Mô hình IPA (Importance-performance analysis) là gì?

Mô hình IPA (tiếng Anh: Importance-performance analysis) là mô hình về mức độ quan trọng và thực hiện dịch vụ.

Mô hình IPA (Importance-performance analysis) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Theentrepreneurfund)

Mô hình IPA

Khái niệm

Mô hình IPA trong tiếng Anh gọi là: Importance-performance analysis.

Mô hình IPA do Martilla & James xây dựng vào năm 1977 về “Mức độ quan trọng và thực hiện dịch vụ”. Mô hình đo lường chất lượng dịch vụ dựa vào sự khác biệt giữa ý kiến khách hàng về mức độ quan trọng của các chỉ tiêu và mức độ thực hiện các chỉ tiêu của nhà cung ứng dịch vụ (I-P gaps).

Mô hình này phân loại những thuộc tính đo lường chất lượng dịch vụ, cung cấp cho nhà cung ứng dịch vụ những thông tin bổ ích về điểm mạnh, điểm yếu của những dịch vụ mà mình cung cấp cho khách hàng. Từ đó, nhà quản trị cung ứng dịch vụ sẽ có những quyết định chiến lược đúng đắn để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Sơ đồ IPA

Kết quả từ sự phân tích mức độ quan trọng và mức độ thực hiện được thể hiện lên sơ đồ IPA với trục tung (Y) thể hiện mức độ quan trọng và trục hoành (X) thể hiện mức độ thực hiện.

Mô hình IPA (Importance-performance analysis) là gì? - Ảnh 2.

Hình 1: Mô hình phân tích mức độ quan trọng và thực hiện dịch vụ IPA

- Phần tư thứ 1 (Tập trung phát triển): Những thuộc tính nằm ở phần tư này được xem là rất quan trọng đối với khách hàng, nhưng mức độ thực hiện của nhà cung ứng dịch vụ rất kém.

Kết quả này giúp cho nhà quản trị dịch vụ cung ứng chú ý những thuộc tính này, tập trung phát triển mức độ cung ứng dịch vụ nhằm thỏa mãn khách hàng.

- Phần tư thứ 2 (Tiếp tục duy trì): Những thuộc tính nằm ở phần tư này được xem là rất quan trọng đối với khách hàng và nhà cung ứng dịch vụ cũng đã có mức độ thể hiện rất tốt. Nhà quản trị cung ứng dịch vụ nên tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh này.

- Phần tư thứ 3 (Hạn chế phát triển): Những thuộc tính nằm ở phần tư này được xem là có mức độ thể hiện thấp và không quan trọng đối với khách hàng. Nhà quản trị cung ứng dịch vụ nên hạn chế nguồn lực phát triển những thuộc tính này.

- Phần tư thứ 4 (Giảm sự đầu tư): Những thuộc tính nằm ở phần tư này được xem là không quan trọng đối với khách hàng, nhưng mức độ thể hiện của nhà cung ứng rất tốt. Có thể xem sự đầu tư quá mức như hiện tại là vô ích. Nhà quản trị cung ứng dịch vụ nên sử dụng nguồn lực này tập trung phát triển những thuộc tính khác.

(Tài liệu tham khảo: Ứng dụng mô hình IPA nhằm phát triển sản phẩm cho vay mua ô tô tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Trà Vinh, ThS. Lê Trung Hiếu, ThS. Lê Thị Thanh Thúy, Tạp chí Công thương, 2020)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mo-hinh-ipa-importance-performance-analysis-la-gi-20200522153452741.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/