Ngân hàng cần chính sách đặc biệt và dài hơi để 'giải cứu' doanh nghiệp

Theo Tổng thư ký VNBA, muốn các ngân hàng có thể hỗ trợ tiếp doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp khó khăn, dưới chuẩn, cần phải có cơ chế và chính sách ở mức cao hơn, có thể phải đề xuất lên Chính phủ và Quốc hội vì vấn đề liên quan đến luật.

Ngân hàng cần chính sách 'dài hơi' hơn để hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: VNBA).

Phát biểu tại diễn đàn chính sách về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch COVID-19 do Tạp chí Hải Quan tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã nêu những kiến nghị về cơ chế, chính sách để ngành ngân hàng có thể hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch.

Đối với ngành ngân hàng, thời gian qua đã tích cực thực hiện miễn giảm lãi và phí để chia sẻ với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các TCTD đã giảm lợi nhuận tổng cộng là 28.000 tỷ đồng, trong đó 26.000 tỷ đồng là giảm lãi suất cho vay và khoảng 2.000 tỷ đồng là giảm phí.

Theo ông Hùng, việc miễn giảm lãi, phí cho khách hàng đã là một sự cố gắng của các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, nguồn lực của các TCTD đến này đã dần suy giảm và cũng rất khó khăn.

Trước mắt, trong năm 2021, các ngân hàng sẽ phải trích lập tối thiểu dự phòng 30%. Ngoài ra, những khoản nợ xấu nhiều khả năng sẽ phát sinh, những khoản nợ kể cả trong nhóm 1, hoạt động bình thương, cũng có khả năng không thu hồi được và chuyển thành nợ xấu trong tương lai.

Theo đó, ông Hùng nhận thấy những khó khăn trong tương lai của các ngân hàng còn rất lớn, vì vậy dư địa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp là không nhiều, muốn có thể hỗ trợ tiếp, cần phải có cơ chế và chính sách, mới có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau khi dịch được khống chế.

Hiện nay, việc hỗ trợ mới chỉ là một phần khi doanh nghiệp được cơ cấu nợ, không bị chuyển nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí... nhưng vấn đề hồi phục sau đại dịch, thứ doanh nghiệp cần là tiếp cận nguồn vốn để duy trì hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

"Doanh nghiệp muốn hoạt động, thì phải tạo điều kiện hay cơ chế gì cho người ta hoạt động. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang nợ dưới chuẩn, không có nguồn thu, không có lợi nhuận, làm sao có đủ điều kiện để tiếp cận vốn?", ông Hùng nói.

Theo đó, muốn có thể hỗ trợ tiếp, cần phải có cơ chế và chính sách, và những chính sách đó có thể vượt tầm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phải đề xuất lên Chính phủ và Quốc hội vì vấn đề liên quan đến luật.

Đối với ngành ngân hàng, ông Hùng cho rằng hỗ trợ như vậy là hết khả năng của các nhà băng đối với doanh nghiệp. Nếu có hơn nửa chỉ có xoay quanh vấn đề giảm phí, lãi, cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ.

Ông cũng lấy ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có Nghị định 55, Nghị định 116 bổ sung sửa đổi Nghị định 55, đối với trường hợp thiên tai, dịch bệnh thì được khoanh nợ. Thì đến nay vẫn chưa đặt vấn đề rằng khoanh nợ như thế nào đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Mặt khác, Tổng thư ký VNBA cho rằng các doanh nghiệp cũng cần cảm thông cho ngân hàng. Cơ chế chính sách đến nay đã sửa đổi ba thông tư gồm Thông tư 01, 03 và 14. Nhưng khó khăn là các TCTD đang phải thực hiện ba thông tư này một lúc. 

Bản thân các TCTD để hiểu và hạch toán, theo dõi các thông tư này đã khó chưa đến việc triển khai đến khách hàng.

Theo đó, đại diện cho các TCTD cho rằng nếu như có thể điều chỉnh, thì NHNN nên gộp ba thông tư lại với nhau để thống nhất, tạo thuận lợi cho các nhà băng.

Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, không như thuế là tiền ngân sách, vốn của nhà nước. Các ngân hàng đang dùng chính nguồn lực của họ để hỗ trợ doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp.

Tổng thư ký VNBA khẳng định mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là cộng sinh và cả hai đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các ngân hàng sẽ chịu hệ quả về sau.

Ngoài ra, ông cũng kiến nghị cần sớm có sự vào cuộc của chính sách tài khóa. Để có nguồn lực giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, Chính phủ có thể xem xét phát hành trái phiếu, vay của ngân hàng trung ương như các nước đang làm chứ không thể dùng mãi chính sách tiền tệ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ngan-hang-can-chinh-sach-dac-biet-va-dai-hoi-de-giai-cuu-doanh-nghiep-20211001155013999.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/