Ngân hàng TMCP nào có nhiều nhân sự nhất?

Số lượng nhân sự của 24 ngân hàng tính đến ngày 30/9 đạt hơn 223.800 người, tăng gần 11.600 người so cuối năm trước, tương đương 5,5%. Trong đó, VPBank là ngân hàng có lượng nhân viên lớn nhất hệ thống ngân hàng TMCP với hơn 26.060 người. 

ngan hang tmcp nao co nhieu nhan su nhat Nóng chuyện thu hút và giữ chân nhân sự ngân hàng
ngan hang tmcp nao co nhieu nhan su nhat Ồ ạt tuyển nhân sự cho Basel II
ngan hang tmcp nao co nhieu nhan su nhat

Nguồn nhân lực ngân hàng đăng được phân bố như thế nào?

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2018 của 24 ngân hàng, tổng số nhân viên tính đến ngày 30/9 đạt khoảng 223.858 người, tăng 5,5% so với cuối năm 2017 và tăng 9,4% so với cuối quí III/2017 (tương đương thêm khoảng 19.311 người).

VPBank là ngân hàng có lượng nhân sự lớn nhất hệ thống các ngân hàng TMCP với hơn 26.060 người. Như vậy, đây là quí thứ hai liên tiếp VPBank giữ vị trí quán quân về qui mô nhân sự. Tuy nhiên trong số này chỉ có khoảng một nửa nhân sự làm việc cho ngân hàng mẹ còn lại tập trung chủ yếu tại công ty tài chính FE Credit.

Đứng thứ hai về số lượng nhân sự là BIDV với gần 25.530 người và thứ ba là VietinBank với gần 23.840 người. Hai vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Sacombank (hơn 18.600 người) và Vietcombank (hơn 16.780 người).

Saigonbank là ngân hàng có số lượng nhân viên ít nhất trong ngành ngân hàng với 1.430 người, chưa bằng 6% số lượng nhân sự của VPBank.

ngan hang tmcp nao co nhieu nhan su nhat
Số lượng nhân sự của các ngân hàng tính đến ngày 30/9 (Nguồn: QT tổng hợp)

Đáng chú ý, OCB là ngân hàng có tốc độ gia tăng nhân sự nhanh nhất hệ thống. Với hơn 1.812 người tăng thêm, số lượng nhân viên OCB gấp gần 1,4 lần nhân viên vào cuối năm 2017.

OCB đang tích cực mở rộng mạng lưới hoạt động. 9 tháng đầu năm, ngân hàng có thêm 15 phòng giao dịch mở mới trên khắp cả nước, tương ứng tăng 21%.

Đứng sau OCB về tỷ lệ tăng trưởng nhân viên là SHB, tăng thêm 12% trong ba quí vừa qua lên gần 6.970 người.

MBBank cũng đã tăng thêm 1.457 người nâng tổng số cán bộ nhân viên của ngân hàng tính đến 30/9 là hơn 14.550 người (tương ứng tăng 11%).

Trong 24 ngân hàng được khảo sát chỉ có 4 ngân hàng ghi nhận sụt giảm về số lượng nhân sự trong 9 tháng đầu năm là Eximbank (giảm 47 người), TPBank (giảm 127 người), SaigonBank (giảm 30 người) và PG Bank (giảm 59 người).

Mức sụt giảm các ngân hàng trên đều khá nhỏ so với tổng qui mô nhân sự của các ngân hàng. Riêng PG Bank giảm nhân sự thời gian qua là điều dễ hiểu trong bối cảnh chuẩn bị tiến hành sáp nhập vào HDBank.

Theo đề án sáp nhập đã được hai bên thông qua trước đó, toàn bộ nhân sự cấp cao của PG Bank sẽ tự miễn nhiệm tại ngày bàn giao sáp nhập. Và thực tế, trong thời gian qua đã có một số nhân sự cấp cao của ngân hàng này đã xin từ chức đồng thời, nhà băng này cũng không có quyết định bổ sung nhân sự cho các vị trí trên.

Như vậy, xét về tổng thể, nhân sự ngành ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh và khá đồng đều trong 9 tháng đầu năm nay.

Ngân hàng lại vào mùa tuyển dụng cuối năm

Theo thường lệ nguồn nhân lực ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng cường trong những tháng cuối năm bởi một mặt đây là thời gian kinh doanh nhộn nhịp nhất của các nhà băng. Mặt khác, đây cũng là mùa tuyển dụng thứ 2 trong năm của các ngân hàng khi thị trường lao động đón nhận một lượng lớn sinh viên mới ra trường.

Mới nhất, sau đợt tuyển dụng nhân sự quy mô vào đầu năm, trong quí IV/ 2018, Nam A Bank tiếp tục tuyển dụng hàng loạt nhân sự tại gần 30 vị trí khác nhau trên khắp cả nước. Thời gian tuyển dụng được kéo dài đến hết tháng 11.

Cùng với Nam A Bank, Techcombank cũng đang triển khai chương trình tuyển dụng cho vị trí giao dịch viên trên toàn quốc. Cùng với đó, Vietcombank hiện đăng tuyển 80 cán bộ chưa có kinh nghiệm cho các chi nhánh trong đợt tuyển dụng đợt IV/2018.

Không chỉ tuyển nhân viên chính thức, hiện Sacombank cũng đang tích cực duy trì chương trình thực tập sinh tiềm năng. Chương trình này của Sacombank diễn ra từ ngày 17/9 - 30/11 với mục tiêu tuyển thêm 800 thực tập viên tại các điểm giao dịch của Sacombank trên toàn quốc cho các vị trí như Chuyên viên khách hàng, Chuyên viên Thẻ, Chuyên viên tư vấn và Giao dịch viên...

Theo thống kê của Sacombank, từ năm 2010 đến nay, chương trình “Thực tập viên tiềm năng” của ngân hàng đã tuyển được gần 7.000 sinh viên thực tập, trong đó hơn 70% sinh viên đã được tuyển dụng chính thức sau khi kết thúc quá trình thực tập.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Dự báo, thống kê) tiến hành vào tháng 9 cho thấy, có tới 26,6% tổ chức tín dụng nhận định đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại; 61,46% tổ chức tín dụng dự kiến tiếp tục tuyển thêm lao động trong quí IV/2018.

Ngoài ra, xét về dài hạn, nhiều chuyên gia cho rằng số lượng nhân sự trong ngành ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng do chiến lược dịch chuyển hoạt động kinh doanh sang mảng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng của các nhà băng. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng bên cạnh việc tuyển nhân sự cho các vị trí chính thức còn kết hợp tuyển thêm lượng lớn cộng tác viên để nhanh chóng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần,...

Mặc dù vậy, nhưng những vị trí được tuyển dụng nhiều thường thuộc các bộ phận bán hàng, bán lẻ, có đặc điểm đòi hỏi nhiều kỹ năng giao tiếp với áp lực chỉ tiêu cao và cường độ công việc lớn do đó tỷ lệ nhân viên trụ lại được được sau thời gian thử việc là rất thấp.

Điển hình là Sacombank, mỗi đợt tuyển dụng thực tập viên tiềm năng hàng năm tuyển mới khoảng 1.000 người, tuy nhiên trong năm 2018 số lượng nhân sự của ngân hàng chỉ tăng thêm 61 người.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ngan-hang-tmcp-nao-co-nhieu-nhan-su-nhat-110921.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/