Một cổ phiếu thép hủy giao dịch UPCoM sau chuỗi giảm sâu

Trước đó, cổ đông Thép Đà Nẵng đã thông qua việc hủy giao dịch trên UPCoM do số cổ đông lớn tại chiếm đến 97,15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Trên thị trường, cổ phiếu DNS đã có chuỗi phiên tụt dốc sau nhiều ngày giao dịch tăng kịch trần.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có thông báo về việc hủy tư cách công ty đại chúng của CTCP Thép Đà Nẵng (Mã: DNS). Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ không giao dịch trên UPCoM.

Trước đó, từ 19/4 đến 7/5, cổ phiếu DNS đã có chuỗi ngày tăng giá sốc, leo từ dưới mệnh giá lên đến 56.640 đồng/cp với khối lượng đột biến, trong đó có đến 11 phiên tăng kịch trần. 

Ngày 13/5, Công ty TNHH Nhân Lạc, tổ chức có liên quan đến Chủ tịch Hội đông quản trị, lại mua vào 18.000 cp DNS để nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 0,08%. Sau đó không lâu, công ty này đã đăng ký bán hết số cổ phiếu đã mua. Giao dịch đã được hoàn tất trong ngày 27/5 - 28/5.

Kết phiên 11/6, giá DNS giảm còn 25.300 đồng/cp, chưa bằng một nửa mức đỉnh ghi nhận trong phiên 7/5.

Một cổ phiếu thép hủy giao dịch UPCoM sau chuỗi ngày tăng trần 11 phiên - Ảnh 1.

Diễn biến giá DNS trong hai tháng trở lại đây. (Nguồn: TradingView).

Trước đó tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 21/4, cổ đông đã thông qua việc Thép Đà Nẵng được hủy tư cách công ty đại chúng để phù hợp với quy mô hiện tại.

Thực tế, tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn tại Thép Đà Nẵng chiếm 97,15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, 158 cổ đông khác chỉ chiếm 2,85%, không đảm bảo điều kiện tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ.

Thép Đà Nẵng là công ty chuyên sản xuất, kinh doanh phôi thép, thép xây dựng các loại, tôn mạ màu, xà gồ,... nằm tại Khu Công nghiệp Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành, nhờ giá thép toàn cầu và nhu cầu tăng, Thép Đà Nẵng cũng khi nhận kết quả kinh doanh năm 2020 đầy tích cực với lãi sau thuế hơn 5 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lỗ gần 46 tỷ đồng.

Một cổ phiếu thép hủy giao dịch UPCoM sau chuỗi ngày tăng trần 11 phiên - Ảnh 2.

Nguồn: MH Tổng hợp từ báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này nhận định năm 2021 vẫn đầy khó khăn khi cung ngành thép lớn hơn cầu, công ty phải đối mặt tình trạng cạnh tranh khi nhiều nhà máy sản xuất phôi lớn đi vào hoạt động thương mại (Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy lò cao thép Pomina, Thép Tungho…).

Ngoài ra, việc Trung Quốc bắt đầu cho nhập khẩu phế liệu từ đầu năm nay có thể dẫn đến tình hình thị trường nhập khẩu phế liệu cạnh tranh hơn…

Bên cạnh đó, Thép Đà Nẵng còn phải đối mặt vấn đề hàng tồn kho quá lớn. Trên báo cáo tài chính quý I/2021, lượng hàng tồn kho lớn gấp 2,23 lần ngày đầu năm, chiếm gần 40% tổng tài sản. 

Điều này cho thấy doanh nghiệp có xu hướng đẩy mạnh hàng tồn kho để hưởng chênh lệch khi giá thép tăng. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề khi doanh nghiệp phải chịu thêm các chi phí liên quan đến hàng lưu kho,...

Do đó, ban giám đốc mới đặt mục tiêu cân bằng giữa sản xuất, tồn kho và tiêu thụ một cách hợp lý dựa trên diễn biến thị trường, nhằm giảm thiểu rủi ro biến động.

Thêm vào đó, vấn đề của Thép Đà Nẵng còn là việc nợ phải trả đã vượt quá vốn chủ sở hữu (vượt 52%), doanh nghiệp có xu hướng đi vay nhiều hơn, tăng 48% lên 151 tỷ đồng trong tổng 564 tỷ đồng nguồn vốn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mot-co-phieu-thep-huy-giao-dich-upcom-sau-chuoi-giam-sau-20210612120755184.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/