'Mua trước - trả sau' trở thành lực đẩy cho cuộc đua của các fintech mới tại Việt Nam

Khi các công ty tiên phong trong mảng mua trước, trả sau (BNPL) gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, mô hình này lại tạo ra lực đẩy cho một “cuộc chiến” fintech mới tại Việt Nam. Tại một thị trường với tỷ lệ sử dụng và sở hữu thẻ tín dụng thấp, mua trước, trả sau là một mô hình có nhiều tiềm năng.

Thị trường Việt Nam không chỉ thu hút các công ty BNPL nước ngoài như Atome hay Kredivo mà còn có sự tham gia của các công ty địa phương như Fundiin hay Ree-Pay.

Các công ty công nghệ như MoMo hay Tiki cũng nhảy vào mảng BNPL. ZaloPay cũng được cho là sẽ sớm công bố hợp tác với CIMB (Malaysia) để triển khai dịch vụ BNPL ở Việt Nam vào tháng tới.

Tỷ lệ sở hữu thẻ tín dụng tại Châu Á Thái Bình Dương năm 2021. (Nguồn: Statista, Đồ hoạ: Thái Sơn). 

Các công ty đều nhìn nhận BNPL có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam, thị trường nơi chỉ có khoảng 4% dân số có thẻ tín dụng.

Dù vậy, tiềm năng này không thể tránh khỏi được các rủi ro. Vì BNPL vẫn đang trong giai đoạn “sơ khai” ở Việt Nam, vấn đề quản lý đôi khi còn chưa đầy đủ. Trong khi đó, dữ liệu khách hàng và nhận thức về BNPL của khách hàng cũng chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng đương nhiên cũng không ngồi yên.

Một thị trường màu mỡ chưa được khai phá

Độ tuổi trung bình tại Việt Nam hiện tại là 32 với nhóm Gen Z được kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động vào năm 2025.

HSBC Việt Nam đang nhắm đến đối tượng này với sản phẩm LiveFree mà họ gọi là một trong những thẻ tín dụng dành cho BNPL đầu tiên tại Việt Nam. Ra mắt vào tháng 4, thẻ tín dụng  này nhắm đến người dùng Việt Nam từ 23 đến 30 tuổi và miễn phí thường niên trọn đời.

“Với tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng thấp và nhu cầu tiêu dùng cao, Viẹt Nam là một thị trường tiềm năng cho BNPL”, Huy Pham, một chuyên gia fintech tại Đại học RMIT, nhận định. “Phần lớn dân số chưa tiếp cận được hoặc tiếp cận một cách hạn chế với tín dụng ngân hàng hay các công ty tài chính tiêu dùng, trong khi đó các mô hình cầm đồ thường có lãi suất cao và dịch vụ khách hàng tệ”, ông nói thêm.

BNPL được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam trong ngắn hạn. (Nguồn: Tech in Asia, Statista, Đồ hoạ: Thái Sơn). 

Đầu năm nay, Research and Markets ước tính tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) ở mảng BNPL ở Việt Nam có thể đạt 10,5 tỷ USD vào năm 2028. Đồng thời, trang này nhấn mạnh việc đón nhận dịch vụ BNPL ở Việt Nam đã bắt đầu tăng mạnh trogn 4 – 8 quý vừa qua.

Thực tế này thu hút sự chú ý của các công ty nước ngoai. Tháng 8/2021, Kredivo (Indonesia), một trong những công ty BNPL lớn nhất Đông Nam Á, tuyên bố mở rộng sang Việt Nam (thị trường nước ngoài đầu tiên của nó), thông qua hợp tác với Phoenix Holdings.

Indina Andamari, giám đốc Kredivo Việt Nam, gọi người tiêu dùng Việt Nam là “những người vô hình về tín dụng” khi cho rằng họ chưa được hệ thống tài chính truyền thống phục vụ.

“Chứng tôi cho rằng không phải tất cả những “người vô hình về tín dụng” đều có độ tín nhiệm không cao và có sức mua kém”, Andamari nói với Tech in Asia. “Thách thức lớn nhất của chúng tôi lúc này là giáo dục thị trường do khái niệm BNPL còn rất mới với đối tượng người dùng mục tiêu của chúng tôi”, ông nói.

Mảnh ghép còn thiếu?

“Tôi không tin BNPL là thứ hạ tầng tài chính Việt Nam còn thiếu”, Dragon Bozic, sáng lập và CEO Ree-Pay, một công ty BNPL tại TP.HCM, nói.

Bozic bắt đầu sáng lập công ty của mình vào năm 2020 sau một thời gian ngắn làm việc tại một công ty BNPL Việt Nam có tên WowMelo. Ông cho biết Ree-Pay đã đưa lên nền tảng của mình khoảng 50 đối tác bán hàng và 10 cổng thanh toán. Startup nhắm đến đối tượng người Việt Nam đã đi làm trong độ tuổi từ 18 đến 35 và có thu nhập khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Họ là những người không tiếp cận được với thẻ tín dụng hoặc chưa trải qua sự rắc rối của việc phát hành rẻ.

