Người đứng sau 'bệ đỡ' cho sàn giao dịch Huobi: Startup tiền điện tử thất bại phần lớn do quá tự tin về khả năng gọi vốn

Ông David Gan, nhà sáng lập quỹ đầu tư OP Crypto, đơn vị được coi là bệ phóng của sàn giao dịch nổi tiếng Huobi, cho biết thị trường startup trong giai đoạn 2020 - 2021 cho phép các startup tiền số gọi vốn dễ dàng, nhưng hiện tại mọi thứ đã khác, và đó là lý do khiến nhiều startup thất bại

Gần đây, tại sự kiện Solana Hacker House vừa được tổ chức tại TP HCM, một đơn vị chuyên về tiền điện tử đã có cuộc gặp gỡ với ông David Gan, nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm OP Crypto.

OP Crypto từng là bệ đỡ cho Huobi, một sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở Seychelles. Được thành lập tại Trung Quốc, Huobi hiện có văn phòng tại Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Tới tháng 8/2018, công ty đã trở thành một đơn vị được niêm yết công khai.

Tại đây, ông David Gan đã có những chia sẻ về thị trường tiền số cũng như những nguyên nhân gây ra thất bại của các startup tiền điện tử trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2022.

Huobi là một trong những sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới. (Ảnh: Thanh Niên).

Ông David Gan chia sẻ rằng từng có quãng thời gian 4 năm làm việc tại sàn giao dịch tiền điện tử Huobi trước khi thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm OP Crypto, tập trung hỗ trợ cho các startup trải dài từ các nước châu Á cho tới các quốc gia phương Tây.

“Trong khoảng thời gian 4 năm đó, tôi đã học rất nhiều và mở rộng các mối quan hệ của bản thân. Tuy nhiên, khi chuyển từ châu Á sang Mỹ, tôi nhận thấy bản thân có một khoảng trống so với các nhà đầu tư tại Mỹ và các nước phương Tây. Họ không thực sự hiểu cách thị trường châu Á vận hành và thật sự không có nhà đầu tư nào có mức độ hiểu biết sâu về thị trường này”, ông David chia sẻ.

“Rất ít người có khả năng giúp các nhà đầu tư này tiếp cận thị trường châu Á, và do đó, tôi đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình để trợ nhiều hơn các doanh nhân tiếp cận thị trường châu Á so với việc chỉ đơn thuần làm việc tại Huobi”, ông nói thêm.

Năm 2022 là một năm mà thị trường tiền số đã chứng kiến những sự biến động mạnh, chẳng hạn như sự sụp đổ của đồng tiền số LUNA hay sự sụp đổ của một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới FTX, qua đó “thổi bay” cả trăm tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường.

Trong bối cảnh đó, phần lớn tài sản của quỹ đầu tư mạo hiểm OP Crypto vẫn được giữ an toàn. Chia sẻ về cách vượt qua sự khó khăn và biến động của thị trường, ông David Gan cho biết: “Quỹ đầu tư mạo hiểm của chúng tôi đang hoạt động rất sâu trong thị trường tiền số và đang làm những điều đúng đắn nhất. Tôi cho rằng với các tổ chức tài chính lớn khác, họ đặt niềm tin vào ngân hàng. Ngoài ra, họ cũng sử dụng các sàn giao dịch lớn và các bên lưu ký tập trung bởi đó là những hoạt động truyền thống đã diễn ra hàng thế kỷ qua.

Tuy nhiên, tôi xuất thân từ thị trường tiền số, tôi muốn mọi thứ phải được hiển thị On-chain. Vì vậy, với tất cả tài sản mà chúng tôi đang nắm giữ như vốn của nhà đầu tư, chúng tôi không thể để chúng rủi ro bằng cách ủy thác cho các tổ chức tài chính tập trung.

Đối với vốn của nhà đầu tư, chúng tôi sẽ ký gửi On-chain bằng dịch vụ của Anchorage. Đối với các giải pháp để quản lý quỹ, chúng tôi sẽ cố gắng sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể về mọi mặt, bao gồm cả hoạt động kiểm toán quỹ, tư vấn pháp lý và các bên giám sát”.

Ông David Gan, người sáng lập quỹ đầu tư OP Crypto. (Ảnh: Forbes).

Là một quỹ đầu tư đã rót vốn nhiều vào các startup trên thị trường tiền điện tử, ông David Gan cũng có những đánh giá về các yếu tố có thể khiến các startup tiền số phải đóng cửa và ngừng hoạt động.

“Trong bull market (thị trường giá lên, được sử dụng để mô tả xu hướng tăng giá liên tục trong thị trường), tôi nghĩ rằng mọi người đã đánh giá quá cao về những gì họ có thể làm được. Với tư cách là quỹ đầu tư, tôi luôn phải đảm bảo rằng mọi dự án mà chúng tôi đầu tư vào phải có đủ thực lực để tồn tại trên thị trường cũng như xây dựng các sản phẩm trong kế hoạch cho mọi người thấy trước khi họ thực sự hết tiền để vận hành.

Đa số dự án tiền số thất bại là do họ đánh giá quá cao khả năng để gọi vốn trong các vòng tiếp theo bởi vì nó khá dễ để thực hiện việc gọi vốn. Các dự án tiền số được thành lập trong thị trường bull market những năm 2021 và 2022.

Tuy nhiên, thị trường hiện đã giảm đáng kể và quay về giá trị thực, và đây là lúc nhiều dự án bắt đầu gặp rắc rối vì họ không thể tiếp tục gọi vốn dễ dàng như trước đây”, ông David Gan chia sẻ.

Theo ông David Gan, các dự tiền số giờ đây phải kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, nhưng phần lớn họ đều thiếu kỹ năng quản lý. Do đó, ông tin rằng hoạt động này cần được các startup tiền số đầu tư thời gian để nghiên cứu và quản lý một cách nghiêm túc.

“Các startup cần tích trữ đủ tài nguyên cũng như nguồn vốn để phòng trường hợp sản phẩm của họ không phù hợp với nhu cầu của thị trường thì họ có thể chuyển hướng một cách nhanh chóng hơn”, nhà sáng lập OP Crypto cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nguoi-dung-sau-be-do-cho-san-giao-dich-huobi-startup-tien-dien-tu-that-bai-phan-lon-do-qua-tu-tin-ve-kha-nang-goi-von-2023327153218798.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/