Ngành kinh doanh cần sa tỷ USD tại Anh trên vai lao động châu Á

Nhu cầu nhân lực trồng cần sa bất hợp pháp tăng cao khiến các băng đảng tại Anh không ngần ngại việc kéo lao động từ các nước châu Á liều lĩnh nhập cư vào Anh.

Việc cảnh sát Anh triệt phá những "nhà vườn" trồng cần sa bất hợp pháp đang trở thành chuyện thường gặp trên mặt báo. Giá trị cần sa tại mỗi nhà vườn này nếu được đưa ra thị trường sẽ vào khoảng 3-15 triệu bảng Anh, tùy quy mô.

Theo nghiên cứu từ Viện Kinh tế Anh (IEA) công bố vào tháng 7/2018 ước tính thị trường cần sa phi pháp của Anh có tổng giá trị lên tới 2,5 tỷ USD. Món hời béo bở từ hoạt động này khiến các băng đảng trồng cần sa ráo riết đưa người trái phép từ các quốc gia châu Á vào Anh để "chăm vườn".

255 tấn cần sa không bao giờ thấy ánh sáng mặt trời

Tại Anh, việc sử dụng các chế phẩm từ cần sa là vi phạm pháp luật. Hành vi này đã bị giới hạn từ năm 1928 và nghiêm cấm vào những năm 1970. Hiện tại, việc trồng và chế biến cần sa dưới bất kỳ hình thức nào đều bị cấm tại Anh.

Ngành kinh doanh cần sa tỷ USD tại Anh trên vai lao động châu Á - Ảnh 1.

Nhu cầu nhân lực trồng cần sa bất hợp pháp tăng cao khiến các băng đảng tại Anh không ngần ngại việc kéo lao động từ các nước như Trung Quốc và Việt Nam liều lĩnh nhập cư vào Anh. Ảnh: Alarmy.

Luật pháp Anh coi cần sa là biệt dược nhóm B, đồng nghĩa với việc chỉ cần sở hữu trái phép cần sa đã có thể bị phạt cao nhất 5 năm tù giam cùng xử phạt hành chính không giới hạn.

Với hành vi buôn bán cần sa, khung hình phạt cao nhất có thể lên tới 14 năm tù giam kèm phạt hành chính không giới hạn.

IEA cũng công bố một số liệu gây sốc trong nghiên cứu của mình. Cơ quan này cho hay đã có 255 tấn cần sa được bán tới hơn 3 triệu người sử dụng trong giai đoạn 2016-2017.

Theo Green Shopper, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh chế phẩm hợp pháp từ cần sa, việc luật pháp Anh dần lỗi thời và thiếu chính sách kiểm soát cần sa đã dẫn tới con số gây sốc trên. Doanh nghiệp này cho rằng hiện thị trường cần sa phi pháp tại Anh đang có giá trị vượt cả thị trường hợp pháp.

Thị trường này là cuộc chơi của những băng đảng cần sa. Để tránh sự kiểm soát từ cảnh sát, các băng nhóm này sử dụng những ngôi nhà được cải tạo để trồng cần sa lậu. Những ngôi nhà này được tối đa diện tích cho việc trồng cần sa, sử dụng đèn sợi đốt thay thế ánh sáng mặt trời.

Sự bùng nổ nhu cầu cần sa đã khiến các băng nhóm trồng lậu loại cây này cần thêm nhiều "người làm vườn". Lao động từ các nước như Việt Nam và Trung Quốc trở thành những ứng viên không thể phù hợp hơn để gánh vác công việc phi pháp này.

Trói chân bằng nợ, quản bằng đòn roi

Trả lời phỏng vấn tờ Guardian của Anh, một thiếu niên người Việt cho hay đã bị buôn lậu đến Anh bằng xe đông lạnh sau chuyến hành trình dài từ Hà Nội, nơi cậu sống cuộc sống vô gia cư.

Tại Anh, cậu bị nhốt trong những căn nhà được cải tạo thành nhà vườn trồng cần sa và sống 4 năm trong những trận đòn roi, không nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Ngành kinh doanh cần sa tỷ USD tại Anh trên vai lao động châu Á - Ảnh 2.

Stephen cho hay việc sang Anh trở thành "nô lệ cần sa" còn tồi tệ hơn nhiều lần khi cậu vô gia cư ở Hà Nội. Ảnh: The Guardian.

Guardian dùng tên Stephen để giúp cậu bảo vệ danh tính. Stephen cho hay không thể nào nhìn qua cửa sổ của những nhà vườn này vì tất cả đã bị bịt kín. Cầu không thể phân biệt được ngày hay đêm và cũng không biết đã ở trong nhà vườn bao nhiêu tuần hay tháng.

"Đôi khi tôi làm điều gì đó sai khiến một vài cây cần sa chết. Chúng giận dữ và đánh tôi. Đời tôi tồi tệ hơn rất nhiều so với khi còn ở vô gia cư ở quê nhà", Stephen chia sẻ cay đắng.

Stephen không phải là trường hợp hiếm tại Anh. Lợi dụng khó khăn về kinh tế của các nạn nhân, những băng nhóm trồng cân sa đã tìm về những miền quê tại Việt Nam, Trung Quốc, đưa ra hứa hẹn về một công việc thu nhập tốt tại Anh để dụ dỗ người lao động.

Những băng nhóm này cho nạn nhân vay chi phí sang Anh, rơi vào khoảng 10.000 - 40.000 bảng Anh rồi dùng chính món nợ để gây áp lực với nạn nhân.

Cố vấn EU về nạn buôn người cho hay phần lớn người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc sẽ chọn "lối Balkan", đi qua Afghanistan, Kazakhstan hay Turkmenistan tới Thổ Nhĩ Kỳ rồi vào Anh qua xe tải.

Cũng theo vị này, người nhập cư bất hợp pháp thường được đưa vào Anh qua "lối phía bắc", ám chỉ con đường bay tới Nga rồi đi xe tải dọc Bắc Âu để vào Anh. Đây là đường đi được xem là ít mạo hiểm hơn vì xe tải biển số châu Âu sẽ ít bị chặn lại để kiểm tra.

Nhà chức trách Anh cho hay nữ giới nhập cư bất hợp pháp Anh thường được đưa tới làm việc tại các tiệm làm móng, trong khi với nam giới sẽ là những nhà vườn trồng cần sa.

Trong bối cảnh món hời tỷ USD từ việc trồng cần sa bất hợp pháp vẫn ngày càng phình to, những chuyến xe đưa người Trung Quốc và Việt Nam tới Anh trồng cần sa sẽ vẫn đông đúc nếu cơ quan chức năng liên quan không có động thái tăng cường kiểm soát.

"Những người nhập cư chia sẻ chuyến xe lạnh để lén lút vào Anh là một trong những trải nghiệm đau đớn, tồi tệ nhất trong cuộc đời họ", ông Debbie Beadle, giám đốc chương trình tại tổ chức chống buôn người Ecpat, chia sẻ.

Trải nghiệm đau đớn này chắc chắn sẽ không dừng lại khi những nhà vườn cần sa vẫn mọc lên hàng ngày tại Anh và ngành kinh doanh phi pháp này vẫn đè gánh nặng lên vai lao động nhập cư.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nganh-kinh-doanh-can-sa-ty-usd-tai-anh-tren-vai-lao-dong-chau-a-20191027213645505.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/