Khác với các đối thủ khác khi thường quảng cáo dịch vụ của mình miễn phí đối với khách hàng, Ree-Pay thu phí (3% đối với khách hàng và 2% với nhà bán hàng) vì Bozic cho rằng startup nên có “hiệu suất tính trên đầu đơn vị dương”. BNPL nên được xem như “một cách tiếp cận tín dụng nhanh cho các khoản mua sắm nhỏ” thay vì là các khoản vay dài hạn, rủi ro cao, ông nói thme.

Ví dụ, Ree-Pay hợp tác với Maison Online để chi phép người dùng vay nhanh tới 10 triệu cho việc mua sắm các món đồ thời trang của thương hiệu này. Khách hàng sau đó trả tiền lại mỗi 2 tuần mà không tính lãi.

Dù vậy, trên phạm vi toàn cầu, sự hứng khởi dành co BNPL đang dần phai nhạt, ngay cả ở các thị trường phát triển trong bối cảnh kinh tế đi xuống. Lúc này, các công ty BNPL đang phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng, sức mua giảm và lãi suất cao.

Nguyễn Ảnh Cường, CEO và đồng sáng lập Fundiin, đã học được nhiều bài học quý ở mảng tài chính tiêu dùng. Trước Fundiin, anh sáng lập Lendiz, cho phép người dùng thanh toán trả góp khi mua xe máy.

Lendiz thất bại do tỷ lệ nợ xấu quá cao và công ty không thể điều chỉnh mô hình kinh doanh đủ nhanh. Dù vậy, anh Cường tin rằng BNPL có thể giúp Fundiin có tính linh hoạt cao hơn nhờ thời hạn của các khoản vay ngắn hơn. Các khoản vay BNPL thường kéo dài 3 – 6 tháng trong khi đó các khoản vay mua xe máy có thể kéo dài từ 12 – 18 tháng.

Fundiin cho phép người dùng thanh toán trả góp hàng tháng trong 3 tháng hoặc trong 30 ngày mà không mất lãi hoặc phí. Fundiin nói đã có mạng lưới khoảng 300 đối tác bán hàng cùng với đó là 4.000 cửa hàng vật lý.

Anh Ảnh Cường nói rằng khác các thị trường như Úc hay Singapore, nơi các công ty BNPL có thể tự động trừ tiền từ thẻ tín dụng của người dùng, rủi ro ở Việt Nam cao hơn do “người dùng cần chủ động thực hiện thanh toán”.

Dù vậy, Fundiin khẳng định không muốn thu lợi từ phí phạt trả chậm của người dùng. Hiện tại, khoản phí này chiếm dưới 5% doanh thu của nó. Để giúp người dùng không rơi vào bẫy nợ nần, Fundiin chặn trần cho vay 10 triệu đồng. Nếu người dùng không trả nợ đúng hạn, tài khoản tạm thời sẽ bị khoá.

Cạnh tranh ngày càng tăng mạnh

Các startup, công ty công nghệ và ngân hàng không phải những cái tên duy nhất muốn tận dụng cơ hội từ BNPL ở Việt Nam. Các công ty tài chính tiêu dùng như FE Credit hay HomeCredit cũng đang đẩy mạnh sản phẩm này.

Năm 2021, FE Credit hợp tác với ViettelPay để ra mắt Paynow, một ví điện tử có chức năng BNPL, trong khi đó HomeCredit chọn Tiki để ra mắt sản phẩm Home PayLater.

Tech in Asia nói rằng vấn đề nằm ở việc Việt Nam chưa có một khung pháp lý rõ ràng cho BNPL, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

“Ở dịch vụ BNPL, hoạt động chính là cho vay, vốn thường bị giới hạn chặt chẽ đối với các pháp nhân không phải là ngân hàng, bao gồm cả các đơn vị sở hữu nền tảng”, Bui Ngoc Hong từ công ty luật LNT & Partners nói. Vị luật sư này cho biết các công ty BNPL ở Việt Nam vẫn hoạt động theo nhiều cấu trúc khác nhau, phổ biến nhất là hợp tác với một nhà băng có giấy phép.

Giữ một cách tiếp cận thận trọng đối với việc điều hành BNPL và các mô hình fintech khác là hợp lý tại Việt Nam, nơi hoạt động cho vay ngang hàng vẫn đầy rẫy các hoạt động lừa đảo.

“Các công ty BNPL xây dựng được lòng tin và hoạt động có tính đạo đức sẽ nổi bật trên thị trường”, Binh Tran, đối tác tại Ascend Vietnam Ventures, nói. “Để tận dụng được lợi ích bễn vững với công nghệ này, thị trường tiêu dùng mới nổi cần được hiểu cách phân biệt công BNPL tốt và xấu”, ông nói.

Ông Bozic của Ree-Pay tin rằng ở Việt Nam, “các công ty BNPL cần vận hành dựa trên một bảng cân đối kế toán của ngân hàng và cần được cấp phép”.

Công ty của ông sẽ sớm công bố một hợp tác 5 năm với một ngân hàng truyền thống. “Các để bạn kiếm tiền với BNPL là bán thêm các sản phẩm ngân hàng lõi. Với chúng tôi, BNPL chỉ là điểm khởi đầu”, ông tự tin chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mua-truoc-tra-sau-tro-thanh-luc-day-cho-cuoc-dua-cua-cac-fintech-moi-tai-viet-nam-20221130223137108.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/