 đồng/kg. Thậm chí, nếu không quản lí tốt chi phí đầu vào, có hộ còn lỗ tới 2.000 đồng/kg.

Người nuôi cá tra đi từ vị ngọt chiến thắng đến ngậm trái đắng thua lỗ - Ảnh 1.

Cục Xuất nhập khẩu tổng hợp

Giải thích lí do giá cá tra thời gian gần đây liên tục giảm sâu đến vậy, ông Quốc thông tin năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt ngưỡng kỉ lục 2,3 tỉ USD. Có thời điểm người nuôi lãi tới khoảng 10.000 đồng/kg. Nhiều hộ đổ xô nuôi dẫn đến năm nay nguồn cung lớn. 

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 5 tháng năm 2019 ước đạt gần 475.500 tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như Đồng Tháp sản lượng đạt trên 144.800 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ; An Giang đạt 142.400 tấn, tăng 13,8%...

Người nuôi cá tra đi từ vị ngọt chiến thắng đến ngậm trái đắng thua lỗ - Ảnh 2.

Số liệu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Còn ở đầu ra, ông Quốc cho biết lượng tiêu thụ ở nước ngoài bị chững lại, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, lượng tiêu thụ ở trong nước chỉ chiếm chưa đầy 10%.

Nếu như trước đây, Việt Nam có thể xuất khẩu cá tra qua cả đường chính ngạch và tiểu ngạch thì bước sang năm 2019, việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch bị siết chặt. 

"Nhìn về khía cạnh tích cực, điều này có lợi cho cách doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng cá tra, đáp ứng tiêu chuẩn mà phía Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, tôi chỉ mong nhưng tiêu chuẩn của Trung Quốc đưa ra được giữ ổn định, không thay đổi thất thường gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Quốc nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra cho biết việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá khiến giá cá tra mà nước này nhập khẩu tăng lên, tác động xấu đến nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, một số sản phẩm thủy sản của Trung Quốc không thể xuất khẩu sang Mỹ do chịu mức thuế cao. 

Do đó, Trung Quốc thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản nội địa trong đó có cả cá rô phi. 

"Trước đây, Trung Quốc nhập khẩu cá tra từ Việt Nam không chỉ để phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn chế biến để tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ. 

Khi thương mại hai quốc gia này căng thẳng, hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ của Trung Quốc cũng khó khăn hơn. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc", ông Quốc chia sẻ.

Ông Quốc cũng cho biết thêm trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra "mệnh ai người ấy bán" thay vì thống nhất một giá mặt bằng chung. Thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận chịu lỗ 2.000 - 3.000 đồng/kg, chỉ bán với giá chỉ 20.000 đồng/kg.

Hiện nay nếu các doanh nghiêp mua phải dự trữ trong kho lạnh, kéo theo chi phí tăng cao. Trong khi người dân muốn bán để cắt lỗ. 

"Đôi khi trường hợp giá quốc tế không phải giảm quá mạnh nhưng giá nội địa vẫn giảm sâu lí do các doanh nghiệp không đủ lực để dự trữ. Cấp đông càng lâu giá thành càng tăng", ông Quốc cho biết.

Triển vọng khó đoán đối với ngành cá tra trong năm 2019

Trao đổi với người viết, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu cá tra Việt Nam (VASEP), cho biết với xu hướng như hiện nay, đặc biệt là sự phục hồi của khu vực châu Âu, ngành cá tra vẫn có lí do để lạc quan rằng có thể đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỉ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, mặc dù xuất khẩu cá tra sụt giảm tại các thị trường tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Mỹ nhưng ở các thị trường khác như EU, ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Philippines) kim ngạch vẫn tăng mạnh do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Về phía Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông dự báo tình hình vẫn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, việc có đạt được mục tiêu xuất khẩu cá tra hay không rất khó đoán định.

Tuy nhiên, ông Quốc cho rằng nếu làm tốt khâu xúc tiến thương mại, các thị trường chính tiêu thụ cá tra trở lại thì vẫn có thể lạc quan đạt được mục tiêu 2,4 tỉ USD mà ngành đặt ra từ đầu năm. 

Ông thông tin thêm thông thường hàng năm, lượng tiêu thụ cá tra sẽ bắt bắt đầu tăng mạnh vào cuối năm (cụ thể là tháng 11) nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống dịp Noel và lễ Tết. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng để phát triển bền vững ngành nuôi cá tra, người nuôi và doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP…. 

Điều này nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguoi-nuoi-ca-tra-di-tu-vi-ngot-chien-thang-den-ngam-trai-dang-thua-lo-20190606190216503.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/