Năng lực cốt lõi (Core competencies) là gì? Các tiêu chí xác định năng lực cốt lõi của doanh nghiệp

Năng lực cốt lõi (tiếng Anh: Core competencies) là sự thành thạo về mặt chuyên môn hay các kĩ năng của doanh nghiệp trong các lĩnh vực chính, trực tiếp đem lại hiệu suất cao so với các đối thủ cạnh tranh.

nang-luc-cot-loi-1

Hình minh họa. Nguồn: ADC Việt Nam

Năng lực cốt lõi (Core competencies)

Định nghĩa

Năng lực cốt lõi trong tiếng Anh là Core competencies. Năng lực cốt lõi được sử dụng để chỉ sự thành thạo chuyên môn hay các kĩ năng của doanh nghiệp trong các lĩnh vực chính, trực tiếp đem lại hiệu suất cao so với các đối thủ cạnh tranh.

Ý nghĩa

- Năng lực cốt lõi thể hiện khả năng cạnh tranh và các phẩm chất khác biệt riêng của doanh nghiệp. 

- Năng lực cốt lõi được hình thành theo thời gian thông qua quá trình học tập, tích lũy một cách hệ thống và có tổ chức về cách thức khai thác các nguồn lực và năng lực khác nhau.

Chẳng hạn, một trong những năng lực cốt lõi của Sony là khả năng kết hợp công nghệ vi điện tử với những thiết kế đầy sáng tạo trong một loạt các sản phẩm tiêu dùng hữu ích.

Hay như Corning đã tạo ra các dòng sản phẩm thành công, từ đĩa chịu nhiệt Pyrex dùng trong lò nướng đến đèn hình ti vi hay sợi quang học từ năng lực cốt lõi liên quan đến vật liệu thủy tinh và gốm sứ.

Các tiêu chí xác định năng lực cốt lõi của doanh nghiệp

Các năng lực cốt lõi của doanh nghiệp phải đảm bảo đồng thời 4 tiêu chuẩn: có giá trị, có tính hiếm, khó bắt chước và không thể thay thế. 

(1) Có giá trị

- Bất kì năng lực nào của doanh nghiệp muốn tạo lập được lợi thế cạnh tranh đều bắt buộc phải mang lại một giá trị gia tăng nào đó cho khách hàng. Việc cung ứng giá trị cho khách hàng đã trở thành điều hiển nhiên nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng tính đến. 

- Doanh nghiệp thường bị cuốn vào các mối quan tâm về hiệu quả hoạt động, giảm chi phí hay gia tăng lợi nhuận cho cổ đông. Sẽ thật sai lầm nếu các nhà chiến lược khẳng định một năng lực của doanh nghiệp vượt trội so với các đối thủ mà không chỉ ra được năng lực này có được đánh giá cao từ phía khách hàng hay không? 

(2) Có tính hiếm

- Những năng lực hiếm là những năng lực mà rất ít đối thủ có được. 

Một câu hỏi trọng tâm được các nhà chiến lược đặt ra khi đánh giá tiêu chuẩn này là: "Có bao nhiêu đối thủ của doanh nghiệp trên thị trường đang sở hữu năng lực này?". 

- Những năng lực mà có quá nhiều doanh nghiệp cùng sở hữu thì không được xem là lợi thế cạnh tranh của bất kì doanh nghiệp nào. 

Thay vào đó, những nguồn lực và năng lực đáng giá nhưng không hiếm sẽ là cơ sở cho cạnh tranh hoàn hảo. Khi đó lợi thế cạnh tranh có được là do việc phát triển và khai thác những năng lực mà các doanh nghiệp khác không có. 

(3) Khó bị bắt chước

- Một trong những tiêu chuẩn để đánh giá một năng lực có phải là năng lực cốt lõi hay không chính là việc năng lực đó có dễ dàng bị bắt chước bởi các đối thủ hay không? 

Sẽ là một lợi thế nếu đối thủ cạnh tranh của ta không thể bắt chước hoặc nếu có bắt chước sẽ rất tốn kém về tài chính, mất nhiều thời gian. 

Ngược lại, một năng lực sẽ không được coi là năng lực cốt lõi của doanh nghiệp nếu như các đối thủ cạnh tranh dễ dàng sao chép được. 

- Cần nhấn mạnh rằng năng lực dựa trên việc kết hợp chủ yếu các nguồn lực hữu hình có sẵn sẽ dễ dàng bị bắt chước hơn là các năng lực dựa trên việc kết hợp hiệu quả các nguồn lực vô hình. 

(4) Không thể thay thế

- Những năng lực không thể thay thế là những năng lực mà không có một nguồn lực nào có giá trị chiến lược tương đương trong doanh nghiệp. 

- Hai nguồn lực có giá trị của doanh nghiệp (hay hai nhóm nguồn lực của doanh nghiệp) được đánh giá là tương đương khi mà mỗi nguồn lực đó tự bản thân nó khi được sử dụng riêng biệt vẫn tạo ra cùng một chiến lược. 

- Các năng lực càng khó nhận thấy thì càng khó tìm ra cách thức thay thế. 

Tri thức và các mối quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa bộ phận điều hành và bộ phận thực thi chính là những kiểu nguồn lực vô hình rất khó nhận ra và khó có thể thay thế được của một doanh nghiệp.

Kết luận

- Như vậy, mỗi năng lực cốt lõi là một năng lực nhưng không phải năng lực nào cũng có thể trở thành năng lực cốt lõi. 

- Tóm lại, một năng lực sẽ trở thành một năng lực lõi nếu có giá trị và không thể thay thế dưới góc độ của khách hàng và độc đáo, khó có thể bắt chước dưới góc độ của các đối thủ cạnh tranh.

- Trong thực tế, các doanh nghiệp cần phải nhận thức rằng hầu như mọi năng lực cốt lõi cuối cùng đều bị đối thủ bắt chước. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. 

Thời gian để đối thủ sao chép một năng lực lõi càng lâu thì càng có cơ hội để doanh nghiệp tạo lập vị thế cạnh tranh mạnh và thương hiệu với khách hàng và vì thế càng gây khó khăn cho các đối thủ. 

Hơn nữa, thời gian bắt chước càng lâu sẽ càng cho phép doanh nghiệp có đủ thời gian tăng cường các nguồn lực và năng lực của nó để đảm bảo vị thế đứng đầu so với các đối thủ. Chính vì thế mọi doanh nghiệp đều phải nhận dạng được đúng đâu là năng lực cốt lõi của mình.

(Tài liệu tham khảo: Phân tích môi trường bên trong doanh nghiệp, Tổ hợp giáo dục Topica)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nang-luc-cot-loi-core-competencies-la-gi-cac-tieu-chi-xac-dinh-nang-luc-cot-loi-cua-doanh-nghiep-20190924135000932.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/