Lý do suy thoái có thể trở thành người hùng của Phố Wall

Suy thoái thường làm tổn thương lợi nhuận doanh nghiệp và giá cổ phiếu. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái trong năm 2023 có thể làm giảm bớt hai yếu tố ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán Mỹ là lạm phát cao và lãi suất gia tăng.

(Hình minh họa: CNN). 

Các cuộc bàn luận về suy thoái dường như đang diễn ra khắp mọi nơi. Có tới 28 trong số 48 nhà kinh tế được khảo sát bởi Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ dự kiến nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm hơn nửa triệu việc làm trong tháng 1, nhưng gần đây nhiều công ty lớn đã sa thải hàng nghìn nhân viên, cho thấy nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị để đối phó một giai đoạn khó khăn. Phát biểu của các CEO và CFO trong những buổi họp báo và công bố kết quả kinh doanh gần đây cũng củng cố quan điểm này.

Thật khó để tưởng tượng rằng một cuộc suy thoái có thể đem đến ích lợi cho thị trường chứng khoán. “Đại Suy thoái” bắt đầu vào tháng 12/2007 và kéo dài đến tháng 6/2009. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là quãng thời gian đầy khó khăn với thị trường chứng khoán.

 

Suy thoái thường kéo lợi nhuận doanh nghiệp sut giảm đáng kể, gây ra áp lực lớn lên định giá cổ phiếu. Nhưng không phải cuộc suy thoái nào cũng giống nhau.  

Điểm khác biệt giữa các cuộc suy thoái

Đại Suy thoái và tình hình hiện nay khác nhau như thế nào? Cuối năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải giảm lãi suất xuống mức gần 0 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính.

Còn lần này, Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh chóng bất chấp nền kinh tế dường như đang đứng sát bờ vực suy thoái. Lý do là tỷ lệ lạm phát cao ngất ngưởng.

Nhiều nhà kinh tế và chuyên gia phân tích thị trường ngờ rằng Fed đang cố ý hoặc sẵn sàng gây ra một cuộc suy thoái để ngăn chặn sự mất giá khủng khiếp của tiền. Nếu buộc phải chọn giữa lạm phát cao dai dẳng và suy thoái, phương án thứ hai có lẽ là kết quả tốt hơn đối với nhà đầu tư.

Lãi suất tăng gây hại cho cổ phiếu

Lãi suất gia tăng khiến việc đi vay của doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn. Lãi suất tăng khiến lợi suất trái phiếu đi lên, làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu khi so sánh với những khoản đầu tư khác.

Theo một số ước tính, các công ty đầu tư lớn chiếm hơn 70% tổng khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ và cũng nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu tương tự trên thị trường.

Do rất nhiều công ty trong số này phải đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra hàng năm, cổ phiếu sẽ đối mặt với áp lực bán lớn khi khả năng tiếp cận vốn trở nên đắt đỏ hơn và sức hấp dẫn của các khoản đầu tư trả thu nhập cố định tăng lên.

Lãi suất ở Mỹ hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2007. Môi trường lãi suất gia tăng là một trong những yếu tố chính đẩy thị trường vào vũng lầy hồi năm 2022.

 

Tại cuộc họp ngày 1/2, Fed đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps), mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 3/2022. Động thái bồ câu của Fed đã giúp thị trường có diễn biến tích cực trong ba tuần tiếp theo. Nhưng loạt dữ liệu mới báo hiệu rằng lạm phát vẫn chưa quay về tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương Mỹ. 

Dữ liệu công bố ngày 25/2 cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (không kể giá năng lượng và thực phẩm, core PCE) tăng 0,6% trong tháng 1 và cao hơn 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Những con số đó cao hơn đáng kể so với dự đoán của các nhà kinh tế và nhà phân tích. Tin dữ này đã kích hoạt một đợt bán tháo mới trên thị trường.

Suy thoái không đồng nghĩa rằng lạm phát sẽ thoái lui theo đúng ý Fed hay thị trường. Nhưng một cuộc suy thoái nhẹ có thể làm giảm lạm phát và giúp đỡ cho Fed, mở đường để thị trường chứng khoán đi lên.  

Lạm phát, lãi suất giảm tốc có thể “chắp cánh” cho thị trường

Vì tính rủi ro và nhiều yếu tố khác, định giá của cổ phiếu tăng trưởng thường giảm mạnh khi lãi suất tăng. Cổ phiếu tăng trưởng cũng chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số S&P 500 và đặc biệt là chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite.

Bảng dưới đây liệt kê 10 cổ phiếu lớn nhất trong chỉ số S&P 500 theo tỷ trọng và tỷ suất lợi nhuận từ đầu năm đến nay.

Số liệu tính đến ngày 2/3. 

Trong số những cái tên trên, Apple, Microsoft, Amazon, Nvidia, Tesla và Alphabet (công ty mẹ của Google) đều có thể xếp vào nhóm “tăng trưởng”, theo tờ Motley Fool.

Tính đến ngày 2/3, những cổ phiếu này đều có tỷ suất sinh lời lớn hơn chỉ số S&P 500 (3,7%), một phần là nhờ Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt chỉ số đi lên. 

Nhiều khả năng lợi nhuận của các công ty trên sẽ gặp áp lực khi Mỹ rơi vào suy thoái dù họ đã sa thải bớt nhân viên và thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí khác. Dẫu vậy, suy thoái có thể là sự đánh đổi đáng hoan nghênh đối với nhà đầu tư nếu sự kiện này kìm hãm được lạm phát và khiến Fed trở nên bồ câu hơn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ly-do-suy-thoai-co-the-tro-thanh-nguoi-hung-cua-pho-wall-202336144258987.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/