Lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí khởi sắc nhờ giá dầu tăng

Nhờ biến động tích cực của giá dầu trong quí I/2019, nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí cũng như phân phối xăng dầu ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc: giảm lỗ hoặc tăng trưởng lợi nhuận đột biến.

Tính đến cuối quí I/2019, giá dầu Brent tăng thêm 27,1% so với đầu năm và biến động ổn định trên ngưỡng 70 USD một thùng trong giai đoạn đầu quí II/2019.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán SSI, sự vận động tích cực của giá dầu Brent giúp cải thiện kết quả kinh doanh của nhóm upstream (thượng nguồn – phần đầu của chuỗi giá trị dầu khí) và midstream (trung nguồn) trong chuỗi giá trị ngành dầu khí.

Nhóm Upstream: Chuyển lỗ thành lãi

Theo thống kê của SSI, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp Upstream niêm yết lần lượt đạt 5.720 tỉ đồng, tăng 9,2% so với quí I/2018) và 521 tỉ đồng, tăng 56,9%. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh từ mức – 58,2 tỉ đồng lên 286 tỉ đồng.

Giá dầu Brent vận động quanh ngưỡng 60-70 USD trong phần lớn quí I/2019 giúp nhu cầu khai thác dầu khí cải thiện, kéo theo khối lượng việc làm tăng thêm đối với nhóm upstream.

PVD và PVS là các doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng trên

Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (Mã: PVD): Doanh thu thuần quí 1 giảm 17,7% so với cùng kì năm ngoái do ảnh hưởng từ giá trị của các hợp đồng thương mại. Tính riêng hoạt động cốt lõi, bao gồm dịch vụ khoan và dịch vụ giếng khoan, doanh thu tăng trưởng 14% so với cùng kì 2018.

Theo SSI, các giàn khoan số I, III, VI đều có việc làm trong quí đầu năm trong khi đó giàn II cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ cho Sapura Energy kể từ ngày 7/3. So với quí I/2018, hiệu suất hoạt động đã cải thiện từ mức 70% lên 83%, đi cùng với giá cho thuê tăng nhẹ so với cùng kì.

PVD ghi nhận lỗ trong quí I/2019 khi doanh nghiệp trích lập dự phòng phải thu khó đòi từ PVEP thêm 50 tỉ đồng, tuy nhiên quy mô khoản lỗ đã được thu hẹp từ mức -253 tỉ đồng về -93 tỉ đồng nhờ PVD kéo dài thời gian khấu hao đối với giàn II, III, VI từ 20 năm lên 35 năm.

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS): SSI đánh giá doanh thu từ mảng M&C (xây lắp) tăng trưởng mạnh 31% nhờ ghi nhận từ các dự án Sao Vàng Đại Nguyệt, Gallaf – Al Shaheen, nhiệt điện Long Phú 1. Lĩnh vực xây lắp đóng góp 65% doanh thu và 57% lợi nhuận gộp cho PVS.

Quí I/2019, PVS ghi nhận khoảng 4.100 tỉ đồng doanh thu thuần (tăng 23% so với cùng kì năm ngoái) và 385 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 103,2%), trong đó tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của công ty được hỗ trợ từ hoạt động giải thể liên doanh PTSC-CGGV.

Công ty TNHH Khảo sát địa vật lý PTSC-CGGV được thành lập năm 2011 bởi PVS và Công ty CGGVeritas Service Holding BV với tỉ lệ góp vốn lần lượt là 51% và 49%.

Trong năm 2012 và 2013, hoạt động của PTSC-CGGV đem về lợi nhuận khoảng 376 tỉ đồng.

Tuy nhiên, từ sau cuối năm 2014, do giá dầu thô suy giảm và duy trì ở mức thấp kéo dài, khối lượng khảo sát địa chấn trong và ngoài nước giảm mạnh, đơn giá dịch vụ khảo sát đã bị giảm sút so với thời điểm công ty thành lập. Do đó, hoạt động kinh doanh của PTSC-CGGV bị ảnh hưởng nặng nề. Từ năm 2014 đến 2017, công ty lỗ lũy kế tổng cộng 786,5 tỉ đồng.

