Lượng tiền từ bán vốn cho KEB Hana Bank sẽ giúp BIDV thay đổi như thế nào?

Theo VDSC, nguồn tiền thu về từ việc bán vốn cho KEB Hana Bank sẽ giúp BIDV cải thiện được bộ đệm vốn, từ đó cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn và giảm áp lực huy động vốn.

Lượng tiền từ bán vốn cho KEB Hana Bank sẽ giúp BIDV thay đổi như thế nào? - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) mới đây đã hoàn tất thủ tục bán 603 triệu cổ phiếu, hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm, cho KEB Hana Bank (KHB), với giá 33.640 đồng/cổ phiếu. Với hơn 20.200 tỉ đồng thu được từ thương vụ này, vốn điều lệ của BIDV đã tăng lên 40.220 tỉ đồng, trở thành ngân hàng lớn nhất về vốn điều lệ trong hệ thống.

Trong báo cáo mới đây, chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng BIDV vẫn đang có kế hoạch tiếp tục thực hiện phát hành thêm 10% cho nhà đầu tư tài chính nhằm giảm tỉ lệ sở hữu của chính phủ xuống 65% trong các năm sau. Dù vậy, việc phát hành này sẽ chưa được thực hiện tối thiểu trong vòng 6 tháng sau khi phát hành cho KHB.

Theo VDSC, với nguồn tiền mới từ KHB, BIDV sẽ có những thay đổi tích cực về các yếu tố cơ bản cũng như triển vọng tăng trưởng trong những năm tới.

Trước hết ngân hàng sẽ cải thiện được bộ đệm vốn, từ đó cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn. Theo thương vụ, CAR (Basel I) đã tăng lên 10,5% và CAR (Basel II) được ước tính ở mức cao hơn 9%. Tăng trưởng tín dụng được kì vọng ở mức bình quân 14 - 15% mỗi năm trong các năm tới.

Tiếp đó, ngân hàng có thể giảm áp lực huy động vốn. VDSC ước tính rằng BIDV có thể duy trì mức tăng trưởng huy động thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng, cũng như ít phụ thuộc hơn vào vốn cấp 2. Như vậy, NIM có khả năng đạt 2,9% cho năm 2019 và 3,1% cho năm 2020.

Cuối cùng, ngân hàng có thêm nguồn lực để đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số và quản lí chất lượng tài sản với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược mới. Đối tác KHB sẽ gửi khoảng 20 chuyên gia Hàn Quốc đến BIDV để đảm nhận một số vị trí quan trọng, bao gồm vị trí trong HĐQT và ban quản lí.

Bên cạnh đó, VDSC cho rằng BIDV đã và đang ưu tiên mục tiêu làm sạch bảng cân đối kế toán và xử lí các khoản nợ VAMC hơn là chú trọng tăng trưởng lợi nhuận ở giai đoạn hiện tại. Dù vậy, với nguồn vốn mới, ngân hàng vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận (dù khiêm tốn) là 10% trong năm 2019.

Sau khi xử lý xong trái phiếu VAMC, chi phí dự phòng dự báo sẽ giảm ít nhất 24% vào năm 2020. Như vậy, kì vọng thu nhập sẽ tăng tốc đáng kể trong năm 2020.

"BIDV là ngân hàng quốc doanh, đang trong quá trình tái cơ cấu. Với sự tham gia của đối tác chiến lược mới sẽ mở ra một triển vọng mới và tươi sáng cho BIDV", VDSC nhận định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/luong-tien-tu-ban-von-cho-keb-hana-bank-se-giup-bidv-thay-doi-nhu-the-nao-20191107114211426.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/