Mỹ, Australia, Nhật Bản hợp tác thoát khỏi sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm

Lynas, công ty sản xuất đất hiếm lớn duy nhất bên ngoài Trung Quốc, đã kí kết hợp đồng với hãng Blue Line (Texas, Mỹ) nhằm chuẩn bị cho việc mở nhà máy chiết tách đất hiếm tại Mỹ để chống lại sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường.

1

Mỏ đất hiếm của Lynas tại Mount Weld, Tây Australia. Trên thực tế, nhóm hoáng sản này không hiếm như quảng cáo, nhưng Trung Quốc gần như độc quyền trong việc chế biến và tinh chế chúng. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Cái bắt tay giữa công ty sản xuất đất hiếm Australia, Mỹ và Nhật Bản

Lynas, nhà sản xuất đất hiếm của Australia, đã "chiêu mộ" được một đối tác Mỹ để giúp giảm sự thống trị của Trung Quốc trong hoạt động cung ứng đất hiếm, loại vật liệu quan trọng dùng cho sản xuất điện thoại thông minh, tên lửa, pin xe điện và một danh sách dài nhiều sản phẩm công nghệ khác.

Lynas, công ty sản xuất đất hiếm lớn duy nhất bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, đã kí hợp đồng với công ty Blue Line (có trụ sở tại Texas, Mỹ) để xây dựng một cơ sở chiết tách đất hiếm ở Mỹ. Nhà máy có thể đi vào hoạt động từ năm 2021.

"Trên thực tế, các nhà máy chiết tách đất hiếm loại nặng duy nhất trên thế giới đang ở Trung Quốc", CEO Amanda Lacaze của Lynas cho hay trong bài phỏng vấn với Nikkei Asian Review

"Tuy nhiên, đất hiếm loại nặng lại rất quan trọng".

Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh hợp tác với Lynas, từ đó, tạo ra một liên minh gồm ba nước trong ngành gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Washington tìm mọi cách để ngăn chặn "chiêu bài" của Trung Quốc

Trung Quốc đã sử dụng lợi thế đất hiếm như một vũ khí trong các cuộc tranh chấp thương mại trước đây và phát đi tín hiệu rằng nước này có thể tiếp tục làm như thế trong cuộc chiến hiện tại với Mỹ.

Đất hiếm, một nhóm gồm 17 nguyên tố quan trọng, thực tế không phải quá hiếm. Nhóm vật liệu này được phát hiện tại nhiều khu vực trên thế giới chứ không chỉ ở Trung Quốc, chẳng hạn như Australia và Brazil.

Theo Nikkei Asian Review, hoạt động khai thác đất hiếm không gây ra vấn đề lớn, tuy nhiên quá trình xử lí để thu được đấ hiếm tinh khiến không hề dễ dàng.

Doanh nghiệp Trung Quốc đang chiếm khoảng 85% hoạt động sản xuất các nguyên tố đất hiếm có độ tinh khiết cao trên toàn cầu, trong khi đó Lynas nắm giữ khoảng 15% còn lại.

Trong khi các công ty Trung Quốc thực hiện cả quá trình khai thác và sản xuất trong nước, Lynas lại khai thác đất hiếm ở Australia nhưng chế biến chúng tại Malaysia bởi lo ngại về chất thải phóng xạ do quá trình chế biến gây ra.

Tháng 5, Lynas đã quyết định thay đổi qui trình trên và "bắt tay" với Blue Line để xây dựng nhà máy chiết tách tại Mỹ.

Không giống nhà máy tại Malaysia, cơ sở ở Texas sẽ có thể phân tách dysprosium, một nguyên tố quan trọng trong sản xuất pin xe điện.

Dysprosium đặc biệt khó phân tách và hoạt động sản xuất loại nguyên tố này cho đến nay chủ yếu diễn ra ở Trung Quốc. Quyết định xây dựng cơ sở phân tách của Lynas tại Mỹ sẽ thay đổi sân chơi toàn cầu.

Khả năng Trung Quốc chặn việc cung ứng đất hiếm cho Mỹ đã khiến Tổng thống Donald Trump và chính quyền phải cố gắng để mở rộng hợp tác sản xuất đất hiếm với Australia.

Australia là một trong những quốc gia đầu tiên nối gót Mỹ cấm Huawei cung cấp thiết bị mạng 5G do lo ngại về an ninh.

Trung Quốc từng cố gắng mua lại Lynas. 

Năm 2009, công ty Nonferrous Metal Mining thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc đã tìm cách mua phần lớn cổ phần của Lynas, tuy nhiên chính phủ Australia đã ngăn chặn hành động này.

Sự hợp tác từ Nhật Bản

Theo Nikkei Asia Review, Lynas cũng đã tăng cường quan hệ hợp tác với Nhật Bản. 

Năm 2010, nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc cho Nhật Bản đã bị đình trệ sau tranh chấp về quần đảo Senkaku (thuộc tỉnh Okinawa).

Khi thiếu nguồn cung nhóm khoáng chất quan trọng này, Nhật Bản đã chuyển sang hợp tác cùng Lynas. 

Năm 2011, công ty mậu dịch Sojitz và Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Nhật Bản đã rót 250 triệu USD để giúp Lynas tăng cường sản xuất.

Lynas hiện cung cấp 30% đất hiếm cho Nhật Bản và quốc gia Đông Á đã trở thành khách hàng lớn nhất của Lynas.

Tính đến cuối tháng 6/2018, Lynas đã đạt doanh số khoảng 260 triệu USD nhờ đất hiếm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-australia-nhat-ban-hop-tac-thoat-khoi-su-thong-tri-cua-trung-quoc-tren-thi-truong-dat-hiem-20190730115908214.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/