Nhóm Midstream: GAS và BSR cùng lãi lớn

Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (Mã: GAS): SSI cho biết giá dầu nhiên liệu (FO) tăng trưởng 7,9% so với cùng kì năm ngoái là là nguyên nhân khiến giá khí đầu ra tăng trong khi đó sản lượng khí khô tương đương với cùng kì.

Doanh thu thuần quí I/2019 đạt 18.640 tỉ đồng, tăng 2,3% so với quí I/2018 trong khi đó lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 43% lên 3.860 tỉ đồng nhờ (1) lợi nhuận cao hơn từ mảng LPG; (2) thu nhập thuần từ hoạt động tài chính tăng 156% so cùng kì do nợ dài hạn giảm xuống.

CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR): Kết quả kinh doanh của BSR phụ thuộc vào vận động của crack spread (chênh lệch giá bán đầu ra và giá dầu nguyên liệu). Quí IV/2018 chứng kiến sự đi xuống của giá dầu Brent, từ mức bình quân tháng 10 là 81 USD/thùng về 57,39 USD/thùng vào tháng 12 kéo theo mức giảm giá của các sản phẩm đầu ra.

Trong khi đó, việc tích trữ dầu nguyên liệu tại vùng giá cao hơn kéo theo mức tăng lên của giá vốn, khiến crack spread suy giảm. BSR lỗ 959 tỉ đồng trong quí cuối năm 2018.

Theo SSI, giá dầu Brent cải thiện mạnh trong quí I/2019 kéo theo sự hồi phục của giá bán trong khi lượng dầu thô dự trữ ở mức giá thấp hơn đáng kể so với thị trường. BSR ghi nhận 597,8 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong quí đầu năm.

Nhóm phân phối xăng dầu: Lợi nhuận tăng trưởng tốt

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX), Tổng Công ty Dầu Việt Nam – CTCP (Mã: OIL) và Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (Mã: TLP) là ba doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã niêm yết và cũng là Top 3 chiếm 75% thị phần kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam.

Theo tính toán của SSI, tổng doanh thu của ba doanh nghiệp này trong quí I/2019 là 58.909 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kì nhưng tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.649 tỉ đồng, tăng 12,9%.

Kết quả kinh doanh khá khác biệt ở 3 doanh nghiệp khi Petrolimex có lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ trong khi OIL và TLP giảm sút.

Riêng với Petrolimex, giá xăng dầu tăng liên tục trong quí I/2019 đã giúp doanh nghiệp này hoàn nhập 552 tỉ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã trích cuối năm 2018, nhờ vậy biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ mức 7,2% lên 9%.

Đây là nguyên nhân chính mang lại lợi nhuận cao trong quí I/2019 của PLX. Với qui mô và thị phần lớn, kết quả của PLX đã kéo kết quả chung của cả ngành này.

Lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí khởi sắc nhờ giá dầu tăng - Ảnh 3.

Tỉ suất lợi nhuận hàng quí của Petrolimex và diễn biến giá dầu. Nguồn: SSI.

OIL chuyển đổi thành công ty cổ phần từ ngày 1/8/2018, các chỉ tiêu tài chính bị ảnh hưởng do xử lý tài chính khi cổ phần hóa nên việc so sánh với cùng kì có thể chưa có nhiều ý nghĩa. 

Đối với TLP, hoạt động kinh doanh xăng dầu chỉ mang lại khoảng 60% lợi nhuận gộp, 40% còn lại đến từ kinh doanh bất động sản và dịch vụ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loi-nhuan-doanh-nghiep-dau-khi-khoi-sac-nho-gia-dau-tang-20190527063944135.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/