Miếng bánh viễn thông hấp dẫn thế nào mà khiến cả Masan cũng muốn nhập cuộc?

Trong suốt mùa dịch, cả ba doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng so với năm ngoái, cùng tiến vào những lĩnh vực mới.

Thị trường viễn thông Việt Nam

Mới đây, Công ty TNHH The Sherpa – một thành viên của CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN) đã công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của CTCP Mobicast (Mobicast/Reddi) với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỷ đồng, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông.

Theo Tổng cục thống kê, trong vài năm gần đây, Việt Nam là một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung.

Cuối năm 2005, Việt Nam có 15,8 triệu thuê bao điện thoại, bao gồm 8,7 triệu thuê bao điện thoại di động và 7,1 triệu thuê bao điện thoại cố định cùng 210.000 thuê bao internet thì đến cuối năm 2020, cả nước có 123,6 triệu thuê bao, tức tăng gần 8 lần.

Trong đó, mảng dịch vụ internet có nhiều tiềm năng khai thác nhất khi số thuê bao internet băng rộng cố định đạt mức 16,7 triệu vào cuối năm 2020, bình quân mỗi năm tăng 16,9%.

Hiện tại, Viettel, VinaPhone và MobiFone là ba nhà mạng hàng đầu tại Việt Nam. Trong năm 2020, bất chấp những ảnh của dịch bệnh, cả ba ông lớn viễn thông của Việt Nam đều góp mặt trong top 5 tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới.

Viettel, VinaPhone, MobiFone vững bước trong mùa dịch, tiến vào những 'sân chơi' mới trong ngành viễn thông - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp viễn thông đang thí điểm dịch vụ Mobile money. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Theo Brand Finance, Viettel đứng thứ 28 trên bảng xếp hạn, tăng 9 bậc so với năm 2019, giá trị thương hiệu đạt 5,8 tỷ USD, đứng số một tại Đông Nam Á và thứ 9 châu Á. Các công ty viễn thông khác của Việt Nam gồm có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) xếp hạng 55, tăng 17 bậc; Tổng công ty Viễn thông MobiFone hạng 100, tăng 6 bậc; hay như VNPT Vinaphone hạng 106, tăng 13 bậc so với năm trước đó.

Điều này trái ngược với xu thế của ngành viễn thông thời điểm đó, khi giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp đầu ngành giảm 11% do vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các ứng dụng nhắn tin, qua đó chứng tỏ tiềm năng phát triển của lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam.

Sang năm 2021, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Dù vậy, các đơn vị viễn thông vẫn cho thấy những nỗ lực để vượt qua khó khăn. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Viettel đạt 128.600 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 19.900 tỷ đồng; tăng lần lượt 6,8% và 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi ngày, tập đoàn có thể lãi trước thuế hơn 112,4 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất Tập đoàn VNPT lần lượt đạt 26.503 tỷ đồng và 3.686 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 5,1% và 3,1% so với cùng kỳ. Tương tự, doanh thu phát sinh công ty mẹ MobiFone đạt 15.551 tỷ đồng, tăng 23,6% so cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 2.038 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù ba ông lớn đang thống trị thị trường viễn thông tại Việt Nam song có thể thấy cơ hội cho các nhà mạng nhỏ chen chân vẫn còn rất lớn khi những mảng kinh doanh như Mobile money hay mạng di động ảo chưa thực sự được khai thác.

Bằng chứng là đã có rất nhiều đơn vị viễn thông nhỏ khác liên tục được thành lập trong những năm gần đây, đơn cử như Vietnamobile đã chuyển hướng đi vào thị trường ngách để trở thành "nhà mạng di động quốc dân" với những gói cước 4G rất rẻ.

Mobile money - thanh toán di động nhiều tiềm năng

Ngoài internet băng rộng, gần đây Mobile money (Thanh toán di động - NV) đã nổi lên như một lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng dành cho các nhà mạng tại Việt Nam.

Trên thế giới, Mobile money đã có mặt từ lâu. Tại Nhật Bản, khoảng 30% thuê bao di động sử dụng Mobile money thanh toán ngoài viễn thông. Với Trung Quốc, thanh toán điện tử được phát triển dựa trên sự phổ cập của mạng xã hội và thương mại điện tử.

Khác với ví điện tử, người dùng không cần phải có tài khoản ngân hàng để sử dụng Mobile money. Tháng 3/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm tiền di động (Mobile money) trong thời gian hai năm. Quyết định này bật đèn xanh để các nhà mạng có thể triển khai dịch vụ Mobile money của riêng mình.

