Lý do khiến lao động trí thức tại Mỹ đang bị sa thải trước lao động phổ thông

Thông thường, lao động trí thức là lực lượng cuối cùng bị sa thải trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, do tuyển dụng quá nhiều trong đại dịch, các doanh nghiệp Mỹ đang cho thôi việc lực lượng này.

Amazon, Ford, Pepsi, Meta và nhiều tập đoàn khác đã tuyên bố sa thải hàng loạt nhân viên vào cuối năm ngoái. Khi nền kinh tế khó khăn, cắt giảm việc làm là chuyện thường thường tình. 

Tuy vậy, vào năm 2022, một số lượng lớn bất thường công nhân cổ cồn trắng (nhân viên công sở, trí thức …) lại bị sa thải. Kể từ khi đợt sa thải bắt đầu vào năm ngoái, các chuyên gia đã cảnh báo rằng suy thoái có thể ảnh hưởng tới lao động có trình độ cao. 

“Cuộc suy thoái này sẽ rất tồi tệ với công nhân cổ cồn xanh và với cả những người lao động trong lĩnh vực tài chính”, giáo sư marketing của Đại học New York, ông Scott Galloway cho biết.

Theo Wall Street Journal, thông thường, khi nền kinh tế chậm lại, quá trình sa thải sẽ diễn ra theo thứ tự như sau: 

Trước hết, những ngành sử dụng nhiều vốn, chẳng hạn như sản xuất, xây dựng, … sẽ sa thải nhân viên. Kế đến, những ngành nghề có lực lượng lao động được trả lương thấp như bán lẻ, du lịch, nhà hàng và khách sạn, … cắt giảm nhân lực. Cuối cùng, khi nền kinh tế thực sự chậm lại, suy thoái gần kề hoặc đã xảy ra, thì lao động có trình độ và lao động trí thức mới bị sa thải.

Thông thường, lao động chân tay, lao động có thu nhập thấp sẽ là đối tượng bị sa thải đầu tiên khi khủng hoảng tới.

Trong cuộc suy thoái vào đầu những năm 1980, lực lượng công nhân chiếm 75% tỷ lệ sa thải. Vào năm 2007, ngay trước khi Khủng hoảng tài chính bắt đầu, những ngành như xây dựng và sản xuất đã cắt giảm lao động đầu tiên.

Vào cuối năm 2008, khi các đợt sa thải hàng loạt ngày càng nhiều, những ngành công nghiệp không sử dụng nhiều công nhân cổ cồn trắng, ngoại trừ tài chính, có nhiều thông báo sa thải nhất. Rõ ràng, đợt sa thải lao động trí thức trong năm 2022 là một ngoại lệ.

Tuyển dụng quá nhiều

Theo Wall Street Journal, để tìm hiểu nguyên nhân tại sao các đợt sa thải hàng loạt đang diễn ra, chúng ta cần quay lại thời điểm đại dịch bắt đầu. 

Khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng đầu năm 2020, nhiều ngành công nghiệp đã buộc phải cho nhân viên thôi việc. Lao động trong lĩnh vực dịch vụ như giải trí, bán lẻ chiếm phần lớn số việc làm bị cắt giảm trong 7 tháng đầu năm. Những công việc này cần tiếp xúc trực tiếp, và không thể hoạt động bình thường do đại dịch.

Trong khi đó, lao động trí thức nhìn chung vẫn có thể làm việc từ nhà, chỉ với một chiếc máy tính. Những doanh nghiệp như Zoom tăng trưởng đột biến, trong khi nhu cầu về sản phẩm của Google hay Microsoft cũng bùng nổ.

Khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, một số ngành có lực lượng lao động quay lại mức trước đại dịch, trong khi những ngành khác, đặc biệt là dịch vụ, chỉ tăng trưởng thấp hoặc vẫn thiếu hụt.

Khi lãi suất bắt đầu đi lên vào năm 2022, nhà tuyển dụng đã đối mặt với hai vấn đề. Trước hết, doanh nghiệp đang thừa lao động trí thức, thường được thuê cho những dự án đặc biệt hoặc kế hoạch mở rộng trong thời đại dịch. Những kế hoạch trên đã bị ngừng hoặc giảm quy mô, và công ty nhận ra rằng mình không cần đến quá nhiều lao động.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang thiếu công nhân cổ cồn xanh (công nhân, người lao động chân tay) và nhân viên tuyến đầu (nhân viên dịch vụ khách hàng như lễ tân, chạy bàn …).

Những ngành như sản xuất, bán lẻ, giá trí, khách sạn đang thiếu nhân viên so với trước đại dịch, trong khi tài chính, kinh doanh, vận tải đang thừa nhân viên.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng thiếu hụt công nhân cổ cồn xanh có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như ngày càng có nhiều người nghỉ hưu và làn sóng nhập cư chậm lại.

Một số nhà kinh tế cũng cho rằng tâm lý của người lao động về việc làm đã thay đổi trong thời đại dịch, và doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân những nhân viên đang khó tuyển dụng nhất (lao động chân tay, lao động trong ngành dịch vụ).

Trong khi đó, số thông báo tuyển dụng lao động trí thức giảm đi, và các đợt sa thải ngày càng tăng lên. Mức lương cao của lao động trí thức đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải sa thải ít người hơn để tiết kiệm cùng một lượng tiền lương. 

Doanh nghiệp cũng đang ưu tiên những người lao động chân tay, dịch vụ, vốn đang khó tuyển dụng hơn những người lao động trí thức.

Không thất nghiệp lâu

Lao động trí thức bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt sa thải này nhưng thường không thất nghiệp lâu. Phần lớn nhân viên công nghệ bị sa thải trong năm nay thường kiếm được việc mới trong vòng ba tháng.

Bất chấp tình trạng sa thải hàng loạt, thị trường việc làm vẫn đặc biệt mạnh mẽ. Fed đang cố tìm cách hạ nhiệt thị trường này.

Các nhà kinh tế đang dự báo nhiều đợt sa thải hơn, và lan rộng từ lĩnh vực công nghệ, tài chính sang các khu vực khác của nền kinh tế. Một số nhà kinh tế lại nói rằng các công ty có thể đang nhắm tới những người làm việc kém hiệu quả, trong khi giữ chân những nhân viên có giá trị nhất. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ly-do-khien-lao-dong-tri-thuc-tai-my-dang-bi-sa-thai-truoc-lao-dong-pho-thong-2023111112545319.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/