Ngoài nâng lãi suất, Fed còn vừa thông báo nhiều chính sách tiền tệ lớn khác

Trong mỗi cuộc họp, các quan chức Fed thường ra các chính sách liên quan tới lãi suất quỹ liên bang, lãi suất hợp đồng repo, hợp đồng repo nghịch đảo, chương trình mua hoặc bán trái phiếu.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: EPA-EFE).

Trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2023 diễn ra trong hai ngày 31/1 và 1/2, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thống nhất nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25 điểm % lên khoảng mục tiêu 4,5 – 4,75%. Đây là lần nâng lãi suất thứ 8 liên tiếp của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát bắt đầu từ tháng 3/2022.

Bên cạnh việc nâng lãi suất quỹ liên bang, FOMC còn thông báo sẽ tiếp tục chương trình bán bớt trái phiếu Kho bạc, trái phiếu của các tổ chức chính phủ và trái phiếu được đảm bảo bằng nợ thế chấp (MBS).

Khi cần nới lỏng tiền tệ trong thời đại dịch, Fed đã mua lượng lớn trái phiếu để bơm tiền ra nền kinh tế. Ngược lại, khi cần thắt chặt tiền tệ, Fed bán trái phiếu hoặc để cho trái phiếu đáo hạn mà không tái đầu tư, mục đích là để hút bớt tiền về.

Mỗi tháng, Fed giảm giá trị trái phiếu Kho bạc trong danh mục đi 60 tỷ USD và giảm giá trị trái phiếu MBS đi 35 tỷ USD. Fed bắt đầu thực hiện chương trình giảm giá trị trái phiếu nắm giữ 95 tỷ USD mỗi tháng kể từ tháng 9/2022.

Tính đến ngày 25/1 vừa qua, quy mô bảng cân đối kế toán của Fed đang dừng ở 8.471 tỷ USD, giảm 495 tỷ USD so với mức đỉnh ngày 13/4/2022. Biểu đồ bên dưới cho thấy khoảng 95% tổng tài sản của Fed là trái phiếu Kho bạc và MBS.  

Đại đa số tài sản của Fed là trái phiếu, tín phiếu do Bộ Tài chính Mỹ phát hành và chứng khoán đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp (MBS). 

Để hút bớt tiền về, Fed còn nâng lãi suất của hoạt động repo nghịch đảo qua đêm (overnight reverse repurchase agreement) thêm 25 điểm cơ bản, từ 4,3% lên 4,55%. Giới hạn giao dịch với mỗi đối tác vẫn giữ nguyên ở mức 160 tỷ USD mỗi ngày.

Tính đến 1/2, Fed đang nắm giữ 2.038 tỷ USD trong các hợp đồng repo nghịch đảo với các định chế tài chính. Khi cần nới lỏng tiền tệ, ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm lãi suất repo nghịch đảo để các ngân hàng rút bớt tiền từ Fed và bơm vào nền kinh tế.

Nói cách khác, lập trường chính sách tiền tệ của Fed vừa được thể hiện qua lãi suất quỹ liên bang vừa thông qua lãi suất repo nghịch đảo.

Fed giữ hơn 2.000 tỷ USD của các định chế tài chính thông qua hợp đồng repo nghịch đảo.

Các chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed trong gần một năm qua đã khiến cho cung tiền của Mỹ thu hẹp. Thống kê của Hội đồng Thống đốc Fed dưới đây cho thấy cung tiền M2 lập đỉnh 21.740 tỷ USD vào tháng 3/2022 rồi giảm còn 21.207 tỷ USD vào cuối tháng 12, tương đương đi xuống 532 tỷ USD trong 9 tháng.

Cung tiền của Mỹ suy giảm sau khi Fed bắt đầu chiến dịch chống lạm phát vào tháng 3/2022.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ngoai-nang-lai-suat-fed-con-vua-thong-bao-nhieu-chinh-sach-tien-te-lon-khac-20232215220206.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/