Viettel, VinaPhone, MobiFone vững bước trong mùa dịch, tiến vào những 'sân chơi' mới trong ngành viễn thông - Ảnh 2.

Mobile money có thể là giải pháp thay thế tiền lẻ đang sử dụng trên thị trường. (Ảnh: ICT Việt Nam).

Theo báo cáo của Cục Viễn thông, Viettel đã thí điểm thu phí đỗ xe ô tô qua hình thức thanh toán điện tử tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Kết quả thí điểm thu được: Tỷ lệ người dùng tài khoản ngân hàng viễn thông là 94% so với 6% sử dụng tài khoản ngân hàng.

VinaPhone cũng đang trong thời gian thí điểm 2 năm dịch vụ này tại Việt Nam từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2023. Hiện tại, đối tượng được sử dụng Mobile money là các cán bộ, nhân viên của VNPT, VinaPhone. Trong tương lai gần, dịch vụ Mobile money sẽ được mở rộng cho tất cả các thuê bao VinaPhone.

Đối với MobiFone, nhà mạng này cũng đã hoàn thành hồ sơ đề xuất thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile money gửi tới Ngân hàng nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông và các Bộ có liên quan thẩm định phê duyệt, đồng thời đang triển khai thử nghiệm hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho dịch vụ Mobile money.

Như vậy bằng việc tham gia sân chơi viễn thông, Masan hoàn toàn có tiềm năng khai thác Mobile money với hơn 50 triệu khách hàng của mình, tạo ra một hệ sinh thái đồng nhất từ sản xuất, phân phối hàng hoá tới thanh toán mua hàng dành cho người tiêu dùng. Đặc biệt cơ hội này còn rất lớn khi các nhà mạng tại Việt Nam vẫn chưa nhập cuộc quyết liệt.

Mạng di động ảo – sân chơi mới chưa được khai thác

Mobile Virtual Network Operator – MVNO (Mạng di động ảo) là khái niệm ra đời từ rất lâu trên thế giới. Về bản chất, một công ty viễn thông sẽ luôn có những phần dung lượng mạng mà họ hiếm khi sử dụng. Để có thêm doanh thu, một số công ty viễn thông sẽ bán phần dung lượng dư cho công ty kinh doanh MVNO.

Các công ty kinh doanh MVNO sẽ thuê lại phần dung lượng với giá sỉ, sau đó bán cho khách hàng giới giá bán lẻ. Lợi nhuận của công ty kinh doanh MVNO sẽ là phần chênh lệch giữa hai mức giá.

Với công ty kinh doanh mạng di động ảo, việc thuê lại một phần hạ tầng của các công ty viễn thông sẽ giảm đáng kể rào cản khi bước vào thị trường vì không phải bỏ ra hàng nghìn tỉ để xây dựng cơ sở vật chất.

Viettel, VinaPhone, MobiFone vững bước trong mùa dịch, tiến vào những 'sân chơi' mới trong ngành viễn thông - Ảnh 4.

Nhóm 8 nước có nhiều nhà mạng ảo nhất thế giới, theo khảo sát năm 2018 của WeConnectThailand. (Ảnh: PNR).

Thị trường MVNO tại Việt Nam vẫn còn tương đối mới. Trong đó Mobicast - công ty vừa được Masan mua lại, sở hữu thương hiệu mạng Reddi tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông. Đơn vị đầu tiên là ITlecom của CTCP Viễn thông Đông Dương Telecom.

Phía Masan cho hay, việc mua lại Mobicast là hợp tác Win - Win (cùng thắng - NV). Trong đó, với việc sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank và Phúc Long, công ty cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng.

Đây bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng "Point of Life" và mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. "Point of Life" là hệ sinh thái tiêu dùng duy nhất phục vụ từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số. Đây là những dịch vụ thiết yếu chiếm 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt.

Về phía nhà mạng MVNO, Reddi sẽ được tiếp cận độc quyền đến tập khách hàng của Masan thông qua các điểm bán trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc. Đây là lợi thế giúp Reddi tiết giảm đáng kể chi phí thu hút khách hàng và cho phép công ty dùng khoản tiết kiệm này để tái đầu tư vào phát triển các giải pháp tiêu dùng số và nền tảng trải nghiệm cho người tiêu dùng Việt Nam, trong đó 44% thuê bao di động vẫn chủ yếu dùng dịch vụ thoại và SMS.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mieng-banh-vien-thong-hap-dan-the-nao-ma-khien-ca-masan-cung-muon-nhap-cuoc-2021092215055149.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/