Muốn tiết kiệm và đầu tư theo cách tự do nhất, đâu là phương pháp chuẩn?

Theo chuyên gia tài chính, đối với nhiều người việc đặt và hoàn thành các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn là rất ý nghĩa, đặc biệt là với những người trẻ tuổi.

Thành thật mà nói ai cũng biết tiết kiệm và đầu tư là cần thiết, tuy nhiên, các nỗ lực để tiết kiệm và đầu tư khiến tiền đẻ ra tiền thường khiến bạn cảm thấy như một việc ép buộc, áp lực và vì vậy mà cố “lờ” đi.

Theo CNNnỗ lực tiết kiệm và đầu tư đều trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều khi bạn nghĩ về chúng với quan điểm mới mẻ - không chỉ đơn thuần là rải tiền của bạn vào các danh mục đầu tư khác nhau, chẳng hạn như cổ phiếu và trái phiếu, để sẵn sàng cho một tương lai dường như xa vời và không có gì đảm bảo.

Vì sao tiết kiệm, đầu tư lại cần thiết?

Bà Christine Benz, Giám đốc tài chính cá nhân và nhà lập kế hoạch nghỉ hưu của công ty tư vấn tài chính Morningstar, cho biết: “Chúng ta bị ám ảnh bởi việc phân bổ đầu tư nhưng thực chất lại không dành nhiều thời gian để suy nghĩ về các khoản phân bổ khác”.

Bà Benz khuyến khích mọi người tập trung vào cái mà bà gọi là phân bổ “thời gian còn lại” của bạn. Nghĩa là, hãy nghĩ xem điều gì là quan trọng đối với bạn và điều bạn thực sự muốn dành nhiều thời gian hơn để làm – không chỉ khi nghỉ hưu mà cả ngay trong hôm nay và trong tương lai gần. Có thể là bạn muốn đi du lịch để ở bên cha mẹ đã cao tuổi của mình thường xuyên hơn, hoặc bạn muốn tạm nghỉ việc vài năm để ở nhà với con cái, thậm chí bỏ việc lương cao nhưng quá áp lực để chuyển sang công việc lương thấp nhưng nhàn hạ, thoải mái hơn,…

Bạn có thể tiết kiệm, đầu tư, chi tiêu và cân bằng cuộc sống cùng lúc mà không cần quá áp lực. (Nguồn: Getty Image) 

“Đạt được các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn là rất ý nghĩa. Đối với nhiều người [tiết kiệm để mua] căn nhà đầu tiên là chất xúc tác giúp họ ổn định cuộc sống tài chính. Bạn cần phải thấy một sự đền đáp cho những nỗ lực [tiết kiệm và đầu tư] của mình", bà nói.

Chuyên gia này cho rằng điều đó đặc biệt quan trọng đối với những người trẻ tuổi: “Những người ở độ tuổi 20 và 30 không giống với họ ở tuổi 65 tuổi. Điều quan trọng là phải làm rõ các lối thoát ngắn hạn hơn”.

Kế hoạch tiết kiệm và đầu tư phải đáp ứng mục tiêu “thời gian còn lại”

Mục tiêu là dành nhiều thời gian hơn cho những việc quan trọng hơn đối với bạn. Thiết lập tài chính của bạn để hỗ trợ mục tiêu đó có thể biến việc tiết kiệm và đầu tư từ việc thực hiện nghĩa vụ (một cách bó buộc và vất vả) sang tạo quỹ tự do tài chính. Dưới đây là 3 cách để bắt đầu:

1. Tìm hiểu xem bạn đang phân bổ thu nhập giữa chi tiêu và đầu tư như thế nào

“Bạn đang triển khai dòng thu nhập của mình như thế nào? Bạn có đang đưa ra những quyết định thông minh để triển khai số vốn đó vào các cơ hội đầu tư của mình không?”, Benz nói. Chẳng hạn, chuyên gia này gợi ý hãy cân nhắc liệu việc trả trước khoản vay trả góp hiện tại của bạn có hợp lý về mặt tài chính hay không.

Trong nhiều trường hợp, chọn trả góp với lãi suất thấp và dùng tiền bạn có đầu tư để nhận lãi suất cao hơn có thể giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều tiền.

2. Xem xét sự đánh đổi

“Chúng ta thường đưa ra rất nhiều quyết định đánh đổi thời gian và tiền bạc”, Benz nói. Đó có thể là quyết định thuê một người giúp việc thay vì tự mình làm mọi thứ - khiến bạn tốn tiền hơn nhưng lại đồng thời có thời gian nghỉ ngơi vào cuối tuần, ở bên gia đình và bạn bè. Đương nhiên, bạn cũng có thể làm ngược lại nếu sẵn sàng tiết kiệm hơn nữa và tự dọn dẹp, nấu ăn.

Đôi khi, việc đánh đổi giữa thời gian và tiền bạc, giữa tiết kiệm và đầu tư cũng có thể bao gồm cả những quyết định tốn kém hơn, chẳng hạn như quyết định xem có nên mua một ngôi nhà lớn hơn với nhiều chi phí bảo trì hay một ngôi nhà nhỏ hơn? Bạn có cần sống trong một ngôi nhà lớn như vậy hay một ngôi nhà nhỏ hơn gần đó sẽ phù hợp với gia đình?

Công việc được trả lương cao của bạn có khiến bạn có ít thời gian cho việc gì khác không? Nếu không, có những cơ hội nào khác vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của bạn mà không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng cân bằng cuộc sống của bạn – hãy nghĩ kỹ.

3. Hãy tìm cách để cắt giảm chi tiêu ngay lập tức

Hầu hết chúng ta đều không muốn lập ngân sách cân bằng giữa tiết kiệm, chi tiêu, đầu tư vì cảm thấy khá phiền. Tuy nhiên, nếu nỗ lực đó giúp bạn giải phóng tiền mặt bằng cách kiềm chế chi tiêu hiện tại vào những thứ không thực sự khiến bạn hài lòng thì kế hoạch cân đối lại chi tiêu – tiết kiệm – đầu tư vẫn rất đáng để thử.

“Xác định việc cắt giảm chi tiêu là cách tốt nhất đối với hầu hết mọi người”, Benz nói. “Vì nó có thể hỗ trợ quyết định của bạn chuyển sang một công việc được trả lương thấp hơn hoặc nghỉ hưu sớm hơn” (nếu cần).

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/muon-tiet-kiem-va-dau-tu-theo-cach-tu-do-nhat-dau-la-phuong-phap-chuan-2022122418610656.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/