Năm 2020, nhập khẩu thép của Trung Quốc nhảy vọt 150%, doanh nghiệp thép châu Á vui mừng

Nikkei Asia dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết trong năm 2020, nhập khẩu thép của đất nước tỷ dân tăng vọt 150% lên 38,56 triệu tấn do các nhà sản xuất nội địa gặp khó khi bắt kịp nhu cầu lớn trong nước.

Tổng quan thị trường thép Trung Quốc năm 2020

Các hãng thép lớn của Trung Quốc như China Baowu Steel Group đã giảm đáng kể sản lượng từ mùa xuân năm ngoái do dự đoán nhu cầu sẽ giảm vì đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, loạt biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh đã thúc đẩy nhu cầu thép tăng mạnh và doanh nghiệp nội địa không thể tự mình bắt kịp. Do đó, trong giai đoạn tháng 6 - 9/2020, Trung Quốc phải nhập khẩu nhiều thép hơn lượng xuất khẩu.

Công suất thép toàn Trung Quốc dường như cũng đang giảm. Theo chính phủ, trong giai đoạn 2016 - 2018, công suất thép của Trung Quốc đã giảm 150 triệu tấn, tương đương hơn 10% công suất đạt được vào cuối năm 2015.

Năm 2020, nhập khẩu thép của Trung Quốc nhảy vọt 150%, doanh nghiệp thép châu Á vui mừng - Ảnh 1.

Lô thép cuộn của Hòa Phát (mã: HPG) chờ xuất ra nước ngoài. (Ảnh: Tập đoàn Hòa Phát).

Phần lớn lượng thép nhập khẩu của Trung Quốc trong năm ngoái là các sản phẩm giá rẻ dành cho lĩnh vực xây dựng và các mục đích khác. Giá nhập khẩu trung bình giảm 35% xuống còn 630 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu trung bình là 791 USD/tấn.

Theo Nikkei, xu hướng này cho thấy các hãng thép tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tập trung hơn vào các sản phẩm chuyên biệt và có giá trị cao như thép để sản xuất ô tô. Trong khi đó, họ sẽ nhập khẩu nguồn hàng của nước ngoài cho các ngành nghề thông thường.

Trung Quốc là một tay chơi lớn trên thị trường thép toàn cầu, ngay cả một thay đổi nhỏ ở đó cũng có thể tạo ra ảnh hưởng trên phạm vi rộng. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép của Trung Quốc đạt 980 triệu tấn trong năm 2020, cao gấp 10 lần so với nhu cầu của một thị trường tiêu thụ lớn khác là Ấn Độ.

Năm ngoái, tại khu vực Đông Á, giá thép cuộn cán nóng được sử dụng trong nhiều sản phẩm từ thiết bị gia dụng đến ô tô vẫn neo trên mức 700 USD/tấn - cao hơn 60% so với mức đáy xác lập vào tháng 5 cùng năm và đạt đỉnh so với năm 2011.

Các hãng thép châu Á hân hoan báo lãi

Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất thép trên khắp châu Á đang hưởng lợi nhờ nhu cầu thép của đất nước tỷ dân tăng cao.

Năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) báo cáo lợi nhuận sau thuế tăng 80% lên 13,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 587 triệu USD), xuất khẩu thép tăng gấp đôi. Phần lớn đơn hàng của HPG được xuất sang Trung Quốc.

Các năm trước, thép giá rẻ của Trung Quốc từng tràn vào thị trường Việt Nam. Song, xu hướng này đã đảo ngược vào năm ngoái, khi xuất khẩu thép của Việt Nam sang Trung Quốc tăng hơn 9 lần lên 3,35 triệu tấn.

Năm 2020, nhập khẩu thép của Trung Quốc nhảy vọt 150%, doanh nghiệp thép châu Á vui mừng - Ảnh 2.

So với năm 2019, xuất khẩu thép của Ấn Độ sang Trung Quốc đã tăng 15 lần lên 5,08 triệu tấn vào năm ngoái. Quý IV/2020, Tata Steel báo cáo lợi nhuận sau thuế là 39,8 tỷ rupee (tương đương 540 triệu USD), trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận khoản lỗ 11,6 tỷ rupee.

Xuất khẩu tăng trưởng tốt đã giúp Tata Steel vượt qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất mà đại dịch giáng xuống nền kinh tế Ấn Độ. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước phục hồi còn giúp hãng thép lớn nhất đất nước Nam Á có quý thứ hai liên tiếp báo lãi.

Các hãng thép Nhật Bản cũng nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của Trung Quốc. Lần đầu tiên sau một thập kỷ, hãng thép Tokyo Steel Manufacturing đã nối lại hoạt động xuất khẩu sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào tháng 7/2020.

Ông Kiyoshi Imamura, Giám đốc Điều hành của Tokyo Steel Manufacturing, cho biết: "Các nhà máy chế biến thép nhỏ hơn ở Trung Quốc cũng đang tăng cường mua bán thành phẩm thép".

"Nhu cầu đối với các sản phẩm thép sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2021", một giám đốc ngành thép khác dự báo.

Xu hướng đầu tư sang Đông Nam Á tiếp tục

Nhu cầu thép trong nước tiếp tục tăng cao cũng thúc đẩy nhiều hãng thép Trung Quốc đầu tư sang các nước láng giềng, Nikkei đưa tin.

Ông Imamura cho biết: "Doanh nghiệp ngành thép tại Trung Quốc đang nhập khẩu thép từ các cơ sở mà họ xây dựng ở Đông Nam Á. Xu hướng này ngày càng rõ nét".

Chẳng hạn, Tsingshan Group - nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất thế giới, đã mua lại một lò cao tại Indonesia vào tháng 3 năm ngoái và đang hợp tác cùng một số công ty đồng hương lẫn Indonesia sản xuất thép ở đó.

Theo Liên đoàn Sắt Thép Nhật Bản, các hãng thép Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng công suất mới khoảng 30 triệu tấn/năm ở Đông Nam Á. Nikkei lý giải, vốn dĩ các công ty này rót vốn vào Đông Nam Á một phần là do nhu cầu trong khu vực ngày càng tăng, phần khác là do chính quyền Bắc Kinh đang siết chặt quy định trong nước để ngăn tình trạng dư thừa nguồn cung xảy ra.

Hiện nay, chính phủ Trung Quốc vẫn lo ngại về kịch bản dư cung, bất chấp thời gian qua nhu cầu tăng vọt và nhiều cơ sở sản xuất thép cũ kỹ đã phải đóng cửa hoặc tu sửa. Ví dụ, Bắc Kinh yêu cầu các nhà sản xuất thép phải giảm công suất 25 - 50% khi xây lại một lò cao cũ.

Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc dự đoán nhu cầu thép sẽ tiếp tục tăng khi mà các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng phải đến năm 2023 mới đạt đỉnh. Song, xu hướng nhập khẩu thép từ các thị trường nước ngoài sẽ tiếp tục trong bao lâu là chưa rõ.

Các nhà sản xuất thép lớn của Nhật Bản như Nippon Steel nhiều khả năng sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn nếu doanh nghiệp thép Trung Quốc tiếp tục mở rộng ở Đông Nam Á. Riêng Nippon Steel dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào các cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á. Hiện tại, hãng này đang có cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nam-2020-nhap-khau-thep-cua-trung-quoc-nhay-vot-150-doanh-nghiep-thep-chau-a-vui-mung-20210302151417421.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/