Mỹ và đồng minh nỗ lực cô lập Nga lẫn Trung Quốc, nhưng kết quả chưa tới đâu?

Trong khi Mỹ và các đồng minh đã trừng phạt Nga sau cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine, một nửa số quốc gia trong nhóm G20 đã không sát cánh cùng họ.

Sự sứt mẻ đáng quan ngại

Khi các nhà lãnh đạo của nhóm G7 tề tựu về dãy Bavarian (Đức) vào tháng 6 năm nay, họ cam kết sẽ sát cánh lâu dài cùng Ukraine. Tuy nhiên, các đối tác của họ trong nhóm G20 lại đang tỏ vẻ ít quan tâm, ủng hộ hơn.

Là tập hợp của các quốc gia chiếm đến 85% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, G20 được cho là phản ánh thế giới chi tiết hơn. Song, chỉ một nửa thành viên của nhóm tham gia vào các lệnh trừng phạt Nga sau cuộc tấn công của nước này vào Ukraine.

Giới chức cấp cao của G7 đã công du khắp thế giới để thuyết phục đồng minh siết chặt cấm vận đối với Nga. Họ đã được dịp sững sờ trước sự thiếu hợp tác từ các nước G20, ngay cả khi một số thành viên cũng không hề giúp Moscow tránh né trừng phạt.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham gia một cuộc họp trực tuyến cùng nhà lãnh đạo của nhóm G7 hồi tháng 6 năm nay. (Ảnh: Getty Images).

Bloomberg cho rằng đó là một thực tế khó chịu đối với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến công du kéo dài tới Đông Nam Á và châu Phi. Phần lớn thế giới vẫn chưa sẵn lòng “nối gót” Mỹ và châu Âu cô lập nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin.

Sự thiếu khắng khít của G20 khiến việc đạt thoả thuận cho các sáng kiến như áp trần giá dầu thô của Nga trở nên rất thách thức, mặt khác lại khuyến khích ông Putin và người ủng hộ quan trọng là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo đuổi các chương trình nghị sự của họ.

Trung Quốc là yếu tố đáng lưu tâm nhất. Ông Tập đã bắt tay ông Putin và tuyên bố tình bạn “không giới hạn” chỉ vài tuần trước khi Nga động binh với Ukraine. Kể từ khi chiến sự nổ ra, Trung Quốc đã tăng cường gom dầu của Nga. So với một năm trước, nhập khẩu dầu thô Nga của Trung Quốc đã tăng 72%.

Mặt khác, Bắc Kinh đang trong thế cạnh tranh với Washington. Căng thẳng leo thang trong tuần này sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Bắc Kinh cũng mâu thuẫn với G7, sau khi khối này đưa ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về các “động thái mang tính đe doạ của Trung Quốc” gần Đài Loan.

Cuộc gặp trực tiếp đã được lên kế hoạch giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và người đồng cấp Nhật Bản - một thành viên G7, trong tuần này tại Campuchia đã bị Bắc Kinh hoãn lại.

Sau đó, Tokyo cho biết một số tên lửa do Trung Quốc bắn trong cuộc tập trận gần Đài Loan đã hạ cánh trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản - lần đầu tiên trong lịch sử. Phía Tokyo cực lực phản đối hành động của Bắc Kinh.

 

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất từ chối yêu cầu của phương Tây về việc kiềm chế Điện Kremlin. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã trò chuyện cùng ông Putin hồi đầu tháng 7 và thảo luận về các hướng phát triển thương mại song phương.

Ông Luiz Inacio Lula da Silva - người đang dẫn đầu trong cuộc đua tổng thống của Brazil, cho rằng chiến sự nổ ra không chỉ liên quan tới Nga mà còn có phần trách nhiệm của Ukraine.

Tại Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã chỉ trích các lệnh trừng phạt do Mỹ khởi xướng. Thổ Nhĩ Kỳ thì kết luận rằng làn sóng trừng phạt sẽ gây phương hại đến lợi ích kinh tế và chính trị của Ankara.

Kinh tế chỉ là một lý do giải thích cho sự dè dặt của các nước ở Nam bán cầu (khu vực thường được gọi là Global South). Bloomberg nói còn một số nguyên nhân khác, như mối quan hệ lịch sử giữa các nước này và Moscow, lo ngại về dấu hiệu tách rời của Mỹ và sự thiếu tin tưởng vào các cường quốc thuộc địa cũ.

Vài tuần trước khi Moscow động binh với Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố tình bạn "không giới hạn" với Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty Images).

Phô diễn quyền lực mềm

Một cuộc cạnh tranh để phô diễn quyền lực mềm đã diễn ra tại châu Phi vào tháng trước, khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov giành được lời khen ngợi cho công nghệ điện hạt nhân của Moscow.

