MBS: Lạm phát ở mức cao đang gây áp lực lên tỷ giá

Theo MBS, chênh lệch lạm phát giữa Mỹ và Việt Nam thời điểm hiện tại đã tăng lên 3,1%. Mức chênh lệch cao này đang tạo ra kì vọng giảm giá của VND mạnh hơn so với bình thường, khiến áp lực lên tỷ giá VND/USD tăng lên.

MBS: Lạm phát ở mức cao đang gây áp lực lên tỷ giá  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: VnEconomy)

Lạm phát gây áp lực lên tỷ giá 

Trong hai tuần trở lại đây USD Index đã tăng mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư đẩy mạnh việc bán ra các tài sản tài chính và đầu tư để nắm giữ đồng USD. 

USD Index đã tăng từ mức 94 điểm lên mức 103 điểm chỉ trong hai tuần, gây áp lực lên các đồng nội tệ của các quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam.

Theo Chứng khoán MB (MBS), với việc USD Index tăng 9% chỉ trong hơn 2 tuần, NHNN cũng phải có động thái giảm áp lực bằng cách điều chỉnh tăng tỷ giá USD trung tâm tuy nhiên mức độ điều chỉnh là thấp so với mức tăng của USD cho thấy NHNN vẫn khá tự tin với khả năng điều hành tỷ giá trong thời gian tới.

"Áp lực tăng giá USD trên thị trường tài chính toàn cầu có thể duy trì trong 1 tháng tới song sẽ giảm trong các tháng cuối năm 2020 khi ngân hàng trung ương Mỹ duy trì một chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế và các nhà đầu tư sẽ tích cực mua vào các tài sản tài chính, giảm nắm giữ USD khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh COVID-19", nhóm phân tích MBS nhận định.

MBS: Lạm phát ở mức cao đang gây áp lực lên tỷ giá  - Ảnh 2.

Nguồn: MBS

Ngoài các yếu tố quốc tế, MBS cho rằng lạm phát của Việt Nam ở mức cao cũng đang gây áp lực cho tỷ giá.

Theo đó, lạm phát của Việt Nam và Mỹ luôn có chênh lệch trong các năm qua và phần lớn thời điểm lạm phát của Việt Nam cao hơn lạm phát tại Mỹ.

Chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ trong các năm trước giao động trong khoảng - 0,6% đến 2,9%. Chênh lệch lạm phát thấp khiến áp lực mất giá của VND so với USD đã giảm đi đáng kể và từ năm 2014 đến đầu năm 2020.

Tuy nhiên, chênh lệch lạm phát của Mỹ và Việt Nam thời điểm hiện tại đã tăng lên khá cao (2,3% so với 5,4%) với mức chênh lệch là 3,1%. Mức chênh lệch cao này đang tạo ra kì vọng giảm giá của VND mạnh hơn so với bình thường, khiến áp lực lên tỷ giá VND/USD tăng lên.

Trong tháng 3 và tháng 4 tới dự kiến lạm phát tại Việt Nam sẽ suy giảm khi nhiều nhóm hàng hóa sẽ giảm giá bao gồm xăng dầu (giảm do giá thế giới giảm), thực phẩm giảm giá (do nguồn cung thịt lợn phục hồi trở lại), dịch vụ vui chơi ăn uống ngoài gia đình (do sức cầu thấp) do đó mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ thu hẹp qua đó làm giảm áp lực lên VND.

MBS: Lạm phát ở mức cao đang gây áp lực lên tỷ giá  - Ảnh 3.

Nguồn: MBS

VND sẽ mất giá khoảng 2% trong năm 2020

Mặc dù yếu tố áp lực lạm phát vẫn còn song MBS đánh giá mức lạm phát tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng giảm về mức dưới 3,5% trong năm 2020. Dự kiến mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ cuối năm 2020 sẽ giao động quanh mức 2%. Do đó dựa trên lí thuyết ngang giá sức mua có thể dự đoán, VND sẽ chỉ mất giá khoảng 2%/năm so với đầu năm.

Về phía cung cầu USD, MBS đánh giá nguồn cung USD của Việt Nam trong năm 2020 vẫn sẽ khá dồi dào đảm bảo đủ nhu cầu của nền kinh tế do đó tỷ giá VND/USD sẽ không sức ép dài hạn từ yếu tố này.

Mặt khác, dự trữ ngoại hối đã tăng đáng kể vào cuối 2019 khi NHNN tiếp tục mua vào USD khi nguồn ngoại tệ dồi dào. Hiện tại, dự trữ ngoại hối ước đạt 79 tỉ USD đã đạt gần 4 tháng nhập khẩu và cao hơn đáng kể so với mức nợ ngoại tệ ngắn hạn của nền kinh tế là 21,9 tỉ USD do đó hỗ trợ mạnh mẽ cho sự ổn định tỷ giá VND/USD trong tương lai.

Theo MBS, xu hướng chung vẫn là VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể trên 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, vào cuối năm với mức giảm sẽ điều chỉnh về khoảng 2%/năm do các yếu tố hỗ trợ sức mạnh của USD suy giảm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mbs-lam-phat-o-muc-cao-dang-gay-ap-luc-len-ty-gia-20200326082809178.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/