Một DN lên tiếng 'bác' đề xuất thay đổi hướng tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ

Đề xuất thay đổi hướng tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ là không thỏa đáng. Đây là nhận định của Công ty TNHH Quan trắc tự động hóa và Phát triển công nghệ sinh học Tiền Giang về đề xuất của UBND TP HCM liên quan đến việc thay đổi lộ trình tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ.

Một DN lên tiếng bác đề xuất thay đổi hướng tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Công ty TNHH Quan trắc tự động hóa và Phát triển công nghệ sinh học Tiền Giang cho rằng đề xuất thay đổi lộ trình tuyến đường sắt cao tốc TPHCM - Cần Thơ theo hướng song hành với đường bộ cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, nằm ở hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu của UBND TP HCM không thỏa đáng vì những lý do sau:

Thứ nhất, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích các tỉnh, thành là 40.548,2 km2 và tổng dân số trên 18 triệu (hơn 19% dân số cả nước), phục vụ nhu cầu lương thực cho cả nước và xuất khẩu. Trong khi tất cả các vùng miền khác đều có đường sắt đi qua nhưng đến nay ĐBSCL chưa có đường sắt nào và chỉ có 1/3 của đoạn Quốc lộ 1A là cao tốc Chợ Đệm - Trung Lương sau gần 45 năm giải phóng.

Do đó, công ty này cho biết, không nên vì lý do tiết kiệm 17.000 tỉ đồng mà gây ra nhiều thiệt hại và giảm đáng kể mục tiêu phục vụ nhu cầu chính đáng của đa số người dân.

Thứ hai, soi chiếu với các thành phố lớn của Úc, các nhà ga đều đặt ở các trung tâm dân cư và trung tâm thành phố để thực sự phát huy lợi thế to lớn của giao thông công cộng đường sắt vì là phương tiện tốt nhất phục vụ nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân, không gây ô nhiễm bụi khói, tiết kiệm thời gian và sức khỏe cho người sử dụng…

Thứ ba, hiện mặt bằng dân trí và phát triển của vùng ĐBSCL chưa cao nên cần nhiều chính sách, chiến lược phát triển làm đòn bẩy. Các nhà ga của hệ thống đường sắt và metro này khi bám sát các khu dân cư hiện hữu sẽ thúc đẩy các thành phố, khu dân cư liền kề nhanh chóng phát triển và trở thành các địa điểm mua bán, sinh hoạt sầm uất khi người dân tiết kiệm được đáng kể thời gian, tiền bạc và làm cho chất lượng cuộc sống tăng cao.

Lý do thứ tư, việc thay đổi thiết kế khi đặt các nhà ga ra vùng ngoại vi các trung tâm dân cư và thành phố là đi ngược lại nguyên tắc đầu tiên và cơ bản của dự án là phục vụ tối đa sự tiện ích, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người sử dụng và mục tiêu chiến lược phát triển của vùng cũng như sử dụng hiệu quả tài nguyên đất trong chiến lược phát triển lâu dài của địa phương.

Cuối cùng, để thúc đẩy phát triển của vùng ĐBSCL đi đúng hướng Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn việc sử dụng chính sách, chiến lược phát triển làm đòn bẩy và không nên để cho tư nhân tự đầu tư.

Về những góp ý trên, Bộ GTVT cho biết, Bộ cũng nhận thấy một số nội dung cần làm rõ như sự cần thiết phải điều chỉnh, dự kiến phân bổ nhu cầu vận tải trên hành lang TPHCM – Cần Thơ làm cơ sở đánh giá sự phù hợp của phương án tuyến mới; khả năng kết nối với các phương thức vận tải khác bảo đảm đồng bộ; đánh giá những ưu, nhược điểm của phương án tuyến mới so với phương án theo quy hoạch được duyệt…

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng ghi nhận ý kiến của Công ty TNHH Quan trắc tự động hóa và Phát triển công nghệ sinh học Tiền Giang cũng như ý kiến của UBND TPHCM đối với việc điều chỉnh hướng tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ. Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu, lập điều chỉnh quy hoạch có liên quan trong thời gian sắp tới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát cụ thể ý kiến của Công ty nhằm phát huy hiệu quả dự án.

Trước đó, tháng 9/2018, UBND TP HCM đã có kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ nhằm rút ngắn và tránh được nhiều khu dân cư.

Theo đó, UBND TP HCM đề xuất tuyến đường sắt cao tốc sẽ song hành với đường bộ cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu. Bắt đầu từ ga đầu Tân Kiên (TP.HCM), tuyến đi qua các ga thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và ga cuối là ga Cái Răng (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Theo phương án được BộGTVT phê duyệt năm 2013, tuyến có điểm đầu tại ga lập tàu hàng An Bình (tỉnh Bình Dương và điểm cuối là ga Cái Răng (TP Cần Thơ).

Việc điều chỉnh hướng tuyến mới theo UBND TP HCM sẽ giúp giảm khoảng 17.000 tỉ đồng chi phí xây dựng và thiết bị kèm theo.

Tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ có tổng mức đầu ước tính khoảng 5 tỷ USD, đi qua 5 tỉnh thành gồm TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Dự án sử dụng đường sắt đôi, khổ 1.435 mm - dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới.

Tốc độ thiết kế dưới 200 km/h cho tàu hàng và trên 200 km/h cho tàu khách. Như vậy, khi tuyến đường sắt cao tốc này hoàn thành, thời gian đi từ TP HCM đến Cần Thơ chỉ còn khoảng 45 phút.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mot-dn-len-tieng-bac-de-xuat-thay-doi-huong-tuyen-duong-sat-tp-hcm-can-tho-20190401164533728.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/