Lợi nhuận tháng 7 của Dệt may Thành Công (TCM) giảm gần một nửa vì dịch COVID-19

Dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực có số lượng lớn doanh nghiệp dệt may đang hoạt động đã khiến toàn ngành, trong đó có Dệt may Thành Công chật vật trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm với tổng doanh thu đạt hơn 95,6 triệu USD (2.179 tỷ đồng), tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5,7 triệu USD (130 tỷ đồng), giảm 6%.

Trong đó riêng tháng 7, doanh thu của TCM đạt 14,4 triệu USD (328 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế gần 673.000 USD (15 tỷ), lần lượt giảm 3% và giảm 47% so với tháng 7/2020.

Lợi nhuận tháng 7 của Dệt may Thành Công (TCM) giảm gần một nửa vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Với kết quả trên, TCM đã thực hiện được 53,3% kế hoạch doanh thu và 46,7% mục tiêu lợi nhuận năm.

TCM cho biết năm nay do không có đơn hàng khẩu trang cộng thêm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công nhân phải làm việc giãn cách, năng suất không cao nên biên lợi nhuận gộp của mảng garment (các sản phẩm may mặc) có giảm so với năm ngoái. 

Bù lại việc kinh doanh mảng sợi được cải thiện hơn so với cùng kỳ nên nhìn chung kết quả kinh doanh 7 tháng cũng đạt được kết quả tương đối so với các đơn vị dệt may cùng ngành.

Lợi nhuận tháng 7 của Dệt may Thành Công (TCM) giảm gần một nửa vì dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của TCM.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, mặc dù đối mặc với nhiều thách thức do dịch bệnh COVID-19, nhưng hoạt động xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng 7 tháng đầu năm nay đều đạt mức tăng trưởng tích cực. Tính chung 7 tháng năm 2021, hàng dệt và may mặc đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14%; nhập khẩu đạt 188 tỷ USD, tăng 35,3%. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công Thương, đà tăng trưởng đang chậm lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Từ nay đến cuối năm 2021, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin cho lực lượng lao động trong nước. 

TCM nhận định dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam - khu vực có số lượng lớn doanh nghiệp dệt may đang hoạt động cũng khiến ngành dệt may chật vật trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Đồng thời chi phí logistics của Việt Nam đang rất cao, chiếm 9,3% giá thành sản phẩm ngành dệt may đặc biệt là chi phí thuê container rỗng. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, giá thuê container hiện đã tăng gấp 3 đến 4 lần so với năm ngoái. Đó là chưa kể, hàng loạt đơn hàng sản xuất ra gần đây vì thiếu container xuất khẩu dẫn tới ách tắc lưu thông, chậm tiến độ giao hàng cho đối tác, khách hàng.

Dự báo về hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2021, Đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như điện tử, dệt may và da giày,... tín hiệu tốt là các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đều trong đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới. 

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loi-nhuan-thang-7-cua-det-may-thanh-cong-tcm-giam-gan-mot-nua-vi-dich-covid-19-20210814074418776.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/