Ông Lavrov đã tận dụng cơ hội để nhấn mạnh sự ủng hộ của Nga đối với các phong trào giải phóng châu Phi trong quá khứ, đồng thời lập luận rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân gây mất an ninh lương thực trong khu vực, chứ không phải do Điện Kremlin phong toả các cảng ngũ cốc của Ukraine.

Moscow đã khuếch đại thông điệp đó bằng một loạt phương tiện truyền thông. Trong chuyến công du châu Phi của riêng mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tố cáo Nga đã tiến hành “một loại chiến tranh thế giới kiểu mới” trên lục địa này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đi dạo cùng Phó Thủ tướng Ethiopia Demeke Mekonnen vào cuối tháng 7. (Ảnh: Getty Images). 

Trung Quốc cũng sử dụng một chiến lược tương tự Nga ở châu Phi. Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi tổ chức tại chính châu lục này, ông Tập luôn tham dự và gặp gỡ trực tiếp với hầu như từng nguyên thủ quốc gia.

Khi diễn đàn trên diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ trải thảm đỏ chào mừng. New Guinea Xích đạo nhỏ bé được đối xử ngang hàng với Nigeria - điều gần như luôn vắng bóng tại Mỹ.

Trung Quốc biết rằng mỗi quốc gia châu Phi đều có một phiếu bầu tại Liên Hợp Quốc và các cơ quan con. Cho nên, nỗ lực kết giao của Bắc Kinh sẽ được đền đáp về mặt ngoại giao.

Đầu năm nay, Mỹ đã đệ trình lên Hội đồng Nhân quyền một lá thư chỉ trích Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Có 47 chữ ký trên thư, hầu hết là các đồng minh châu Âu của Mỹ.

Cuba đã đáp lại bằng một tuyên bố thay mặt Trung Quốc. Thông điệp của Cuba nhận được sự ủng hộ của 62 quốc gia, chủ yếu là các nước ở nam bán cầu, Bloomberg cho hay.

Quyết định công du từ châu Á đến Nam Phi của Ngoại trưởng Mỹ trong tháng 8 này dường như là một nỗ lực nhằm thay đổi quan điểm của các nước với cả Trung Quốc lẫn Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết vào tháng 12 tới, ông sẽ chào đón các nhà lãnh đạo châu Phi tới Washington để tham dự một hội nghị thượng đỉnh, với mục tiêu “xây dựng các giá trị chung cho mối quan hệ hợp tác kinh tế mới”.

 

Tuy nhiên, bà Maria Repnikova - phó giáo sư về truyền thông tại Đại học bang Georgia, cho rằng chiến lược sử dụng quyền lực mềm của Trung Quốc thường gây được tiếng vang lớn ở nam bán cầu hơn là chiến lược tập trung vào các giá trị của Mỹ.

Các chính sách của Trung Quốc thường tập trung vào giáo dục và việc làm, đồng thời thể hiện những tiến bộ công nghệ và thành công trong việc xoá đói giảm nghèo, bà Repnikova lý giải.

Trong khi đó, vị phó giáo sư nói Moscow đang sử dụng “các cách khác nhau để kêu gọi và tuyên truyền cho khu vực nam bán cầu”. Theo bà, hiệu ứng chính sách của Moscow thấp hơn Bắc Kinh, nhưng vẫn đang mang lại hiệu quả tương đối.

Cách tiếp cận như trên không chỉ áp dụng cho châu Phi mà còn cho châu Á và Mỹ Latin, những nơi Nga đã mạnh tay cung ứng vắc xin ngừa COVID còn Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vốn.

Tại Indonesia - nước chủ tịch G20 năm nay, Tổng thống Joko Widodo đã đề cập đến chính sách không liên kết của Jakarta khi phương Tây gây áp lực buộc họ phải loại ông Putin khỏi hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới. Ông Widodo đã mời cả Tổng thống Nga và Ukraine đến Bali.

Trong khi nhà lãnh đạo Indonesia đến Moscow và Kiev, Quỹ Con đường Tơ lụa của Trung Quốc đã ký một thoả thuận rót tới 3 tỷ USD vào quỹ tài sản quốc gia mới của Indonesia - một khoản đầu tư rất lớn trong thời gian gần đây.

Đối với phó giáo sư Repnikova, các sự kiện vừa qua cho thấy cuộc cạnh tranh để giành ảnh hưởng toàn cầu giữa phương Tây và Nga - Trung đang trở nên gay gắt hơn như thế nào. Các nước nhỏ sẽ khó điều chỉnh thái độ và lập trường hơn, trừ khi họ được lợi lớn về mặt nào đó, bà kết luận.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-va-dong-minh-no-luc-co-lap-nga-lan-trung-quoc-nhung-ket-qua-chua-toi-dau-202287174113120.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/