Ngành chăn nuôi trong cơn bĩ cực: Nông dân càng nuôi càng lỗ, doanh nghiệp tồn ứ cả đàn heo

Với giá bán heo 48.000 - 50.000 đồng/kg, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết cả nông dân và doanh nghiệp đều chịu thiệt hại kinh tế, nông hộ càng nuôi càng lỗ, còn doanh nghiệp lớn tiêu thụ chậm, đàn heo tồn ứ.

Cả nông dân và doanh nghiệp phải bán heo dưới giá thành

Hơn 8 tháng liên tiếp, giá heo hơi ba miền liên tục lao dốc, thậm chí cả trong mùa cao điểm tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của người chăn nuôi và doanh nghiệp.

Cập nhật đến ngày 24/3, giá heo hơi đang ở mức 48.000 – 50.000 đồng/kg, giảm 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 40-45% so với cùng kỳ năm 2020, 2021.

 (Số liệu tổng hợp, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Trao đổi với người viết, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết giá heo hơi giảm mạnh  là do yếu tố lực cầu yếu.

Tổng đàn heo vẫn duy trì ổn định ở mức hơn 28 triệu con, tuy nhiên suy thoái kinh tế toàn cầu khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, ngay cả với mặt hàng thiết yếu như thịt heo, điều này tác động lớn đến nông hộ, còn doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi sẽ thiệt hại ít hơn.

(Số liệu: Bộ NN&PTNT, Biểu đồ: Phạm Mơ)   

Còn theo phân tích của ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, giá bán heo đang ở mức 45.000 – 48.000 đồng/kg, trong khi giá thành của doanh nghiệp khoảng 50.000 – 52.000 đồng/kg, nông hộ dao động 54.000 – 60.000 đồng/kg. Như vậy, cả doanh nghiệp và nông hộ đều đang bán heo dưới giá thành, chịu thiệt hại về kinh tế.

Theo khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, mỗi con heo xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi phải đóng chuồng trong thời gian tới vì thua lỗ triền miên, càng làm càng lỗ. Nhiều người chăn nuôi không có khả năng tái đàn do giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành chăn nuôi.

Theo số liệu mới nhất của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), công ty này tiêu thụ khoảng 41.689 con heo thịt, tuy nhiên ở thời điểm giá heo trong nước vẫn duy trì ở mức thấp nên gần như mảng này không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Trong cuộc gỡ với nhà đầu tư hồi tháng 2, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết 2023, doanh nghiệp này sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh quanh mặt hàng chủ lực là chuối, đồng thời không đưa lợi nhuận của mảng chăn nuôi heo vào giai đoạn này vì đang không có lời.

Nói thêm về điều này, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết một doanh chăn nuôi khác có thị phần phần lớn tại Việt Nam, mỗi ngày bán ra khoảng 15.000 – 17.000 con cũng đang có lượng heo tồn ứ, chờ tiêu thụ.

Nhìn lại bức tranh ngành chăn nuôi từ 2020 đến nay, giá heo hơi thời điểm này đang chìm sâu sát đáy, chỉ cao hơn giai đoạn tháng 10/2021 – thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi cả nước, giãn cách xã hội khiến đàn heo tồn đọng, quá lứa.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo chăn nuôi heo trong năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho rằng phải đến đầu quý II/2023, nền kinh tế mới phục hồi dần, thu nhập của người lao động mới được cải thiện trở lại, giúp sức tiêu thụ thịt tăng lên.

Giải pháp nào cho ngành chăn nuôi thoát khỏi cơn bĩ cực?

Hậu COVID-19, lạm phát gia tăng trên toàn cầu được coi là cú đấm bồi với ngành chăn nuôi, vốn chưa thực sự phục hồi. Các chuyên gia đã có nhiều đề xuất đưa ngành chăn nuôi thoát khỏi khó khăn này.

Một gợi ý được ông Nguyễn Văn Trọng khuyến cáo các doanh nghiệp là phát triển nông nghiệp tuần hoàn, kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Ông Trọng dẫn chứng mô hình nuôi heo tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm, đó là chuỗi sản xuất từ phân bón hữu cơ đến chăn nuôi an toàn sinh học và trồng trọt hữu cơ. Mô hình kinh tế tuần hoàn này sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, biến chất thải ngành này thành nguyên liệu sản xuất cho ngành kia, tối ưu được chi phí sản xuất và gia tăng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị Nhà nước tính tới giải pháp “đặt hàng” các cơ sở chăn nuôi dự trữ vật nuôi, từ vài vạn tới vài chục vạn con heo để chủ động trước các tình huống như giá heo hơi giảm, người chăn nuôi bỏ chuồng, không chăn nuôi làm giảm nguồn cung ra thị trường.

“Nếu làm được điều này, Nhà nước sẽ không phải lo kho bãi dự trữ, trong khi Việt Nam chưa xây dựng hệ thống kho bãi dự trữ nguồn thực phẩm”, ông Nguyễn Trí Công nói.

Ý tưởng này gần giống với kho dự trữ heo chiến lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, heo dữ trữ ở dạng thịt đông lạnh. 

Đồng thời, Hiệp hội này cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô dầu đậu tương từ 2% xuống 0%, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam ổn định mặt bằng giá thành sản xuất trong nước, đồng thời giữ lợi thế cạnh tranh cho ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong khu vực.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nganh-chan-nuoi-trong-con-bi-cuc-nong-dan-cang-nuoi-cang-lo-doanh-nghiep-ton-u-ca-dan-heo-202332417415613.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/