Ngành cá tra đối diện nguy cơ thiếu nguyên liệu cho đến quý I/2022

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, giá cá tra ở các tỉnh ĐBSCL giảm mạnh, người dân lỗ nặng và ít thả nuôi. Vụ nuôi trồng thủy sản dự báo trong quý I/2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Xuất khẩu cá tra ước đạt 1,5 tỷ USD

Tại hội nghị "Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022" bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO cho biết xuất khẩu cá tra năm 2021 có thể sẽ cán đích 1,5 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2020.

Lý giải xuất khẩu cá tra chưa có sự đột phá, bà Hằng cho biết xuất khẩu cá tra sụt lao dốc trong giai đoạn tháng 8 - 10 do ảnh hưởng dịch COVID-19, giãn cách sản xuất và sản xuất "3 tại chỗ".

Đầu năm 2021 cả nước có 106 nhà máy chế biến cá tra có đăng ký xuất khẩu tại 5 tỉnh với số lao động ước khoảng 190.000 người. Song, đến đầu tháng 9, 52/106 nhà máy chế biến cá tra phải tạm dừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 49%, số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh lên tới 70%.

Đồng thời, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi giãn cách toàn vùng. Những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20-30%, năng suất lao động giảm mạnh.

Dịch COVID-19 bùng phát làm rối loạn hoạt động của chuỗi sản xuất, xuất khẩu cá tra vì cá tra nguyên liệu không kịp thu hoạch, chế biến, hoạt động sản xuất giống, thả nuôi đã bị hạn chế trong khi nhu cầu từ thị trường vẫn rất cao.

Ngành cá tra đối diện nguy cơ thiếu nguyên liệu cho đến quý I/2022 - Ảnh 1.

Nguồn: VASEP

Ngay sau khi Việt Nam chuyển từ "Zero COVID" sang thích ứng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, hoạt động sản xuất cá tra hồi phục nhanh chóng.

Xuất khẩu cá tra tháng 11 đạt 227 triệu USD, tăng 65% so với tháng 10 và tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu cá tra tăng mạnh.

Với đà tăng này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022 sẽ đạt 1,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, ngành cá tra còn đối mặt với các rào cản thương mại như lệnh số 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất - chế biến và thương mại cá tra và lợi nhuận của doanh nghiệp do các chi phí đầu vào tăng mạnh; cước vận tải biển tăng, thiếu nguyên liệu...

Thiếu nguyên liệu xuất khẩu

Những gián đoạn chuỗi sản xuất cá tra trong thời gian các tỉnh ĐBSCL giãn cách xã hội khiến số lượng cá giống thả nuôi năm 2021 giảm mạnh so với năm 2020.

Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản) cả nước hiện có 80/96 cơ sở sản xuất giống và 2.289 cơ sở ương dưỡng giống cá tra đang hoạt động. Sản lượng ước đạt khoảng 25 tỷ con cá tra bột và 3,1 tỷ con cá tra giống, chỉ bằng 62% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo tổng cục Thuỷ sản diện tích thả nuôi cá tra năm 2021 ước đạt 5.000 ha, không biến động nhiều so với năm 2020, sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn. Đáng chú ý, giai đoạn giãn cách xã hội vào tháng 7-9, diện tích thả nuôi cá tra giảm khoảng 30-55% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành cá tra đối diện nguy cơ thiếu nguyên liệu cho đến quý I/2022 - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Thủy sản.

Lý giải nguyên nhân, ông Huỳnh Tấn Đạt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết sau thời điểm giãn cách xã hội, người dân phải tiêu thụ lượng cá tra quá lứa và yếu tố giá cả, dịch bệnh phức tạp cũng chưa tạo động lực cho người dân thả nuôi vụ mới.

Bên cạnh đó, giá thức ăn thủy sản tăng khoảng 1.400 đồng/kg đã làm tăng chi phí sản xuất trong khi giá bán thấp khiến người nuôi cá tra thua lỗ.

Vì vậy, các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh chưa mạnh dạn thả nuôi trở lại nên diện tích giảm so với năm 2020.

Ông Cẩn dự báo trong quý I/2022 có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Vụ nuôi trồng đặt kế hoạch năm 2022 diện tích thả nuôi đạt 5.200 ha, sản lượng cá tra thương phẩm ước đạt trên 1,7 triệu tấn.

Hiện, giá bán cá tra giống đang dao động khoảng 21.000 đồng - 31.000 đồng/kg (loại 15 - 30 con/kg). Giá bán cá tra thương phẩm khoảng 23.500 đồng – 24.000 đồng/kg (loại 0,9 – 1,3kg) tăng 2.000 – 3.500 đồng/kg so với thời gian giãn cách.

Với mức giá này, người nuôi bắt đầu có lãi. Đây cũng là động lực cho người dân thả nuôi cá, đảm bảo nguyên liệu chế biến cho năm 2022.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nganh-ca-tra-doi-dien-nguy-co-thieu-nguyen-lieu-cho-den-quy-i-2022-20211209185144339.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/