Ngân hàng Việt có còn là 'miếng bánh ngọt' đối với nhà đầu tư ngoại?

Dòng vốn ngoại đang có dấu hiệu tiếp tục đổ vào các ngân hàng Việt với nhiều triển vọng từ các thương vụ đầu tư lớn. Mặc dù không phủ nhận luôn có những cuộc "chia tay" với các đối tác nước ngoài, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn đang tạo ra một sức hấp dẫn nhất định.

Ngân hàng Việt có còn là miếng bánh ngọt đối với nhà đầu tư ngoại? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Vốn ngoại đổ dồn vào ngân hàng Việt

Trong thời gian gần đây, thông tin về các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường tài chính Việt Nam được đưa ra trở nên dày đặc hơn, đặc biệt trong mảng ngân hàng. Hàng loạt ngân hàng trong nước đã hoặc đang lên kế hoạch để bán vốn cho nhà đầu tư ngoại.

Gần đây nhất có thể kế đến thương vụ BIDV chuẩn bị bán 15% vốn cho đối tác Hàn Quốc KEB Hana Bank. Hay như vụ Vietcombank phát hành thêm hơn 111 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài Mizuho (Nhật Bản) và GIC (Singapore) để tăng vốn lên hơn 37.000 tỉ đồng và thu về khoảng 6,2 nghìn tỉ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD). 

Trong một cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, đối tác Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) từ Nhật Bản của VietinBank đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ. Trước đó, Phó Chủ tịch MUFG cũng từng cho biết họ muốn nâng tỉ lệ sở hữu tại VietinBank từ 19,73% lên 50% vốn điều lệ.

Không chỉ là ba ngân hàng cổ phần lớn trên, "ông lớn" Agribank cũng không nằm ngoài tầm ngắm của các nhà đầu tư ngoại. Cuối tháng 2, Tập đoàn Tài chính NongHuyp của Hàn Quốc (NHFG) đã đưa ra đề xuất hỗ trợ Agribank trong quá trình cổ phần hóa. Không lâu trước đó, doanh nghiệp Thái Lan Công ty TNHH Srisawad Corporation đã đề xuất mua lại Công ty Cho thuê tài chính I (ALC I) của Agribank để tham gia thị trường tài chính Việt Nam.

Trong 10 năm trở lại đây kể từ khi ngân hàng 100% vốn nước ngoài được phép thành lập (2009), vốn ngoại đổ vào lĩnh vực ngân hàng thực sự bùng nổ. Từ khi ngân hàng 100% vốn ngoại đầu tiên được thành lập tại Việt Nam đến nay đã có hơn 50 tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Đi ngược với xu hướng trên, Tập đoàn Société Générale (Pháp) đã chính thức rút vốn khỏi SeABank sau 10 năm đầu tư. Việc thoái vốn của nhà đầu tư ngoại này khá "lặng lẽ" và không có bất kì thông tin chính thức nào được đưa ra.

Chỉ sau kết quả đợt chào bán riêng lẻ cổ phiếu mới đây, danh sách cổ đông được công bố đã không còn cái tên Société Générale. Tập đoàn là cổ đông chiến lược của SeABank từ năm 2008, sở hữu 20% cổ phần của ngân hàng. Hiện cũng không có thông tin chi tiết về việc rút vốn của tổ chức này.

Trước đó, cũng có thể kể đến những vụ thoái vốn đầu tư của các tổ chức nước ngoài vào ngân hàng Việt như HSBC thoái vốn khỏi Techcombank, Standard Chartered thoái vốn tại ACB; Commonwealth Bank bán chi nhánh tại TP HCM cho VIB, BNP Paribas thoái vốn khỏi OCB, ANZ thoái vốn tại Sacombank...

Danh sách những đối tác ngoại với các ngân hàng Việt 

Ngân hàng Việt có còn là miếng bánh ngọt đối với nhà đầu tư ngoại? - Ảnh 2.

Nguồn: DB tổng hợp

Nguyên nhân của những cuộc "chia ly" trên có lẽ rất nhiều nhưng được đề cập nhiều nhất là cơ cấu lại danh mục đầu tư, tìm được người mua với mức lợi nhuận hấp dẫn, chuyển dịch mảng kinh doanh,... hay đơn giản là vì hiệu quả kinh doanh không như mong muốn.

Ngân hàng Việt có đủ sức hấp dẫn?

Có thể nhận thấy rằng những thương vụ đầu tư của vốn ngoại vào các ngân hàng Việt cũng có nhiều kết quả khác nhau, có hợp có tan. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu thị trường ngân hàng Việt có còn sức hấp dẫn đủ lớn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Với các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế ở mức cao và lạm phát trong vòng kiểm soát, triển vọng phát triển của kinh tế Việt nam được đánh giá cao. Đồng thời, chủ trương thoái vốn mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng cũng mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%. Thông tin này là một điểm tích cực đối với các nhà đầu tư ngoại khi mà họ luôn mong muốn có được quyền kiểm soát lớn hơn khi đầu tư vào ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam.

Kết quả hoạt động khả quan trong năm 2018 cũng là điểm nhấn đáng chú ý của thị trường ngân hàng với nhiều điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận. Đồng thời, quá trình xử lí nợ xấu quyết liệt sau Nghị quyết 42 ra đời cũng đã khiến chất lượng tài sản của các nhà băng được cải thiện rõ rệt.

Theo một nhận định mới đây của Moody's, triển vọng của ngân hàng Việt Nam trong năm 2019 được đánh giá cao với "sự cải thiện hơn nữa về lợi nhuận, tiếp tục bởi vì chênh lệch lãi suất lớn hơn và chi phí tín dụng thấp hơn".

Cùng với đó, phân tích từ tổ chức này cho rằng nguồn vốn của các ngân hàng Việt Nam sẽ được tăng cường vì lợi nhuận tốt và tăng trưởng tín dụng ổn định. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng vẫn sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu của Basel II vào năm 2020 và huy động từ vốn ngoại sẽ là trọng tâm của họ trong năm 2019 do thị trường vốn trong nước còn kém phát triển.

Theo Công ty nghiên cứu Fitch Solutions, các ngân hàng nước ngoài vẫn có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam thông qua các công ty 100% vốn nước ngoài. Những dòng vốn ngoại đổ vào thị trường ngân hàng Việt Nam đáng chú ý gần đây là các nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) và ASEAN.

Những ngân hàng lớn Nhật Bản (MUFG, Mizuho), một trong những đối tác truyền thống của ngân hàng Việt Nam, mặc dù đang có dấu hiệu siết lại việc đầu tư vào thị trường châu Á do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại nhưng lại không thể chối từ tiềm năng từ những thị trường mới nổi như Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê tháng 2, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/2 thu hút 514 dự án cấp phép mới với số vốn đăng kí đạt 2.444,9 triệu USD, tăng 75,7% về vốn đăng kí so với cùng kì năm 2018.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, riêng trong quí I/2018, nhà đầu tư ngoại đã rót gần 650 triệu USD dưới hình thức đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phần và góp vốn đầu tư tại các doanh nghiệp Việt Nam, tăng gấp 5 lần so với cùng kì năm trước.

Vốn ngoại tăng liều dược nộiVốn ngoại tăng liều dược nội Vốn đăng kí đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 76% trong hai tháng đầu nămVốn đăng kí đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 76% trong hai tháng đầu năm Ngân hàng Nhật Bản Ngân hàng Nhật Bản 'hãm phanh' mở rộng thị phần tại châu Á

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ngan-hang-viet-co-con-la-mieng-banh-ngot-doi-voi-nha-dau-tu-ngoai-20190315153111155.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/