Nền kinh tế Trung Quốc oằn mình vì Zero COVID

Các nhà phân tích dự đoán dù Trung Quốc có chấm dứt chính sách Zero COVID ngay lập tức thì nền kinh tế cũng sẽ không cải thiện ngay lập tức mà phải trải qua một giai đoạn đầy xáo trộn.

Nhân viên y tế trong đồ bảo hộ đứng trên một chiếc cầu trong thời gian Thượng Hải phong tỏa hồi tháng 5/2022. (Ảnh: Reuters). 

Hậu quả rõ rệt

Không phải doanh nghiệp Trung Quốc nào cũng gặp rắc rối vì Zero COVID. Trong nửa đầu năm 2022, 35 công ty sản xuất kit xét nghiệm lớn nhất Trung Quốc kiếm được 150 tỷ nhân dân tệ (tương đương 21 tỷ USD). 

Nhưng ngoài nhóm các công ty này, nền kinh tế Trung Quốc đang lao đao. Các cuộc phong tỏa và hạn chế di chuyển khiến cho niềm tin người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế sa sút. Tờ Economist cho biết cuối tuần trước, người dân một số địa phương đã bày tỏ sự phản đối và yêu cầu dỡ bỏ phong toả. 

Tác động từ chiến dịch Zero COVID của Trung Quốc lên nền kinh tế đang hiện rõ hơn bao giờ hết. Hoạt động đi lại đã bị hạn chế đáng kể. Trong tuần bắt đầu từ ngày 14/11, số chuyến bay nội địa giảm 45% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID gia tăng. Ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc lỗ 74 tỷ nhân dân tệ trong 9 tháng đầu năm 2022.

Theo ngân hàng đầu tư Macquarie, lượng khách đi tàu điện ngầm tại 10 thành phố lớn nhất cả nước đã giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu phòng vé giảm 64%. Chỉ có khoảng 42% rạp chiếu phim ở Trung Quốc mở cửa vào ngày 27/11. Một số rạp phim lớn nhất đã đóng cửa hoàn toàn.

Chỉ số do ngân hàng Nomura tổng hợp cho thấy, các khu vực đang bị phong toả hiện tạo ra khoảng 25% GDP của Trung Quốc, vượt qua mức đỉnh hồi giữa tháng 4 là 20%.

Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ lập kỷ lục 19,9% vào tháng 7. Một thước đo cho thấy lưu lượng vận tải hàng hóa đường bộ trong tuần tính đến ngày 25/11 đã giảm 33% so với năm trước.

Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh leo thang. Tuần trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.

Các nhà lãnh đạo cố gắng thổi luồng sinh khí mới và niềm tin vào thị trường nhà đất. Trong tháng 11, Trung Quốc đã công bố những biện pháp mới nhằm giúp các nhà phát triển bất động sản tiếp cận được với nguồn tín dụng và tiếp tục hoàn thiện dự án.

Dự kiến tâm lý sẽ được cải thiện đôi chút. Nhưng các đợt phong tỏa kéo dài và niềm tin giảm sút của người tiêu dùng có thể sẽ ngăn cản những người mua nhà tiềm năng xuống tiền. Và triển vọng cho nền kinh tế thứ hai thế giới trong năm 2023 ngày càng có vẻ ảm đạm.

Không sớm kết thúc

Tin đồn về việc Trung Quốc mở cửa kinh tế đã lan truyền suốt vài tuần qua, khiến chứng khoán nước này tăng giảm thất thường. Hôm 11/11, chính phủ Trung Quốc công bố 20 biện pháp nhằm nới lỏng các hạn chế COVID-19, ví dụ như giảm thời gian cách ly bắt buộc với du khách.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc diễn giải những biện pháp này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang lên kế hoạch từ bỏ Zero COVID. Nhưng theo tờ Economist, việc nới lỏng hạn chế chỉ là sự tinh chỉnh chính sách, có lẽ là để dễ dàng duy trì Zero COVID trong thời gian lâu dài hơn.

Việc nới lỏng cũng chưa được tiến hành quy củ. Trong bối cảnh số ca nhiễm tại nhiều thành phố tăng cao, giới chức địa phương đã tái áp đặt phong tỏa trên diện rộng.

Con đường phía trước còn nhiều điều bất định. Hiếm có nhà phân tích nào tin rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để mở cửa nhanh chóng. Nhiều người cho rằng giai đoạn sắp tới sẽ xảy ra tình trạng lộn xộn và các sai lầm chính sách.

Dự kiến các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh sẽ không từ bỏ Zero COVID mà sẽ chỉ điều chỉnh các biện pháp chống dịch trước cuộc họp chính trị quan trọng vào tháng 3. Sự mơ hồ có thể kéo dài suốt năm 2023 nếu chính phủ trung ương không vạch ra được chiến lược rút lui khỏi Zero COVID.

Dưới những điều kiện trên, triển vọng cho nền kinh tế Trung Quốc vẫn khá ảm đạm.

Nhiều khả năng các đợt phong toả vẫn sẽ tiếp diễn, dù có lẽ kịch bản phong tỏa toàn thành phố sẽ không lặp lại.

Những rắc rối mà các hãng hàng không và rạp chiếu phim đang đối mặt rất có thể sẽ tiếp tục tồn tại và lan ra những doanh nghiệp phục vụ người tiêu dùng khác.

Có nguy cơ tình hình năm 2023 sẽ còn xáo trộn hơn nữa. Nhiều nhà quan sát đã nghĩ đến cái kết của chính sách Zero COVID. Một số người hình dung Trung Quốc sẽ suôn sẻ chuyển từ trạng thái cứng nhắc hiện tại sang hoạt động kinh doanh như bình thường. Họ kỳ vọng sự gián đoạn sẽ được giới hạn ở mức tối thiểu.

Tuy nhiên, triển vọng màu hồng trên bỏ qua mối nguy tiềm tàng là số ca nhiễm bùng nổ trong đất nước có hơn 1,4 tỷ dân.

Giai đoạn này có thể chứng kiến hoạt động thương mại giảm tốc mạnh. Cả người mua sắm lẫn chủ cửa hàng có lẽ sẽ chọn cách ở yên trong nhà để tránh virus. Nhà máy có nguy cơ phải ngưng hoạt động khi công nhân trong dây chuyền sản xuất lần lượt đổ bệnh.

Sự bối rối về chính sách và không nhất quán giữa các quận, thành phố và tỉnh có thể sẽ gây rối chuỗi cung ứng suốt nhiều tuần. Một số quan chức nóng lòng dập dịch có thể sẽ âm thầm cho phong tỏa trở lại.

Ông Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Nomura, ước tính rằng các khu vực bị phong tỏa trong giai đoạn này có thể chiếm tới 40% GDP toàn quốc, khiến sản lượng kinh tế giảm sút trong một hoặc hai quý.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Capital Economics nhận định dù Trung Quốc có chấm dứt Zero COVID ngay lập tức thì có lẽ tác động tích cực lên nền kinh tế cũng sẽ chỉ xuất hiện rõ rệt vào năm 2024. Giai đoạn chuyển tiếp sẽ có không ít sự bất ổn và nền kinh tế sẽ chỉ tạo ra được tăng trưởng khiêm tốn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nen-kinh-te-trung-quoc-oan-minh-vi-zero-covid-202211291439583.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/